Hôm nay đọc được cái này thấy hay hay………
Trong cuộc mạn đàm đầu tháng 5 vừa qua giữa những nhân vật có tiếng của Hollywood và các nhà làm phim Việt Nam tại TPHCM, đạo diễn nổi tiếng Curtis Hanson với bộ phim L.A. Confidential đã trả lời gọn lỏn: “Theo Hàn Quốc!”, khi đạo diễn Lê Hoàng có hỏi ông hướng phát triển của điện ảnh Việt Nam.
Trong vòng 15 năm, Hàn Quốc trở thành một cường quốc điện ảnh thế giới. “Theo Hàn Quốc!”, ba chữ nghe đơn giản nhưng thực hiện là cả một kỳ công. Thế giới đã nói quá nhiều đến bước tiến thần kỳ của điện ảnh Hàn Quốc, đến cả Mỹ cũng phải giật mình. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết những câu chuyện đằng sau sự thành công của điện ảnh Hàn Quốc.
Chuyện của 15 năm về trước!
Không phải ai cũng biết những câu chuyện đằng sau sự thành công của điện ảnh Hàn Quốc. Đầu thập niên 90 (của thế kỷ trước), trong lúc điện ảnh Việt Nam đang “lên ngôi” với dòng phim “mỳ ăn liền”, thì ở Hàn Quốc, hai chữ “điện ảnh” còn rất xa lạ với công chúng. Nhà làm phim danh tiếng nhất Hàn Quốc lúc bấy giờ chỉ có mỗi Im Kwon Taek, nhưng phim của ông lại không được đón chào ở quê nhà. Bởi “khẩu vị” phim ông “rất khó xơi” và hầu như chỉ nhằm phục vụ cho các LHP quốc tế.
Tình hình điện ảnh Hàn Quốc lúc ấy ảm đạm. Phim làm theo lối tư duy cũ kỹ, đề tài lạc hậu so với cuộc sống hiện tại. Một năm, số phim sản xuất (phim nhựa) đếm không quá 10 đầu ngón tay. Phim chiếu rạp chiếm hết 98% là của Mỹ!
Mọi chuyện bắt đầu thay đổi khi đến giữa thập niên 90, Bộ trưởng Bộ Văn hóa nhậm chức. Vị này, xuất thân là một người làm điện ảnh, đã đệ trình lên chính phủ dự án cải tổ điện ảnh toàn diện. Ấn tượng trước bản đệ trình, trong đó nhấn mạnh vai trò quan trọng của điện ảnh như là công cụ quảng bá hình ảnh của “con rồng châu Á” Hàn Quốc với thị trường thế giới, chính phủ lập tức đưa vấn đề này trở thành một trong những quốc sách hàng đầu.
Nhưng vấn đề lớn ở đây là cải tổ như thế nào? Phương án tối ưu nhất được chọn là phải đầu tư tận gốc rễ, đầu tư vào con người. Các nhà lãnh đạo của Hàn Quốc còn chọn mô hình phát triển của điện ảnh Mỹ để hướng tới. Họ lựa chọn những người có năng khiếu và tố chất để gửi sang Mỹ đào tạo. Hơn 300 người đã được chọn với tiêu chí còn trẻ (từ 18 đến 25 tuổi) và có chút căn bản tiếng Anh. Tất cả kinh phí do chính phủ Hàn Quốc tài trợ.
Bước nhảy thần kỳ
Từ nước Mỹ trở về, “đợt sóng mới” đã hăm hở áp dụng tất cả những gì học được. Nhưng ngay lập tức, họ đụng đầu với những “thần công” cũ của điện ảnh Hàn Quốc. Tuy nhiên, tranh cãi nhanh chóng bị dập tắt bởi sự ủng hộ từ phía chính phủ.
Ngay cả những người trong cuộc cũng không ngờ mọi việc xảy ra nhanh chóng hơn dự tính: chỉ sau khoảng thời gian năm năm. Chính phủ Hàn Quốc đã khuyến khích tư nhân và các tập đoàn giải trí nước ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng cho điện ảnh, truyền hình với những ưu đãi tốt nhất. Các cụm rạp, trường quay hiện đại ồ ạt ra đời.
Có được cơ sở hạ tầng tốt và một “đợt sóng mới” các nhà điện ảnh được đào tạo bài bản ở kinh đô điện ảnh thế giới, bước nhảy thần kỳ của điện ảnh Hàn Quốc bắt đầu. Năm 1999 được xem là cột mốc lịch sử của điện ảnh Hàn Quốc với sự ra đời của phim Shiri (Gián điệp nhị trùng), đạo diễn Kang Je Gyu.
Ở thời điểm đó, Shiri trở thành bộ phim “đắt” nhất trong lịch sử điện ảnh Hàn Quốc với kinh phí đầu tư lên đến 8,5 triệu USD (phần lớn do Samsung tài trợ)! Chỉ tính riêng thủ đô Seoul đã có hơn 2 triệu khán giả xem phim này. Tổng cộng doanh thu ở Hàn Quốc của phim lên tới 60 triệu USD. Điều thần kỳ ở đây là Shiri (với 6,5 triệu người xem) đã qua mặt siêu phẩm Titanic (4,3 triệu người xem) vào năm 1997
Khán giả Hàn Quốc ồ ạt đi xem Shiri với một cảm giác ngỡ ngàng và tự hào, bởi phim không thua kém bất cứ một siêu phẩm hành động nào của Hollywood: Câu chuyện hấp dẫn, gay cấn. Tài tử đẹp, diễn xuất giỏi. Những cảnh hành động dàn dựng công phu. Đạo diễn, quay phim, âm thanh… đều tuyệt đỉnh. Khán giả xem phim hoàn toàn có lý do để tự hào!
