VN Phân loại khán giả theo độ tuổi

  • This topic is empty.
  • Creator
    Topic
  • #39735
    rubyscorpion85
    Participant

      Phân loại khán giả theo độ tuổi

      Theo kế hoạch, việc phân loại phim theo độ tuổi sẽ được Cục Điện ảnh hoàn tất trong năm nay. Đây là việc làm cần thiết, bởi trong số gần 200 phim được nhập và phát hành tại VN hàng năm có rất nhiều phim đã được giới hạn độ tuổi khán giả ở chính quốc gia gốc.

      Phim giới hạn độ tuổi… biến thành phim chiếu đại trà

      Xem phim ngoài rạp, không ít nhà làm phim VN chạnh lòng vì biên độ sáng tạo của các nhà làm phim ngoại được mở rất rộng. Bạo lực, sexy…, tuỳ mức độ đậm nhạt khác nhau nhưng các yếu tố này đã và đang được các nhà làm phim ngoại tận dụng như là những chiêu thức tạo sức hấp dẫn. Những bộ phim đắt khách thời gian qua ở VN, hầu hết đều có yếu tố này: Thiện xạ, Cô bạn gái kinh dị, Tội ác phía sau ô cửa, Vô gian đạo, Sự thật về tình yêu, Tình giả yêu thật.

      Phim “Mười” phải giới hạn độ tuổi khán giả ở mức trên 16

      Ở quốc gia gốc, những bộ phim này đã được phân loại theo độ tuổi, thậm chí có phim chỉ được phép chiếu giới hạn ở rạp A, B nào đó… Vào VN, giới hạn độ tuổi xem phim bị xoá, phim được chiếu đại trà, người lớn xem, trẻ em cũng xem, nên để an toàn, hội đồng duyệt “cắt phéng” những cảnh cho là “nhạy cảm”. Mục sở thị phim ngoại, các nhà làm phim VN không “tị” mới là lạ. Bởi nếu là “phim nội”, những cảnh bạo lực, sexy… nếu không bị cắt, xén, “tút”, “tít”… thì cũng phải đối đầu với búa rìu dư luận; chí ít thì đạo diễn phim cũng phải đăng đàn thanh minh dài dài…

      Hội nhập với thế giới, mở cửa thị trường nhập khẩu phim, các nhà quản lý điện ảnh VN buộc phải tính đến việc xếp loại phim theo độ tuổi khán giả. Đây là một “đầu mục” được quy định tại dự thảo Quy chế làm việc của Hội đồng duyệt phim Quốc gia mà Cục Điện ảnh VN đang hoàn thiện. Theo đó, phim sẽ được phân loại theo hai độ tuổi: dưới 16 và trên 16 tuổi. Ngoài ra, còn có phim chiếu phạm vi hẹp phục vụ công tác nghiên cứu. Như vậy, trong thời gian tới, phim chiếu rạp sẽ đa dạng hơn, hấp dẫn hơn với những bản chiếu nguyên bản hơn.

      Quản được rạp… nhưng lại để “sổng” băng đĩa lậu?

      300 chiến binh, bộ phim được xem là quá bạo lực, dày đặc những cảnh giết chóc, mặc dù bị từ chối phát hành rạp, nhưng vẫn dễ tìm thấy trên các cửa hàng băng đĩa lậu

      Quy chế đang trong quá trình hoàn thiện, nhưng Cục Điện ảnh VN đã mạnh tay với một số phim, hoặc giới hạn độ tuổi khán giả ở mức trên 16 (Mười, Tình giả yêu thật); hoặc cấm phát hành (300 chiến binh). Tuy nhiên, việc giới hạn và cấm này chỉ được thực hiện tại các rạp, còn trên thị trường băng đĩa lậu dường như không có tác dụng. Mặc dù bị từ chối phát hành rạp, nhưng bộ phim được xem là quá bạo lực, dày đặc những cảnh giết chóc – 300 chiến binh vẫn xuất hiện nhan nhản trên các kệ băng đĩa. Cùng với 300 chiến binh, hàng loạt phim có yếu tố tình dục như Người tình; Tình dục không phải là chuyện lớn; Cô lái đò… cũng được bày bán và cho thuê rộng rãi tại các cửa hàng kinh doanh băng, đĩa.

