Tôi đến với Lọ lem hè phố trong một dịp tình cờ. Nếu nói theo ngôn ngữ của một nhà phê bình thì quả là do sự tò mò, nhưng nói một cách công tâm thì trong đó có cả tâm trạng muốn giải trí. Tôi đi với con gái út mười chín tuổi của tôi, mà rủ được tôi đi, nó hả hê lắm, vì: Đã lâu lắm rồi, mẹ đâu có biết coi phim chiếu rạp nó đã như thế nào. Nó thuyết phục tôi như vậy. Mà chuyện đi coi phim như thế thì có gì đáng nói, nếu như sau đó không bùng nổ những cuộc tranh luận khá ầm ỹ trên báo chí khiến con gái út của tôi ngạc nhiên: Sao kỳ vậy mẹ? Và đây là điều cứ đeo đẳng đứa con gái út của tôi mãi.
Thoạt đầu tôi cũng có cảm giác giống cháu: chuyện chẳng có gì mà ầm ỹ. Sau rồi, những ý kiến khen, chê (mà chê là chủ yếu) đăng hầu như trên khắp các mặt báo đã lôi kéo tôi theo lúc nào không hay.
Nghệ thuật vốn là một hình thái ý thức xã hội, một công cụ nhận thức, một vũ khí tư tưởng với cách nhận thức cuộc sống mang những nét riêng, có tính đặc thù so với các hình thái ý thức xã hội khác như triết học, đạo đức, tôn giáo. Ai cũng biết rằng một trong những điều kiện đầu tiên của nghệ thuật là cái đẹp. Thiếu cái đẹp thì không thể có nghệ thuật. Dù đó là câu truyện về một cô công chúa tuyệt thế hay là về một mụ phù thủy ghê tởm, dù đó là bức tranh vẽ bông hoa hồng đang chớm nở hay miêu tả một con cóc xù xì Tất cả đều phải đẹp, vì nghệ thuật phải trình bày cái hiện có dưới ánh sáng của cái nên có, trình bày cái xấu qua cái nhìn về cái đẹp lý tưởng. Bởi thế, giá trị của một tác phẩm không phải chỉ ở chỗ nó phản ánh cuộc sống như thế nào, mà còn ở tác dụng thực tế của nó, nghĩa là không phải chỉ đóng khung lại trong phạm vi sáng tác, mà còn lan rộng ra đến phạm vi thưởng thức; và chính ở khâu thưởng thức, tác phẩm mới có ý nghĩa thực tế của nó. Một tác phẩm nghệ thuật chỉ thực sự là tác phẩm khi nó có người thưởng thức. Vậy mà hầu như bỏ qua yếu tố thực tế xã hội bộ phim đã kéo được khán giả tới rạp, các ý kiến chỉ trích dễ gây cho người ta cái cảm giác đó là những gáo nước lạnh được dội tới tấp, khiến những người không cứng bóng vía sẽ buông xuôi, không còn muốn làm việc nữa. Mà ca sĩ Quang Dũng cũng đã tâm sự đấy thôi: Quang Dũng đã làm việc hết sức mình, nhưng để rồi buồn quá, sự làm việc của mình đã không được đón nhận.
Tôi không phải là người hâm mộ ca sĩ Quang Dũng, nhưng tôi cảm nhận được sự ngậm ngùi lẽ ra không đáng có ấy.
Tôi đã từng xem đi xem lại ba lần không biết chán phim Người tuyết được chiếu cách đây không lâu trên kênh truyền hình VTV1 mà không thấy gợn chút nào dẫu nó đầy những điều phi lý từ đầu tới cuối. Ngay cả những bộ phim đoạt giải Oscar, phải đâu không có những chi tiết vô lý. Có ý kiến nêu cụ thể chi tiết cô gái nhảy trợt té khi thử giày trong tiệm giày sang trọng (trong phim Lọ lem hè phố) là vô lý. Nhưng cũng có cách cảm nhận rằng điều này là có thể đối với một côlọ lem dù đã quen nhảy để giúp vui cho người khác lần đầu tiên được được làm thượng đế (dưới sự bảo trợ của một thượng đế khác). Nhưng đáng nói hơn cả là phải chăng lớp đông đảo khán giả kia đến rạp là do tò mò, là do đã lỡ coi tập I, giờ muốn biết tập II nó ra làm sao, hay hoặc tới rạp là bởi phim quy tụ nhiều người đẹp, bởi phim có nhiều cảnh ăn mặc tươi mát ? Đừng quên rằng đã từng có những bộ phim tập hợp cả các hoa hậu, vậy mà số khán giả có được bao nhiêu? và phải đâu chỉ có phim của đạo diễn Lê Hoàng là có cảnh ăn mặc hở hang?
