Ngày 02/02/2005, 18h, cửa rạp Thăng Long vắng tanh, bậc thềm cũng đã trải thảm đỏ nhưng chả có ai bước lên. 18h 30, hai bác U70 bước vào rạp. Mừng thế!. Thêm 5 phút nữa lại có mấy thanh niên trạc tuổi mình, ôi thôi mừng quá, còn ai dám nói là thanh niên VN bỏ bê, quay lưng với điện ảnh VN nào? Ấy dưng mà họ lại đi lên rạp B để xem phim Mỹ hay đóng phim gì đó cũng chả biết. Lại chờ. Mấy phút nữa, vẫn vắng tanh vắng ngắt. Mấy hôm trước thì người ngợm ở đâu mà lắm thế, bảo vệ nhất quyết không cho vào vì phải giữ nguyên hiện trường để chụp ảnh quay phim để trông cho nó xôm, cho nó hoành tráng, thế là đứng tràn cả ra đường tắc nghẽn cả con phố, dân tình chửi um lên, đạo diễn nở nụ cười khoái trá. Thế mà hôm nay thì….
Lúc này, nửa muốn bác Hồ ( dạ, bác Hồ đây là bác đạo diễn Hồ Quang Minh đấy ạ chứ không phải bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta đâu) đến để xin bác chữ ký, tiện thể hỏi bác vài câu dớ dẩn đã chuẩn bị trước ở nhà; nửa lại mong bác không đến để khỏi phải nhìn thấy cảnh chợ chiều này, chỉ sợ bác mất hết tinh thần rồi chán nản chả làm phim nữa. Thế rồi CBC đến, rồi không biết mọi người hẹn ở đâu mà đến cứ ùn ùn, làm mình trước đấy cứ lo xa, nhắn CBC đừng lên gác xem mà ngồi xem ở dưới nhà kẻo bác Hồ nếu có đến, nhìn xuống hàng ghế khán giả thấy vắng tanh thì khổ tâm bác lắm lắm. Chờ mãi không thấy bác đến. Cuối cùng bác đã không đến. Nhưng khách đến cũng đông lắm. Vậy là mừng.
Ấy chết, đã giắng giả là bình luận về phim này, thế mà cứ lan man đâu đâu. Thôi thì để không làm mất thời gian của các bạn, tớ bình đây.
Về nội dung: Không dám động vào phần này bởi phần nhiều các bạn trong MB chưa xem. Vậy nên xin phép được bỏ qua.
Về diễn viên: Thật chẳng dám đòi hỏi hơn bởi diễn xuất của những diễn viên lần đầu tiên đứng trước ống kính như: Ngô Thế Quân, Nguyễn Thị Huyền như thế đã là đạt yêu cầu. Đặc biệt là anh chàng Ngô Thế Quân, mặt cứ ngố ngố, giọng nói thì khàn khàn, đặc quánh, đặc biệt lắm cơ, bình thường thì nghe rất không vào tai dưng mà lại hợp với nhân vật Sài đến lạ kỳ. Diễn xuất như vậy là khá. Tay chân không thừa thãi lắm, khuôn mặt đã hợp với vai Giang Minh Sài nên cảm xúc luôn luôn đầy đặn. Gây ấn tượng mạnh là diễn viên Hồ Phương Dung, không chỉ diễn rất hay trong cả bộ phim, cô còn nhấn lên ở những đoạn quan trọng làm người xem vô cùng bất ngờ, đoạn vợ chồng Sài ngồi ăn cơm trong thời gian cô Tuyết vợ Sài lên đơn vị thăm chồng, một cú máy thôi, cô Tuyết vừa kể lể rồi nước mắt nước mũi sụt sùi, thương lắm cơ. Rồi lại cảnh cuối lúc đứng chụp ảnh nữa chứ, khuôn mặt nửa mếu máo nửa gượng cười đã làm tăng cảm xúc của khán giả và tăng cả tình cảm của người xem dành cho cô lên rất nhiều. Vô cùng cảm ơn diễn viên Phương Dung tất cả phần trăm!
Quay phim: Tay máy Trần Hùng (tên nghe lạ hoắc) hoàn toàn làm chủ và thổi được hồn vào những khung hình của mình. Anh không chỉ bắt được vẻ đẹp cổ kính của những ngôi nhà làng quê Bắc Bộ giữa thế kỷ 20, những bờ đê cỏ xanh mướt; mà anh còn thu được cả sự tĩnh mịch, yên ả, cái không khí và cả không gian thời kỳ đó vào bộ phim. Đáng nhớ nhất là cảnh cô Tuyết nằm trên giường, anh Sài nằm còng queo dưới đất, cô Tuyết bấu lấy bờ vai anh Sài, cảnh đẹp như tranh của Quang Em.
Mà không hiểu sao tay này rất thích quay ngược sáng! Lạ lắm.
