Cơn “khát” rạp chiếu phim, dĩ nhiên là rạp “xịn” không còn là vấn đề bàn cãi khi tình trạng quá tải đã diễn ra ở hầu hết các rạp phim như Diamond Cinema, Cinebox và Đống Đa… trong những ngày lễ, tết vừa qua. Không chỉ người yêu điện ảnh thiếu chỗ xem phim mà cả các hãng phim cũng “xất bất xang bang” vì không đất chiếu.
Thị trường điện ảnh Việt Nam như sôi lên với hàng loạt dự án đầu tư xây rạp chiếu phim đa năng, hiện đại đã và đang được thực hiện. Nhưng bất ngờ hơn, trong khi cơn “khát” đang ở thời điểm cao trào nhất thì vẫn có nhiều cụm rạp lại tính đường chuyển công năng. Sự thực này ra sao và các bước chuyển động trên có tác động gì đến thị trường ảnh?
Hiện cả thành phố có 10 rạp quốc doanh do Công ty Điện ảnh TP Hồ Chí Minh quản lý, một số rạp liên doanh và số ít rạp do tư nhân đầu tư. Tuy nhiên, số rạp này phần nhiều chỉ là rạp “ảo” vì có những rạp không được dùng đúng chức năng chiếu phim mà thay vào đó là quán cà phê, vũ trường, nhà hàng…
Ông Lê Văn Tròn – Tổng giám đốc Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn cho biết: “Chúng tôi cũng nhận thức rõ được thời cuộc chung của ngành điện ảnh. Chuyển đổi công năng không có nghĩa là “xóa sổ” các rạp chiếu phim. Chúng tôi sẽ giữ lại và phát triển những rạp nằm ở vị trí trọng điểm như Vinh Quang, Văn Hoa… (Q.1) và Minh Châu (Q.3) nhưng phương thức hoạt động phải khác hiện nay”. Được biết, cách thay da đổi thịt cho hệ thống rạp của Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn là liên doanh khai thác rạp phim đa năng như Diamond, Đống Đa và Galaxy… Như vậy, tương lai TP Hồ Chí Minh sẽ có thêm ít nhất 3 cụm rạp đa năng nữa (hoạt động liên doanh), theo đó tại rạp Vinh Quang sẽ mọc lên tòa nhà 14 tầng, 2 tầng làm rạp chiếu phim (mỗi tầng gồm 5 phòng chiếu).
Có thể thấy đây đang là thời điểm khởi sắc của các nhà kinh doanh rạp và dĩ nhiên các “đại gia” có “máu” trong ngành cũng không thể khoanh tay đứng nhìn. Với cụm rạp Galaxy Cinema đã ra mắt của Hãng phim Thiên Ngân thì bà Nguyễn Minh Ngọc, Phó giám đốc Thiên Ngân khẳng định “Galaxy Cinema sẽ hút nhiều khán giả đến rạp”.
Quả thật những người hâm mộ điện ảnh cũng khó mà làm ngơ trước sự xuất hiện của một trung tâm chiếu phim hiện đại, cơ sở vật chất tốt (3 phòng chiếu, 1.000 chỗ ngồi) với các dịch vụ như nhà chờ xem phim, bar cà phê, shop văn hóa phẩm, điện thoại và beauty salon. Còn Công ty Văn hóa Phương Nam thì “đánh” thị trường Hà Nội trước trong năm nay, tiếp theo sẽ là TP Hồ Chí Minh với cụm rạp có 8 rạp chiếu đa năng (là nơi thí điểm loại hình chiếu phim liên hoàn). Người mới làm, người cũ cũng không ngừng đổi mới, Cinebox đã “biến” Nhà hát Hòa Bình thành rạp chiếu phim lớn nhất thành phố với 2.300 chỗ ngồi.
Một hãng phim cho biết, xây dựng rạp là một hình thức đầu tư lâu dài cho tương lai của chính hãng và điện ảnh trong nước. Khi có rạp, hãng phim không cần”o bế” các chủ rạp, không lo sợ phim “bí” đầu ra và chủ động đưa ra nhiều hình thức thu hút khách hàng. Sự năng động của những nhà kinh doanh điện ảnh đã lay “nàng công chúa” điện ảnh VN thức dậy sau một giấc ngủ dài.
Nguồn Thanh Niên Online
2003-2023