Kể từ cột mốc Shiri, điện ảnh Hàn Quốc đã vươn vai trở thành ông khổng lồ của điện ảnh thế giới. Những kỷ lục về lượng khán giả xem phim liên tục bị phá từng năm. Kinh phí sản xuất phim mỗi lúc một cao.
Năm 2000, Joint Security Area (Khu vực quân sự) có 7 triệu người xem. Năm 2001, Friends (Tình bạn bè) có 7,5 triệu người xem. Năm 2003, Silmido (Đảo Silmido) có 10 triệu người xem. Năm 2004, Taegukgi (Cờ bay phấp phới) có 11,8 triệu người xem. Năm 2005, The King and The Clown (Vua và chàng hề) có 12,3 triệu người xem. Năm 2006, The Host (Quái vật sông Hàn) có hơn 13 triệu người xem (trong 15 tuần, chiếm tỷ lệ 30% dân số Hàn Quốc!).
Mỹ cũng phải… ngán!
Hàn Quốc nhanh chóng trở thành Hollywood của phương Đông nhờ phần góp sức rất lớn của chính phủ Hàn Quốc. Đó chính là việc quy định hạn ngạch (quota), bảo vệ gần như tuyệt đối cho điện ảnh nội địa phát triển: Quy định tỉ lệ suất chiếu phim nội phải nhiều hơn phim nhập tại các rạp chiếu; Giám sát chặt chẽ việc nhập phim; Giảm thuế và các chi phí sản xuất cho phim nội địa…
Hệ thống kiểm duyệt điện ảnh của Hàn Quốc rất thông thoáng. Họ áp dụng hình thức phân loại phim như của Mỹ. Điều này tạo cho các nhà làm phim uy quyền tuyệt đối sáng tạo, giúp cho điện ảnh Hàn Quốc luôn đa dạng, phong phú về đề tài cũng như thủ pháp thể hiện.
Phim Hàn Quốc thành công nhờ đi đúng quy trình của Hollywood: Chuyên nghiệp hóa đến mức cao nhất tất cả các công đoạn sản xuất phim, từ những vấn đề lớn nhất cho đến nhỏ nhất như thiết kế poster, phát hành DVD… Đầu tư kinh phí lớn với sự hỗ trợ của các tập đoàn kinh tế. Tạo ra thệ thống ngôi sao. Thành lập các hiệp hội nghệ thuật để bảo vệ quyền lợi của các nhà làm phim, diễn viên…
Các nhà sản xuất phim Hàn Quốc luôn xác định mục tiêu chính là làm phim giải trí, và thị trường chính là phục vụ khán giả trong nước. Hiện, Hàn Quốc là một trong số vài quốc gia trên thế giới ít bị ảnh hưởng và họ cạnh tranh sòng phẳng với những bộ phim đến từ Hollywood.
Cách gây ảnh hưởng của văn hóa Hàn Quốc vào các thị trường khác (hiện giờ chủ yếu là châu Á) cũng rất Mỹ: chỉ cần nhẹ nhàng thông qua con đường phim ảnh! Cách đây 15 năm, điện ảnh Nhật Bản (giàu truyền thống và thành tích của châu Á) nhìn anh chàng láng giềng Hàn Quốc bằng… 1/10 con mắt.
Vậy mà giờ đây, khán giả Nhật Bản như phát cuồng trước những cái tên như Bae Yong Jun, Kwon Sang Woo, Lee Byung Hun… Các thị trường điện ảnh lớn của châu Á như Hồng Kông, Trung Quốc, Đài Loan cũng đều bị chao đảo bởi hương vị… kim chi!
Có ai ngờ rằng giờ đây, Hàn Quốc là một trong những thị trường cung cấp kịch bản lớn nhất cho điện ảnh Mỹ. Sắp tới đây, khán giả sẽ được xem lại những phiên bản làm lại từ My Wife is a Gangster (Vợ tôi là Gangster), My Sassy Girl (Cô nàng ngổ ngáo), Old Boy (Trai già), A Tales of Two Sisters (Câu chuyện hai chị em…).
Vậy “Theo Hàn Quốc”, dễ hay khó?
Quốc gia nào cũng biết đầu tư lớn nhất và giá trị nhất trong điện ảnh không phải là những thiết bị bạc triệu USD, mà là con người! Vậy mà ở nước ta thì ngược lại!
Một chuyên gia điện ảnh ở nước ngoài, sau khi đi một vòng tham quan các trường điện ảnh và thử tay nghề kỹ thuật ở các hãng phim, đã có nhận xét thật đáng buồn: “Nếu chỉ nói về kỹ thuật và vấn đề đào tạo, hiện Việt Nam chúng ta đang thua Thái Lan, Indonesia, Singapore, Philippines, Malaysia khoảng 20 năm. Và thua Hàn Quốc là… nửa thế kỷ!
Việt Nam cũng hiện là một trong những quốc gia hiếm hoi trên thế giới vẫn còn tồn tại các hãng phim thuộc nhà nước quản lý, điều tối kỵ trong việc phát triển điện ảnh của một đất nước.
Đạo diễn Curtis Hanson khuyên “Theo Hàn Quốc!”, vì ông biết việc đó chẳng có gì là ghê gớm, và chúng ta hoàn toàn có thể theo kịp bạn, nếu có một tầm nhìn tương tự nước bạn.
2003-2023