“Phim gây tranh cãi”: miếng mồi thơm của các nhà sản xuất?

“Sản xuất một bộ phim sẽ (hứa hẹn) gây tranh cãi luôn là một quyết định khó khăn. Nhưng bù lại, một bộ phim ồn ào luôn kéo theo những doanh số “ồn ào”.

Chính trị, tình dục, xung đột sắc tộc và tôn giáo là những đề tài gây tranh cãi hàng đầu của điện ảnh. Trong suốt lịch sử của mình, Hollywood đã chứng kiến những bước thăng trầm của ngành công nghiệp thứ bảy và những bộ phim đi vào lịch sử không chỉ vì sự thành công mà vì những tranh cãi do nó tạo ra.

Do đó, nói như một nhà sản xuất phim, sản xuất một bộ phim sẽ (hứa hẹn) gây tranh cãi luôn là một quyết định khó khăn. “Nhưng bù lại” – nhà sản xuất nọ nói – “Một bộ phim ồn ào cũng sẽ kéo theo những doanh số “ồn ào”. Điều quan trọng nhất là phải làm sao cân bằng được giữa việc “sản xuất một bộ phim ồn ào” mà không “chọc giận” thái quá một nhóm người hay nhóm quan điểm nào đó.

Như thế nào thì được gọi là một phim “ồn ào”: là những phim luôn luôn có “năng lực” làm một nhóm cộng đồng tức giận, bị shock, ghê tởm, gây chia rẽ hoặc tồi tệ hơn có thể tạo ra một làn sóng phẫn nộ hay thậm chí gây những cuộc chiến tranh.

Thông thường, những bộ phim gây tranh cãi hoặc bị tẩy chay kịch liệt, biểu tình, cấm đoán, kiểm duyệt nghiêm ngặt hay bị phản đối thường có đề tài và nội dung về tình dục (quá thô thiển), bạo lực, đồng tính, tôn giáo, chính trị, và xung đột sắc tộc.

Những đề tài này luôn được cân lên nhắc xuống về mức độ, liều lượng và tiêu chuẩn như thế nào được phép ghi hình và công chiếu trên màn ảnh rộng bởi nó rất dễ chạm đến những ranh giới cấm kỵ.

Tuy phức tạp như vậy, nhưng những bộ phim (hứa hẹn) gây tranh cãi vẫn luôn là lựa chọn hàng đầu của những hãng phim lớn, bởi đơn giản: những phim này mang lại uy tín và lợi nhuận khổng lồ cho nhà sản xuất.

“Tiêu chuẩn” cho việc gây tranh cãi được thay đổi qua mỗi thời điểm, nền văn hóa khác nhau và quan điểm tín ngưỡng khác nhau (những bộ phim được đánh dấu NC-17-rated (cấm người dưới 17 tuổi xem) rất hay rơi vào những bộ phim gây tranh cãi).

Bộ phim sản xuất năm 2004 của diễn viên – đạo diễn Mel Gibson, The Passion of the Christ (Sự khổ hình của Chúa Giesu) được tạp chí Entertainment Weekly đánh giá là “bộ phim gây tranh cãi nhất của mọi thời đại”.

Ngay từ khi đang được sản xuất, bộ phim này đã được xem như một quả bom nổ chậm có thể vỡ tung bất cứ lúc nào. Và sau khi nó hoàn thành và được công chiếu, “quả bom” này được báo chí mô tả: “khơi mào một trận chiến văn hóa chưa từng có trong lịch sử Hollywood”.

The Passion of the Christ chủ yếu khai thác 12 giờ cuối cùng của Chúa Giesu với cảnh ông bị bắt, bị nhục hình và bị đóng đinh trên thánh giá.

Tuy nhiên, bộ phim này vấp phải sự phản ứng dữ dội. Phe chỉ trích cho rằng Mel Gibson đã “dùng bạo lực để kể câu chuyện trong kinh thánh”. Nhà phê bình điện ảnh Roger Ebert mô tả The Passion như sau: “Bộ phim dài 126 phút, và tôi có thể đếm được khoảng 100 phút hoặc nhiều hơn mô tả chi tiết cảnh Chúa Giesu bị tra tấn và chết. Đây là bộ phim bạo lực nhất mà tôi đã từng xem”.

Tuy nhiên trái ngược với những lời chỉ trích, website Rotten Tomatoes. Com lại đưa ra kết quả rằng có 51% nhà phê bình tán dương bộ phim này.

Tất cả những tranh cãi trên đã khiến 2,500 rạp trên toàn thế giới trong ngày công chiếu The Passion chật cứng. Trong hai tuần công chiếu, The Passion mang về cho nhà sản xuất 370 triệu USD. Tổng số sau đó là 610 triệu USD.