Có những ý kiến cho rằng Lọ lem hè phố là phim thiếu tính nghệ thuật, vậy thì nghệ thuật là gì? Nó gồm có những tiêu chí nào? Đã có một thời gian dài chúng ta quan niệm giá trị của một tác phẩm văn chương là nội dung quyết định hình thức, nếu quy ra điểm thì nội dung chiếm tới sáu, bảy điểm, số điểm ít ỏi còn lại là dành cho nghệ thuật. Quan niệm này đã dẫn tới sự ra đời của một dòng văn học minh họa chính trị và nó đã mau chóng bị đào thải. Chân lý có bước đi riêng của nó. Tới lúc người ta đã phải nhìn nhận nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm giống như hai mặt của một chiếc lá. Thiếu một mặt nào cũng không thể gọi là chiếc lá. Tới lúc người ta phải nhìn nhận một thực tế là không ai tìm tới một tác phẩm để xem nó dạy mình điều hay lẽ phải nào, mà trước hết là để thư giãn. Và vai trò của nghệ thuật chính là ở đây: bằng sự lôi cuốn, hấp dẫn riêng, tác phẩm dẫn dắt người xem đi vào thế giới của nó để từ đó, lay động một cách tự nhiên cái phần người của con người. Không lôi cuốn, tác phẩm sẽ không giữ được người ta ở lại với mình tới tận cùng, mà như vậy thì cái ý nghĩa giáo dục dẫu có sâu sắc tới cỡ nào liệu còn có tác dụng? Có những bộ phim được đánh giá cao, thậm chí được trao giải thưởng lớn, về nghệ thuật, nhưng khán giả lại không hưởng ứng; vậy thì nghệ thuật ấy phục vụ cho ai?
Đối với điện ảnh, tôi hoàn toàn là người ngoại đạo, vậy nên những khiếm khuyết tất nhiên hẳn phải có ở bộ phim Lọ lem hè phố xin để cho các nhà chuyên môn, ở đây, tôi chỉ nói lên sự cảm nhận chân thực của một khán giả thuần túy sau khi xem phim: đó là không hề cảm thấy mệt mỏi sau khi vãn hát, đó là một chút gì đó nhẹ nhàng thư thái sau một ngày làm việc, cùng một chút gì đó ấm áp khi nghĩ về những cảnh đời trong bóng tối, nhất là thân phận của các cô gái nhảy mà vốn không dễ gì chiếm được thiện cảm của những người hiền lương. Đưa người tới gần với người trong sự cảm thông, an ủi và ước mơ tôi nghĩ đó là điều mà những người làm phim đã đạt được, và đây mới là điều đáng nói hơn cả. Có nhà phê bình nói rằng đến với Lọ lem hè phố, khán giả bị tiền mất tật mang mà không nói rõ là tật gì. Xem phim xong, rõ ràng là đâu có ai muốn làm gái nhảy, cũng đâu có ai muốn làm ma cô hay làm má mì.
Một tác phẩm đến với công chúng hiển nhiên sẽ được tiếp nhận với nhiều thái độ khác nhau, âu cũng là lẽ thường tình. Từ hồi phim Gái nhảy I trình làng, bao nhiêu lời khen, chê (mà cũng chê là chủ yếu), nổ ra ầm ỹ. Có cả những cuộc hội thảo chuyên đề về Gái nhảy I được tổ chức, để chỉ mổ xẻ về phim này, mà người làm ra phim không được mời(?!) Trong khi đó, khán giả đích thực của bộ phim hầu như không lên tiếng. Hình như đây cũng là một đặc điểm của con người Việt Nam thì phải: ai nói gì mặc ai, đường ta, ta cứ bước. Đến phim Lọ lem hè phố, họ cũng cứ thế, ai nói gì thì nói, họ lại kéo nhau đi xem. Vậy thì ánh sáng của các ngòi bút lý luận phê bình đã rọi chệch hướng chăng?
Người xưa có nói nghệ thuật vốn là chuyện ngàn đời, là của chung thiên hạ, ý kiến mỗi người mỗi khác, phân tích thì được chứ không nên chê mắng. Cần lắm thay sự công bằng với cái tâm trong sáng, và đây mới là điều còn lại mãi mãi.
YÊN THỦY
2003-2023