Sao lại không? Mối quan hệ người-người máy đã được biết bao nhiêu bộ phim chọn làm đề tài. Tình yêu thì muôn màu, tình yêu trai gái, tình yêu cùng phái, tình yêu người cùng họ tộc vậy thì tại sao lại không có tình yêu giữa người và máy?
Máy móc vốn dĩ là vật vô tri. Nhưng những anime từ xưa đến nay đã cho ta thấy máy móc có cuộc sống tinh thần của riêng nó và ai biết được cõi tâm linh bí ẩn đó có tồn tại thật sự hay không. Thật sự thì cũng chỉ là một từ mang tính tương đối, đâu là sự thật chẳng quan trọng, điều quan trọng là cách mà chúng ta sống. Cảm quan của con người là bức tường chắn mạnh mẽ và cứng rắn nhất trước mọi thuyết khoa học và những lý lẽ logic. Điều gì xảy ra khi một người máy nhìn ta một cách trìu mến và nói lời yêu thương? Ta sẽ đáp trả bằng cả tấm lòng của mình, đó là câu trả lời.
Khi xem bộ phim Cyborg009, điều làm cho người ta phải suy nghĩ khi những màu sắc đó chuyển động trước nhãn quan không phải là chất lượng hoạt hình hay phong cách vẽ của Tezuka. Đó là nghiệm suy về cuộc sống tinh thần của những người máy. Trước khi là người máy,họ đã từng là con người. Nội quan được thay thế bằng máy móc. Ký ức về cuộc sống con người sâu tận trong tiềm thức vẫn đôi khi thức tỉnh. Ký ức đó thức tỉnh trong cơn ác mộng, thức tỉnh trong nỗi đau gậm nhấm
Những cyborg đó là người-máy, là người và cũng là máy. Ta thấy ở Cyborg005 là tình ruột thịt không phai với người em trai đã mất. Ở Cyborg007 là tình yêu tha thiết với người vợ chẳng may qua đời vào tuần trăng mật. Cyborg009 vẫn căm phẫn CON NGƯỜI, những CON NGƯỜI đã vô cớ buộc tội giết anh để rồi biến cơ thể anh thành nửa người nửa máy. Kể cả cyborg010 và cyborg011 tuy là nhân vật phản diện cũng khiến cho ta phải động lòng vì họ không phải là những vi mạch điện tử mà sâu thẳm trong họ là một con người. Tình cảm con người trong những bộ máy đó đã đủ để cho họ xứng đáng được nhìn nhận, xứng đáng được tôn trọng và yêu thương.
Osamu Tezuka đã làm ra những manga mà phải nói rằng manga nào của ông cũng xứng đáng để được dựng thành phim. Trong manga Tezuka tạo những khoảng lặng bằng cách vẽ một cảnh ở nhiều góc cạnh và mỗi góc cạnh đều có điểm nhấn. Mặc dù cách biểu cảm hình ảnh khác nhau và vài chi tiết không đồng nhất nhưng bộ phim Metropolis dựng nên từ manga của Tezuka cũng đã trở thành một trong những anime hay nhất thời đại.
Không dám qua mặt ninja và be free, tui mạn phép trích lại một đoạn review Metropolis. Những gì nói ở đoạn văn sau là đúc kết tất cả những suy nghĩ của tui
Cũng như một tác phẩm khác của Tezuka – Astroboy, Metropolis đi sâu vào sự khẳng định tính hiện hữu của bản thể. Liều lĩnh thử nghiệm nhờ vào tiến bộ khoa học kỹ thuật đã đưa con người lên ngang hàng với đấng tạo hóa, có khả năng tạo ra những thực thể có suy nghĩ, tình cảm thật sự. Câu hỏi day dứt về cư xử thế nào với những tạo vật đó, những thực thể có linh hồn, những hình hài mang cảm xúc là nan vấn trong phạm trù đạo đức ngày nay. Và liệu sản phẩm – thực thể máy móc có cảm xúc hay xác thịt được nhân bản có chăng quyền bình đẳng như con người sản sinh ra nó? Tima luôn thắc mắc câu hỏi: tôi là ai ? trong hành trình đi tìm chân ngã. Một hiện hữu lạc lõng bị con người phủ nhận và chối bỏ. |
Suy nghĩ về mối quan hệ người-người máy ở thời điểm này không phải là quá sớm, suy nghĩ này rất hợp thời và sớm muộn gì con người cũng phải đối mặt với nó.
Và cuộc sống không phải màu hồng. Không phải lúc nào ta nói rằng ta sẽ thì có nghĩa là ta thực hiện. Animatrix, chương Matriculated đã đề cập đến mặt trái của vấn đề. Câu hỏi đặt ra là Liệu con người có thể đối xử với người máy như họ nghĩ họ có thể làm được? Và câu trả lời là không. Khi này thì mọi nguyên nhân đều đổ lỗi cho định kiến. Con robot đưa tay đón lấy cô gái, nó khao khát mong chờ một cử chỉ thân mật, nó mong chờ cô gái tiến lại gần. Nhưng rào cản định kiến đã cản trở bước chân cô gái và thậm chí cô bỏ chạy hốt hoảng. Định kiến thứ nhất : robot rất nguy hiểm, những chương trình lập sẵn có thể bị lỗi.
Định kiến thứ hai: người máy không có chức năng sinh học. Họ không có giấc mơ, không khóc, không đỏ mặt thẹn thùng, và không thể sinh con. Bạn muốn lấy một personcon làm vợ? Cũng được thôi, chẳng có chuyện gì xảy ra sau đêm tân hôn và những đêm kế tiếp! Bạn có thể sẵn sàng vượt qua định kiến đó để dang tay đón nhận một cô vợ người máy xinh đẹp nào đó không?
Tuy Chobits là sự thay đổi phong cách trong CLAMP, làm thất vọng nhiều fan hâm mộ, tui vẫn thích Chobits và thấy được từ bộ phim nhiều điều đáng suy nghĩ.
Chồng của cô giáo từ bỏ cô mà sống với một personcon. Người thợ bán bánh cũng đã thành hôn với một personcon nhưng vì personcon quá cũ và cô ấy đã hi sinh tính mạng để cứu anh khỏi một chiếc xe hơi đang phóng nhanh tới. Một cậu nhóc tạo ra một personcon chỉ vì thương nhớ người chị gái quá cố. Và mối tình làm tôi cảm động nhất dĩ nhiên là giữa Hideki và Chii. Hideki đã từ bỏ tất cả những định kiến và anh hành động theo lời nói của con tim và Chii đã khóc khi nghe anh gọi tên mình. Khóc? Người máy khóc? Đúng vậy, một chi tiết gây bất ngờ, khó hiểu Nước mắt đó là có thật? Nhưng Chii là người máy mà?, Có thể một chương trình khóc nào đó đã được lập trình sẵn v.v và đó là những câu hỏi của định kiến.
Khi nào người xem chấp nhận nội dung tư tưởng của Chobits, đồng cảm với những cốt truyện của Osamu Tezuka thì có thể câu hỏi
Và liệu sản phẩm – thực thể máy móc có cảm xúc hay xác thịt được nhân bản có chăng quyền bình đẳng như con người sản sinh ra nó? |
đã được giải đáp. Nhưng ai mà biết được vì vẫn còn đó những suy nghĩ được đề cập trong Animatrix
my heart belongs to my home
… my Cinema Paradiso …
just wander around elsewhere
2003-2023