      Tại nhiều nước, việc giới hạn độ tuổi khán giả xem phim ngoài rạp đi kèm quy định không cho phép người ở độ tuổi giới hạn mua, thuê các băng, đĩa phim không phù hợp với lứa tuổi của mình. Sự đồng bộ này cho phép cơ quan chức năng xử phạt, thậm chí truy tố những người kinh doanh băng, đĩa vì lợi nhuận đã bán và cho trẻ em thuê những băng, đĩa có nội dung không phù hợp với lứa tuổi. Liệu VN có làm được điều này không? Nếu không làm được, e rằng việc giới hạn độ tuổi khán giả, hoặc cấm phim A, B chỉ tạo thêm những kẽ hở để các chủ kinh doanh băng, đĩa lậu kiếm lời.

      Thế giới còn “chặt” hơn VN

      Thông thường, các nước xếp phim thành 4 – 6 loại, quy định chi tiết nội dung cấm đối với từng loại tuổi khán giả. Pháp: 5 loại (phổ biến; không phù hợp với trẻ em dưới 10 tuổi; dưới 12 tuổi; dưới 16 tuổi; dưới 18 tuổi). Hong Kong: 4 loại (phù hợp với mọi lứa tuổi; không phù hợp với trẻ em; không phù hợp với thanh thiếu niên; chỉ dành cho người từ 18 tuổi trở lên); Nhật Bản: 4 loại (phổ biến; dưới 12 tuổi; dưới 15 tuổi; dưới 18 tuổi). Malaysia: 5 loại; Mexico: 5 loại; Philippines: 5 loại; Hàn Quốc: 4 loại; TQ-Đài Loan: 4 loại; Thuỵ sĩ: 5 loại…

      (theo Thể thao và Văn hóa)

      P/S: Cuối cùng thì VN cũng phải tiến hành phân loại phim theo độ tuổi, điều mà các fan yêu phim luôn mong muốn. Nhưng vấn đề đặt ra tiếp là:
      1- Phân loại theo độ tuổi rồi nhưng liệu với những phim kinh dị dành cho người trên 16 tuổi có thật sự được giữ nguyên, hay vẫn phải cắt một số cảnh được cho là “cực kỳ bạo lực” (trên mức bạo lực) ?
      Bởi vì dù là trên 16, nhưng có một số phim ở Mỹ được phân loại 18+ (Mature) thì liệu để nguyên xy chiếu cho người từ 16-18 tuổi xem có được không?

      2- Và tiếp theo là vụ phim lậu, nếu theo bài báo này thì những tuyệt phẩm như 300 sẽ bị cấm chiếu trên toàn lãnh thổ VN, cũng như không được thuê mướn?

    Viewing 6 reply threads
    • Author
      Replies
      • #106529
        thisisme
        Participant

          VN , được mấy bữa đó mà . MÀ giả sử có cấm dưới 18t thì rạp cũng cho mình vào . Cục điện ảnh chưa làm được tích sự gì cho nền điện ảnh VN cả .

        • #106530
          nemo
          Participant

            May quá tính ra thì fim nào mình cũng được coi rồi ^^. Mà thà có cái hệ thống này còn đỡ hơn, ko phải xem những fim bị cắt nát bấy của hội đồng duyệt fim Nhà Nước. Haizzz

          • #106531
            rubyscorpion85
            Participant

              Kiểm duyệt phim: “làm ngắn bớt” hay “cắt” cảnh nhạy cảm?
              09:38' 01/10/2007 (GMT+7)

              (VietNamNet)– Trong khi nhà sản xuất chờ Hội đồng duyệt, Hội đồng duyệt chờ.. nghe ngóng dư luận, thì những khán giả không kiên nhẫn đã tranh thủ xem trước bản đĩa lậu.

