Phim truyện nhựa Việt Nam chiếu rạp
Thời điểm quyết định doanh thu
Hiện nay, có thể xem thời điểm công chiếu là một yếu tố quan trọng trong việc thành bại của phát hành phim truyện nhựa chiếu rạp. Sự thất bại của một số bộ phim được xem là có chất lượng như: “Chiến dịch trái tim bên phải”, “Đường thư”, “1735 km”… trong thời gian gần đây đã phần nào nói lên điều đó.
Phim truyện nhựa, nhất là thể loại phim giải trí của Việt Nam đang được các nhà sản xuất trong nước ưu tiên hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh điện ảnh. 3 năm liên tiếp, những bộ phim giải trí của Việt Nam công chiếu vào dịp Tết, đã đứng đầu doanh số phát hành phim chiếu rạp.
Sau nhiều năm lặng lẽ, Tết Nguyên đán năm 2004, lần đầu tiên các rạp của thành phố sôi nổi bởi sự xuất hiện cùng lúc của 3 bộ phim giải trí: Nữ tướng cướp, Khi đàn ông có bầu và Lấy vợ Sài Gòn.
Chất lượng không giống nhau, thậm chí có phim còn dở và lạc hậu về ngôn ngữ điện ảnh nhưng doanh thu của cả 3 bộ phim đều từ huề đến lời – điều mà suốt nhiều năm qua điện ảnh Việt Nam không dám mơ tới. Năm 2005, điện ảnh Việt Nam dự đoán sẽ sôi động hơn vì số lượng phim cũng như mức đầu tư cho phim cao hơn nhiều so với năm 2004.
Tuy nhiên, tới thời điểm này, phim truyện nhựa Việt Nam cũng mới chỉ có thể chiếm lĩnh thị trường vào dịp Tết. Nếu như ở các nước, mùa hè được xem là mùa của điện ảnh thì Việt Nam vẫn chưa làm được điều đó.
Hè 2005, bộ phim Chiến dịch trái tim bên phải là sự kỳ vọng của giới điện ảnh vì chất lượng cũng như nội dung phim khá sát với thị hiếu của giới học trò. Phim vui nhộn, diễn viên diễn xuất tốt, khâu tuyên truyền, quảng cáo cũng được chú trọng, song phim vẫn lỗ. Kế đến, bộ phim 39 độ yêu cũng phát hành vào dịp hè, “sai số” ở chỗ từ phim truyền hình chuyển sang phim nhựa chiếu rạp khiến nội dung phim bị cắt xén, chất lượng hình ảnh kém, vì thế nên dù quảng cáo rầm rộ nhưng 39 độ yêu cũng đành chấp nhận thua cuộc.
Đặc biệt hơn so với những bộ phim khác đó là Đường thư được chọn chiếu ngay dịp lễ 2-9. Bộ phim thuộc đề tài truyền thống cách mạng và thể hiện một góc nhìn khá mới do người thực hiện là một đạo diễn trẻ. Thể loại phim không hấp dẫn, khâu quảng cáo, tiếp thị hầu như không có, chỉ chiếu chiêu đãi trong 1 ngày, đó là lý do khiến cho Đường thư nhanh chóng chìm vào quên lãng.
Gần đây nhất, bộ phim 1735km đã chứng minh thời điểm công chiếu có tính quyết định như thế nào đối với một bộ phim? Xét về nội dung, bộ phim được xem là một tác phẩm khá thú vị của điện ảnh Việt Nam về đề tài tâm lý giới trẻ. Hầu hết khán giả trẻ xem phim đều bộc lộ sự thích thú với những gì mà một ê kíp làm phim trẻ, hiện đại mang lại.
Tuy nhiên, 1735km cuối cùng cũng không vượt qua được yếu tố thời điểm. Bị lệ thuộc bởi lịch chiếu từ các chủ rạp, 1735km không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc buộc phải chính thức ra mắt vào đầu tháng 10 (nếu không sẽ phải dời qua năm 2006). Dù có sự đỡ đầu của một công ty quảng cáo lớn, song 1735 km cuối cùng cũng ngậm ngùi vì khó có khả năng thu hồi vốn.
Nói về sự ra quân đầu tiên của mình, một đại diện của hãng Kỳ Đồng cho biết: “Bài học mà chúng tôi rút ra được từ 1735 km đó là sự thiếu kinh nghiệm. Chúng tôi đã đánh giá không đúng về yếu tố giải trí trong một bộ phim Việt Nam. Thời điểm phát hành phim cũng là một bất lợi. Và còn rất nhiều điều mà một hãng phim trẻ như Kỳ Đồng đã không thể lường trước…”.
Thời điểm tuy quan trọng, song chất lượng nội dung phim vẫn là yếu tố đầu tiên mà khán giả quan tâm. Có lẽ, chính vì thế mà 1735km cũng đã thu hút trên 50.000 lượt khán giả, chỉ tính riêng tại TPHCM (một con số không hề nhỏ đối với phim Việt Nam). Phim thuộc thể loại nào cũng tốt, bởi mục đích cuối cùng là phục vụ khán giả. Nhưng điều còn lại sau cùng mà các nhà làm phim mong muốn đó là liệu bộ phim có đọng lại chút nào trong lòng khán giả hay không?
2003-2023