Cũng về tôn giáo, phim sản xuất 2006 của đạo diễn Ron Howard, The Da Vinci Code, cũng gây chú ý ngay từ trên bàn giấy khi được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Dan Brown. Bộ phim (và cả cuốn tiểu thuyết) gây tranh cãi ở yếu tố lịch sử và các học thuyết Thiên chúa giáo.

Bộ phim đã khiến Vatican tức giận. Archbishop Angelo Amato, Thư ký của Bộ Giáo Lý Ðức Tin của Tòa Thánh kêu gọi tẩy chay bộ phim mà theo ông là: “toàn những lời vu khống, xúc phạm và sai lầm về lịch sử và học thuyết tôn giáo”.

Tuy nhiên, không những không bị tẩy chay. Bộ phim đã được chào đón nồng nhiệt. Chỉ trong một tuần chiếu mở màn, The Da Vinci Code đã thu được 224 triệu USD toàn cầu. Con số tổng sau là 758 triệu USD.

Hai bộ phim này “chiếm” vị trí quán quân trong bảng xếp hạng 25 phim gây tranh cãi nhiều nhất trong lịch sử điện ảnh thế giới do tạp chí Entertainment Weekly lựa chọn. Danh sách này bao gồm những phim như. Crash, bộ phim về đề cập đến vấn đề sắc tộc đã từng đoạt Oscar phim hay nhất 2005 cũng có trong danh sách này.

Đạo diễn Oliver Stone được tôn vinh là “vua gây tranh cãi” khi có đến hai phim nằm trong danh sách: Natural Born Killers sản xuất năm 1994, kể về một tên giết người hàng loạt với những thủ đoạn giết người chi tiết và ghê rợn; và JFK sản xuất năm 1991, kể về vụ ám sát tổng thống Mỹ John F. Kennedy.

Cùng với những bộ phim trên, còn có United 93, bị chỉ trích là đã được sản xuất quá nhanh sau thảm họa 11/9, khiến người xem bị khơi lại những nỗi đau cũ.

Bộ phim gây đình đám của quả bom sex Sharon Stone Basic Instinct, Brokeback Mountain cùng với Fahrenheit 9/11, Deep Throat, The Last Temptation of Christ, The Deer Hunter, Do the Right ThingKids cũng được xếp vào danh sách “Những bộ phim gây tranh cãi nhất trong mọi thời đại”.

Không chỉ gây tranh cãi với phần nội dung, chiêu thức và cách phát hành phim của các nhà sản xuất đôi khi cũng trở thành nguyên nhân của những cơn bão dư luận.

Sản xuất năm 1999, The Blair Witch Project (Dự án phù thủy Blair), của đạo diễn Daniel Myrick trở thành bộ phim ồn ào thời điểm đó.

The Blair Witch Project nói về một nhóm sinh viên quyết tâm khám phá bí mật về phù thủy Blair mà bấy lâu họ vẫn nghe đồn đại. Mang theo một máy quay phim, nhóm sinh viên đi vào rừng thực hiện quyết tâm của mình. Tuy nhiên, lần lượt từng thành viên của nhóm biến mất với những sự kiện kỳ lạ. Không ai biết về số phận của họ thế nào. Một năm sau đó, dấu vết duy nhất về nhóm là cuộn băng ghi hình của nhóm người ta tìm được trong khu rừng…

Yếu tố gây tranh cãi lại nằm ở khâu quảng bá và phát hành bộ phim. Nhà sản xuất sử dụng Internet, poster và các chiến dịch quảng bá thuyết phục khán giả rằng đó là một sự kiện thực sự, và rằng những gì khán giả được xem chính là tư liệu được in sao từ cuốn băng tìm thấy trong rừng, kèm theo đó là những đoạn “phỏng vấn” với bạn bè, gia đình những thành viên trong nhóm làm phim sinh viên và các “nhà khoa học”.

Được phát hành dưới dạng phim tài liệu không nhạc, bộ phim đã mang lại cho nhà sản xuất 248 triệu USD trên toàn cầu, gấp 11 lần kinh phí thực hiện bộ phim, và kéo theo phần 2, Book of Shadows: Blair Witch 2 ra đời. Tuy nhiên, sau đó một làn sóng tranh cãi đã xảy ra. Người ta chỉ trích cách làm của những nhà làm phim với sự “tiếp tay” của các hãng truyền thông. Đến nay The Blair Witch Project vẫn là bài học tiếp thị phim điển hình của các nhà sản xuất tuy nó nhận không ít lời cáo buộc “lừa gạt” từ phía khán giả.

Không có gì bàn cãi, những bộ phim “gây tranh cãi” luôn là mối lợi nhuận khổng lồ của các nhà sản xuất. Nhưng từ việc thu lợi nhuận đến việc một hãng phim hay một cá nhân nào đó trở thành tiêu điểm hay kẻ thù, thậm chí là tác nhân gây chiến tranh là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Theo VietNamNet
Theo Tin Tức

Ảnh: Phim "Khổ nạn của Chúa" 


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply