Không phải ngẫu nhiên mà tất cả các bộ môn nghệ thuật ở Việt Nam thời gian gần đây đều lần lượt từng bước đi vào phản ánh cũng như mổ xẻ ở một mức độ nào đó của vấn đề ĐTLA . Điều đó trở nên dễ hiểu khi ĐTLA đang là vấn đề nhạy cảm nhất và nổi cộm ở mọi khía cạnh của xã hội . Số lượng người ĐTLA ở Việt Nam cũng như những ảnh hưởng của nó đang tràn vào mọi ngõ ngách của cuộc sống với tốc độ không thể kiểm soát . Điều đó phản ánh một xu thế tất yếu mà ai cũng cố gắng chối bỏ , đó là đã đến lúc người ta phải tập để sống hoà thuận với những con người thua họ ở hai chữ – bình thường . Đã đến lúc tình yêu không còn được hiểu ngẩm chỉ là giữa hai người khác giới , những cái ôm hôn giữa hai người đàn ông sẽ được hiểu xa hơn một tình bạn như trước kia , những cái bĩu môi khinh miệt trước đây phải được thay bằng những nụ cười thông cảm …
Đi trước tất cả vẫn là Văn học , người anh cả này đã dũng cảm cho ra đời những đứa con tình thần hoàn toàn không giống gì với những thế hệ trước kia . Và vì chúng không giống ai nên có một thời gian dài chúng bị hất hủi , bị miệt thị và tẩy chay . Nhưng với sức sống cũng bất thường như chính bản thân chúng , một vài trong số những đứa con tinh thần này đã từng bước thoát khỏi thế giới ngầm và hoà nhập vào ánh sáng , với những thế hệ anh chị hoàn hảo của chúng . Một thế giới không có đàn bà của nhà văn Bùi Anh Tấn là một trong số đó . Việc xuất bản cuốn tiểu thuyết này đã gây xôn xao trong dư luận và làm náo động giới Văn học . Lần đầu tiên , thế giới ngầm của những người ĐTLA được khắc hoạ một cách chân thật , có khoa học và dưới một cái nhìn thiện cảm . Thế giới của những tình yêu bất thường dần dần lột bỏ cái vỏ học bình thường trước kia để sống thật trước mọi người .
Và có lẽ đó cũng là cuốn tiểu thuyết về thế giới ĐTLA duy nhất còn sống sót . Thay vào đó là việc bắt đầu có những bàn tay nghệ thuật khác tái sinh và nuôi dưỡng những đứa con này , mà gần đây nhất là Điện ảnh .
Những nhân vật có sự không chuẩn về giới tính bắt đầu xuất hiện hàng loạt trong các bộ phim nhựa cũng như phim truyền hình .
Khởi đầu là những típ nhân vật ẻo lã với đất diễn vài phút trong các bộ phim truyền hình của Việt Nam , những nhân vật này xuất hiện không ngoài mục đích gây cười và cũng để chuyển tải đến người xem thông điệp của tác giả – Đấy , ĐTLA là thế đấy !
Sau thể loại phim truyền hình là thể loại phim nhựa cũng bắt đầu kéo thế giới này lên màn ảnh . Dễ nhận thấy và cũng khá nổi tiếng là nhân vật Má mì trong Gái nhảy và Lọ lem hè phố của đạo diễn Lê Hoàng . Bước chân vào thế giới phim nhựa , những nhân vật này dường như đã có đất diễn nhiều hơn , nói nhiều hơn và múa cũng nhiều hơn . Và rõ ràng là vẫn chưa ( hay không muốn ? ) thoát khỏi cái lốt vốn được vẽ quá rõ trong trí tưởng tượng của người ngoài cuộc – vẫn nét chua ngoa đến nực cười , vẫn giọng nói lơ lớ , the thé nghe muốn nóng lỗ tai , vẫn những động tác múa tay múa chân điệu chảy nước nhìn muốn nổ con mắt – tất cả những yếu tố đó được phủ lên người những nam diễn viên , để có được những đức tính đó , họ phải cố gắng sống với nhân vật , hay biết đâu lại sống thật với chính mình (?!) . Thế giới ĐTLA thời gian này lên màn ảnh khôi hài và bệnh hoạn hết chỗ nói .