               

              Kiểm duyệt phim: NSX phập phồng, người kiểm duyệt băn khoăn

               

              Đi tiên phong cho dòng phim kinh dị ở Việt Nam, Mười chịu khá nhiều đoạn trường trong khâu kiểm duyệt
              Đi tiên phong cho dòng phim kinh dị ở Việt Nam, Mười chịu khá nhiều đoạn trường trong khâu kiểm duyệt
              Có lẽ chưa có thời điểm nào những người có trách nhiệm quản lý và kiểm duyệt điện ảnh phải chịu nhiều áp lực như hiện nay. Dưới thời “phim bao cấp”, chức năng chính của Hội đồng duyệt phim chỉ là xem mức độ an toàn (về tư tưởng) của bộ phim thế nào và hiệu quả tuyên truyền ra sao.

               

              Còn hiện nay, khi cơ chế mở ra, nhiều dòng phim du nhập vào Việt Nam. Những nhà sản xuất nội cũng tiếp thu được nhiều phong cách làm phim mới. Trong đó có nhiều thể loại dù đã rất quen trên thế giới, nhưng vẫn gây sốc khi được sản xuất tại Việt Nam và đặt những người cầm cân nảy mực ở thế kẹt giữa “xu hướng mới” và những quy chuẩn đã ăn sâu vào tiềm thức.

               

              Dù đã hoàn thành và được công chiếu khá lâu tại Hàn Quốc, bộ phim Mười của Hãng phim Bily Pictures (Hàn Quốc) và Hãng Phước Sang vẫn chưa có dịp ra mắt khán giả Việt Nam.

               

              Ngoài những lý do cá nhân liên quan đến tình hình sức khỏe của ông chủ Phước Sang cũng như kế hoạch PR của hãng, Mười còn là bài toán khó khăn của những người quản lý và kiểm duyệt điện ảnh, khiến họ không biết nên “giơ cao đánh khẽ” hay “đặt khẽ cứa sâu”?

               

              Trong công văn “hạn chế phim kinh dị” Cục đã giải thích rõ “những phim có nội dung ít mang tính giải trí, phản cảm, ly kỳ, gây cảm giác hoảng loạn cho người xem..” Nhưng chính Cục Điện ảnh sau đó cũng bị mắc kẹt trước sự phản ứng từ phía các nhà sản xuất và công luận về việc quyền được lựa chọn thể loại giải trí của người dân.

               

              Trong khi khán giả chờ nhà sản xuất, nhà sản xuất chờ Hội đồng duyệt, Hội đồng lại .. nghe ngóng dư luận, thì những khán giả không kiên nhẫn đã tranh thủ xem trước bản đĩa lậu.

               

              Không chỉ Mười, những phim khác như Vũ điệu tử thần cũng bị cắt khá nhiều cảnh ăn chơi trong vũ trường, Mê Thảo – Thời vang bóng cũng phải sửa thêm bớt lời thoại..  Sự lo lắng về mặt “an toàn tư tưởng” cho phim nhiều khi được các nhà quản lý chăm chú quá kỹ khiến cho những người làm phim cũng không khỏi phấp phỏng trong các ý tưởng sáng tạo.

               

              Áo lụa Hà Đông đã từng bị một vị Phó Giáo sư soi bằng kính hiển vi và khoác lên một cái mũ chính trị. Gần đây đạo diễn Hà Sơn lại kêu trời vì “bao nhiêu ý kiến chỉ trích và cấm cản tôi mời Yến Vi vào vai nữ chiến sĩ cách mạng trung kiên, trong khi thực tế phim tôi làm gì có nữ chiến sĩ cách mạng nào!”.

               

              Những áp lực kiểu này vô hình chung đã làm cho người làm phim không khỏi phân vân lo lắng cho việc “sinh hạ” đứa con của mình.

               

              Cũng đã có ý kiến cho rằng, thay vì việc nâng lên đặt xuống và cắt xén những cảnh có bạo lực, tình dục, kinh dị trong phim, chúng ta nên áp dụng phương pháp phân loại phim như đã được áp dụng tại Mỹ. Như vậy các nhà sản xuất cũng yên tâm sáng tạo “tới cùng”, còn khán giả cũng có sự cảnh báo và lựa chọn để tiếp cận phim.

               

              Chưa đủ điều kiện phân loại phim

               

              Về vấn đề này, chúng tôi đã trao đổi với ông Lê Ngọc Minh, Phó Cục trưởng Cục điện ảnh – Chủ tịch Hội đồng thẩm định phim quốc gia.

               

              Có thông tin Cục Điện ảnh cắt bỏ hết cảnh kinh dị trong phim Mười?

               

              – Không có chuyện đó, Hội đồng thẩm định phim có đề nghị Cục trưởng Cục Điện ảnh cắt bớt những cảnh kinh dị đó. Thực sự phải xem mới biết, có nhiều cảnh như tra tấn, chặt ngón tay, cắt gót chân, treo cổ, đổ axit.. rất ghê rợn. Hơn nữa thời lượng của những cảnh đó lại rất dài gây bức bối cho người xem. Hội đồng duyệt đã yêu cầu làm ngắn bớt những trường đoạn này.

               

              Trong tác phẩm nghệ thuật, liều lượng rất quan trọng, nếu vừa đủ, thậm chí thiếu một chút lại rất gợi. Nhưng khi bị thừa mứa, đặc biệt những cảnh nhạy cảm lại phản cảm. Tôi cho rằng ngay khán giả cũng khó chấp nhận. Cách đây 2 – 3 năm, chúng tôi duyệt một phim trong đó có cảnh sinh hoạt vợ chồng quá dài, dài đến mức nhàm chán. Nhưng chúng tôi quyết định không cắt, cứ để nguyên. Hiệu quả là khi ra công chiếu chính công luận và khán giả cũng phản đối, không chấp nhận cảnh quá dài đó.

               

              Tức là Hội đồng duyệt chỉ làm công việc “cắt bớt” chứ không “cắt hết” những cảnh nhạy cảm?

               

              – Phải dùng từ chính xác là chúng tôi làm ngắn bớt những đoạn phản cảm, tra tấn dã man. Tôi cho rằng chúng ta nên phân biệt rõ giữa “kinh dị” và “dã man”. Sự dã man mang tính cơ học, nói đúng hơn nó chỉ là màn biểu diễn tội ác, hoàn toàn không mang lại điều gì cho khán giả. Sự làm ngắn bớt trường đoạn này là cần thiết, đồng thời chúng tôi cũng yêu cầu nhà phát hành phim Mười không phổ biến phim này cho khán giả dưới 16 tuổi.

               

              Hội đồng có cân nhắc đến việc phân loại phim để khán giả tự biết và lựa chọn phim cho mình?

               

              – Công việc chúng tôi đang làm chính là phân loại phim. Điều kiện của ta chưa thể có hệ thống phân loại được đánh dấu như của Mỹ. Nhưng trong những văn bản gửi các cơ sở sản xuất phim chúng tôi cũng nhắc nhở các hãng lưu ý những phim “không dành cho trẻ em dưới 16 tuổi” trong khâu quảng bá, tiếp thị sản phẩm.

              P/S: Như vậy những ai hi vọng sau khi VN phân loại phim theo độ tuổi sẽ được xem trọn vẹn những cảnh “nhạy cảm” trong các bộ phim như kinh dị, chắc chắn sẽ thất vọng vì:
              “Sự làm ngắn bớt trường đoạn này là cần thiết, đồng thời chúng tôi cũng yêu cầu nhà phát hành phim Mười không phổ biến phim này cho khán giả dưới 16 tuổi.”

              Có nghĩa là phim vẫn bị cắt, và vẫn bị đóng dấu 16+. Như vậy một phim kinh dị đã bị cắt bớt, mất tính hấp dẫn, nay còn bị hạn chế khán giả, thì doanh thu của bộ phim đó cầm chắc…lỗ.