Ánh sáng: Cảnh nội luôn là những thử thách của những người chơi ánh sáng. Và ánh sáng trong Thời xa vắng thì đã được nâng lên tầm chuẩn mực, đáng đưa vào sách dạy . Cảnh đám cưới của Sài này, cảnh đại gia đình họp bàn này, cảnh hai vợ chồng Sài ăn cơm trên đơn vị này….Khi thì là ánh đèn dầu hắt lên mặt người, khi thì là bóng nắng đổ vào vách tường. Không hiểu họ uốn thế nào mà hay thế không biết ?
Hóa trang: Trước khi xem Thời xa vắng, tôi đã quen mắt với hình ảnh diễn viên Phương Dung ngoài đời vô cùng mạnh mẽ, quyến rũ và rất hiện đại. Ấy thế mà khi xem phim, không còn là diễn viên Phương Dung nữa mà trước mắt tôi chỉ là cô Tuyết quê mùa nhẫn nhịn và cam chịu, vẫn yêu chồng dù có bị hắt hủi và ghẻ lạnh. Rồi những bà những cô răng nhuộm đen, áo quần lấm tấm bùn; anh Cả tóc tai bù xù, trên môi vẫn còn vương nét đỏ nhạt của vệt trầu ( anh này nhìn lại thấy nhang nhác ca sĩ Tùng Dương Sao Mai điểm hẹn ). Ba nghệ sĩ hóa trang Mạnh Hiệp, Trần Thị Trà Giang và Đặng Thị Thà hoàn toàn xứng đáng để nhận những giải thưởng điện ảnh về hóa trang cao quý nhất.
Âm nhạc: Phần này do nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc đảm nhiệm. Âm nhạc với sáo, trúc, nhị, đàn nguyệt…. rất hay, gói cả không khí của đồng bằng Bắc Bộ. Xem phần générique, tôi có thấy nghệ sĩ thể hiện Cello là Trần Thị Mơ. Nếu nhớ không lầm thì cô đây là mẹ của Dino.
HẾT
Hình như còn thiếu cái gì đó. Cái gì nhỉ? À, CHÊ. Đúng rồi, phim VN mà, phải chê, phải chê mới được. Tên bài cũng thể hiện rõ rồi. Nhưng chê cái gì trong một bộ phim gần như hoàn hảo này? Kiếm đâu ra?. À, ông đạo diễn. Đúng rồi, ông này là người giơ đầu chịu báng. Đây, chê đây!
Thưa đạo diễn Hồ Quang Minh, sức ì trong tư duy ông vẫn còn lớn lắm, chả thay đổi đổi mới gì cả. Phim khô như thế, ông phải cho diễn viên hở hang một tý cho nó ướt át chứ. Hở cái gì ấy à? Thôi thì không hở được cả mảng lưng, rồi đùi như mấy cái cô gì đi cướp ấy, thì ông cho diễn viên, cho nhân vật của ông hở ngón tay hay ngón chân cũng được, cứ gọi là có tý da thịt, dù không ngồn ngộn như phim kia thì ông cũng cứ đưa vào đi, mất gì của bọ nào! Rồi còn nữa, ông mô tả tâm lý nhân vật kém quá, cái cô Tuyết ấy, khán giả rất muốn biết thêm về nội tâm cô ấy thế nào trong thời gian ngần ấy năm anh Sài lớn lên rồi đi bộ đội…. Giá mà có thêm hình ảnh cô Tuyết đêm đêm ngồi buồn, tay cầm dao phay phóng phầm phậm vào tường để diễn tả tâm trạng cô đơn, bức bối, xì trét thì hay biết mấy.
Còn nữa, lời thoại trong phim ông hiền quá, ông hãy cứ mặc kệ bác Lê Lựu dấm dớ với những trang sách của bác ý, ông mô đi phê thoại đi, cũng có mất mát gì nào? Tỷ dụ như anh Sài tán tỉnh vài câu lăng nhăng với cô Hương, hay là cô Tuyết trong một lần gặp cô Hương, thế là có dịp đá đểu, tung ra những câu đầy khiêu khích châm chọc gì gì đó. Bây giờ đang là mốt đấy. Có đạo diễn còn tự hào đấy là phong vị hết sức riêng, không thèm đụng hàng với ai hết. Đấy, ông thấy chưa? Điện ảnh là không ngừng sáng tạo và không ngừng học hỏi. Người ta học hành tốt nghiệp trường đại học điện ảnh đàng hoàng, ông thì chả học trường quái gì cả, thế mà sao tầm của ông hơn người ta ghê thế, ông ăn nói cũng hiền lành chứ chả đao to búa lớn! Quái lạ! Quái lạ!
Chết dở, từ nãy đến giờ mình cứ miên man đi đâu thế không biết. Thôi rồi, hay là bị ốm trong tư tưởng rồi
Xin được phiếm thêm vài câu: Cũng biết là các cháu nhi đồng VN mê xem phim VN lắm, muốn ủng hộ điện ảnh nước mình lắm nhưng thôi thì với những phim đòi hỏi sự tập trung và tĩnh lặng như thế này thì cũng mong các cháu xin nghỉ ở nhà mà chơi Hugo, nếu bố mẹ các cháu cứ bắt đi thì các cháu cứ giãy đành đạch lên ăn vạ. Thế là hơn!
2003-2023