Bộ phim truyền hình gần đây nhất đề cập đến vấn đề nóng bỏng này chằng ai xa lạ chính là sơ-ri 10 tập phim Cảnh sát hình sự tiếp theo được chuyển thể từ tiểu thuyết Một thế giới không có đàn bà của nhà văn Bùi Anh Tấn . Được xem là dũng cảm khi đồng ý vào vai Trung ( một viên cảnh sát đồng tính ) trong bộ phim , nhưng Minh Tiệp lập tức gây phẩn cảm cho những người trong và cả ngoài cuộc khi có những phát biểu hết sức sai lầm và có phần thiếu thông cảm đối với thế giới và nhân vật mà anh phải xâm nhập cho vai diễn của mình . Được biết bộ phim sẽ được lượt bỏ tối thiểu những chi tiết tình cảm mùi mẩn giữa hai nhân vật nam Trung và Hoàng cũng như đề cập một cách mờ nhạt đến mối tình này . Nội dung phim sẽ chỉ tập trung xoay quanh cái chết của thạc sĩ Bàng và trung thành với thể loại phim hình sự . Người xem vẫn hy vọng sẽ tìm thấy một cái gì đó khác ở hai nhân vật Trung và Hoàng chứ không phải là những bản sao hoàn hảo của Má mì trong phim Lê Hoàng . Phim sắp được phát sóng trên VCTV .
Và cuối cùng , cuối tháng sáu vừa qua là sự xuất hiện của cái gọi là Bước đột phá trong điện ảnh Việt – phim nhựa đầu tay của đạo diễn trẻ Vũ Ngọc Đăng (VNĐ) – Những cô gái chân dài . Để có thể trung thành với thể loại phim thương mại , đúng hơn là để câu được khách , NCGCD của VNĐ cũng đi vào khai thác cuộc sống tình cảm của giới ĐTLA . Nhân vật Khoa trong phim có ít đất diễn và bị một vài ý kiến cho là hơi thừa , nhưng lại thật sự là bước đột phá ít nhất là trong các vai diễn ĐTLA . Không quá ồn ào bằng cách chí choé vào tai người xem những câu thoại chua ngoa , không có nhiều cơ hội để múa , Khoa trong NCGCD đã cho người xem một cái nhìn khác về giới ĐTLA . Với vẻ mặt hơi tâm trạng , với những câu thoại cụt ngủn , một vài cử chỉ hờn ghen thầm lặng , Khoa đã cho người xem một cảm giác êm đềm và dễ cảm thông . “Chúng tôi tìm thấy chính mình trong những câu thoại , những cử chỉ của Khoa …” – đó là lời tâm sự của một vài người trong cuộc được xem là sống khép kín . VNĐ đã thổi một luồng gió mới cho đề tài Tình yêu đồng giới trong điện ảnh Việt Nam mặc dù còn rất mờ nhạt . Khi được phỏng vấn , VNĐ cho biết anh sẽ tiếp tục hướng đi này và sẽ làm một bộ phim riêng về ĐTLA . Giả sử có bộ phim ấy đi nữa thì tôi cũng sẽ nghi ngờ khả năng được lọt qua kiểm duyệt của nó .
Vấn đề ĐTLA trong điện ảnh Việt tính cho đến thời điểm bây giờ xét cho cùng cũng chỉ là những biểu hiện bất thường của một vài cá nhân riêng lẻ . Chưa có đạo điễn nào đủ can đảm để ghép những cá nhân riêng lẻ đó lại với nhau hay thật sự công khai trước người xem cái gọi là Tình yêu đồng giới . Một mối tình lãng mạn dù không có kết thúc đẹp giữa hai người cùng giới phải chăng là quá xa vời ?
2003-2023