              Không chỉ nhà SX mà ngay cả các đơn vị chiếu phim, chắc hẳn cũng sẽ thất vọng và lo lắng khi trình chiếu phim kinh dị ở rạp mình. Bởi lẽ, với các dòng phim khác, đánh giá của khán giả không tác động mạnh bằng dòng phim kinh dị. Chỉ cần có khán giả nói rằng phim kinh dị chiếu rạp ..không còn kinh dị nữa, thì chẳng ai bỏ tiền để vô rạp xem nữa cả. Vì họ muốn xem một bộ phim làm họ rùng mình chứ không phải phim .. tình cảm như FINAL DESTINATION 3 từng chiếu ở VN.

            • #106532
              poppy
              Participant

                Có  2 ý kiến về vụ phân loại phim này.

                1. 16 tuổi? Hệ thống phân loại phim trên TG đã có, không hiểu tại sao VN lại lấy tuổi 16 để làm mốc phân loại phim?

                @ Nemo: ko dám chắc là trên 16 tuổi thì phim sẽ không bị cắt đâu, đừng hy vọng sớm vậy bạn ui.

                 

                2. Về “vụ án 300”: Đã gọi là “phim lậu”, “băng dĩa lậu” mà cũng “được” đưa vào vòng quản lý nữa hả trời? – cái này thì tui ko hiểu nổi “bạn” phóng viên viết bài này có ý gì nữa.

              • #106533
                rubyscorpion85
                Participant

                  1-vụ 16 tuổi: Nếu đóng dấu 18+ thì các rạp sẽ mất lượng lớn khán giả độ tuoí 16-18. Mà nếu để đối tượng 16 tuổi xem thì đương nhiên phải “cắt”.

                  2- Về vụ 300, theo ý tác giả thì những phim quá bạo lực như thế này thì nên quản lý chặt, ngay cả dù là băng đĩa lậu. 

                  Trước nay, các phim lậu vẫn được “cho qua” miễn không phải phim phản động hay sex là OK. Thì theo vị phóng viên này, những phim như 300 nên xem như phim “cấm”, ngay cả đĩa lậu cũng không được phổ biến. 

                • #106534
                  rubyscorpion85
                  Participant

                    Sắp tới, đi xem phim phải trình… chứng minh thư?
                    Thứ tư, 3/10/2007, 13:59 GMT+7

                    Theo dự thảo Quy chế làm việc của Hội đồng duyệt phim quốc gia, phim sẽ được chia hai loại: dưới và trên 16 tuổi.

                    Phần lớn các phim chiếu rạp hiện nay đều là phim Mỹ, Hàn Quốc, Hồng Kông… Với các phim này, nước ngoài đã phân loại theo độ tuổi trước khi nhập về Việt Nam. Khi vào Việt Nam, phim được duyệt lại và trước khi trình chiếu đại trà, những cảnh nhạy cảm, bạo lực, kinh dị… sẽ được cắt bỏ.

                    Tuy nhiên, do việc “cắt cúp” tuỳ thuộc vào từng hội đồng duyệt phim nên hiện vẫn còn nhiều phim mặc dù có những cảnh kinh dị, bạo lực nhưng vẫn được trình chiếu thoải mái.

                    Cần thiết nhưng phải khả thi

                    Việc Cục điện ảnh quy định phân loại phim theo độ tuổi sẽ giúp các nhà sản xuất phim và nhập khẩu phim thuận lợi hơn trong việc làm phim và nhập phim. “Chúng tôi rất ủng hộ việc phân loại phim theo độ tuổi nhưng tôi chỉ mong văn bản nào ban hành cũng hãy tính đến mức độ khả thi. Quy định phải hướng dẫn cụ thể thì chúng tôi mới làm được”, nghệ sĩ Phước Sang – Giám đốc hãng phim Phước Sang – nói.

                    Đạo diễn – NSƯT Nguyễn Chánh Tín, Giám đốc Hãng phim Chánh Phương, băn khoăn: “Nếu quy định trên 16 tuổi và dưới 16 tuổi thì chúng ta sẽ tuân theo những tiêu chuẩn nào? Quy định này tuỳ theo quốc gia và bản sắc văn hóa mà có quy chuẩn riêng. Vì vậy phải quy định cụ thể dưới 16 tuổi được xem phim gì, trên 16 tuổi được xem phim gì thì các nhà sản xuất phim như chúng tôi mới nắm bắt được và làm theo”.

                    Các nhà sản xuất phim cũng lo ngại khi có quy định phân loại phim theo độ tuổi thì mức độ chặt chẽ đến đâu. Phim dành cho người trên 16 tuổi có bị cắt những cảnh sexy, bạo lực hay không, chứ nếu vừa quy định phân loại phim theo độ tuổi vừa áp dụng những điều cấm chung chung như theo Luật Điện ảnh hiện nay thì chẳng khác nào thêm “thòng lọng” vào cổ nhà sản xuất, đặc biệt là các hãng phim tư nhân.

                    Hãng phim bị lo “cắt nhầm”

                    Ở nhiều quốc gia, ngoài việc giới hạn độ tuổi khán giả, người ta còn quy định độ tuổi khi mua, thuê băng đĩa phim. Ở Việt Nam, với tình trạng băng đĩa lậu tràn lan, chưa biết các nhà quản lý điện ảnh sẽ xử lý thế nào.
                    chanhtin-1.jpg
                    NSƯT Chánh Tín

                    Đạo diễn Chánh Tín nói: “Quy định phân loại khán giả theo độ tuổi phải rõ ràng và phải được Quốc hội thông qua. Quy định độ tuổi cũng phải tới nơi tới chốn chứ nếu vẫn không cho sexy, không cho đánh đấm thì quy định độ tuổi chỉ để cho vui thôi. Việc này phải quy định cho thật rõ ràng, nếu không khi làm phim xong lại nói chung chung là vi phạm thuần phong mỹ tục rồi cắt là chết chúng tôi, lỗ là cái chắc!”.

                    Dẫn chứng cho lỗi lo này, trước khi phát hành hai phim nhựa Ngôi nhà bí ẩn và Suối oan hồn, Hãng phim Chánh Phương của đạo diễn Chánh Tín đã xin Cục Điện ảnh duyệt trước bản phim phụ (video VHS). (Việc này sẽ giúp hãng phim tránh được tốn kém hai lần dựng. Khi phim đã làm xong, đưa đi duyệt “cắt, cúp” quá trớn, phải dựng lại – PV).

                    Ngược lại với băn khoăn của Chánh Phương, hãng Phước Sang khá lạc quan trước quy định phân loại khán giả theo độ tuổi. “Việc này hoàn toàn có thể kiểm soát được. Khi cục Điện ảnh dự thảo về phân chia độ tuổi bằng cột mốc 16 thì việc kiểm soát chứng minh nhân dân của khán giả khi vào rạp cũng không có gì khó”, ông Phước Sang nói.

                    Theo Quỳnh Trang (Báo Pháp Luật)

                  • #106535
                    mass_killer
                    Participant

                      Cái phim 300 có gì đâu mà cứ bị đưa lên nói như là tiêu biểu cho phim xấu vậy trời. Người ta là phim sử thi về chiến tranh thì có cảnh máu chảy đầu rơi là đúng rồi, chứ muốn như phim chiến tranh VN hả, coi mà chẳng thấy hay ho j hết. Phim đó trên thế giới rất được hâm mộ, hổng lẽ cấm ngay cả phát hành đĩa ở VN thì các fan điện ảnh sẽ tổn thất như thế nào

                       

                      Còn cái chuyện phân loại phim thì mass ủng hộ, nhưng wan trong là làm có tới nơi tới chốn không, hay là chỉ cưỡi ngựa xem hoa rồi đâu lại vào đấy?

                  Viewing 6 reply threads
                  • The forum ‘Phim Việt Nam’ is closed to new topics and replies.

                  MoviesBoOm

                  2003-2023

                  Skip to toolbar