“Áo lụa” sau những truân chuyên

Cánh diều vàng trao cho Áo lụa Hà Đông năm nay, ngoài ý nghĩa khẳng định sự đóng góp hiệu quả của các nhà sản xuất tư nhân vào nền điện ảnh nước nhà, còn đem lại cho nhà sản xuất, nghệ sĩ và người xem một niềm vui khác: những kiểu phê bình nghệ thuật nặng tính suy diễn, "vùi dập" đã không còn gây được tác động mạnh trong dư luận xã hội nữa.

Những ngày cuối tháng 3 vừa qua, khi Áo lụa Hà Đông (đạo diễn Lưu Huỳnh, Hãng phim Phước Sang) mới ra mắt và đón nhận tình cảm nồng hậu của khán giả lẫn những ý kiến góp ý thẳng thắn của một số nhà phê bình, thì trên một tờ báo tại TP.HCM xuất hiện một bài viết 2 kỳ của ông T.T.Đ.Đ – một cây bút phê bình nghệ thuật tên tuổi – mang tên Lại nói về phim Áo lụa Hà Đông.

Việc phê bình một bộ phim là hoạt động bình thường trong đời sống điện ảnh, nhưng cách phê bình của ông Đ. thực sự làm những khán giả chưa xem phim hoang mang. Ông Đ. đanh thép buộc tội Áo lụa Hà Đông đã "bẻ cong", “xuyên tạc" sự thật về giai đọan lịch sử kháng chiến chống Mỹ hào hùng của dân tộc, đã mô tả "những đoàn người Việt Nam, những đám người Việt tham gia cuộc kháng chiến ấy như là những đoàn người, những đám người thụ động hoàn toàn, chẳng ý thức được một chút nào về cái nhiệm vụ cao cả của mình là phải chiến đấu để tự mình tham gia giải thoát cho mình, tự mình tham gia chặt phá cái ách nô lệ mà đế quốc cứ muốn đặt lên vai, lên cổ mình. Hai nhân vật chính của phim – Gù và Dần – là tiêu biểu cho muôn vạn người thụ động đáng thương ấy. Đó là một trong những sai phạm thuộc loại bao quát nhất mà những người chế tác ra phim Áo lụa Hà Đông đã mắc phải".

Về ý kiến này, bạn đọc Phạm Nguyễn Huy Hoàng (Q.7, TP.HCM) đã bức xúc viết thư cho Thanh Niên: "Hai nhân vật chính của phim chỉ là hai con người thấp cổ bé miệng, ít học, nghèo khó, với ước mơ vô cùng đơn sơ là có thể làm đám cưới đàng hoàng với nhau; cuộc đời họ dồn dập nỗi lo cơm áo, con cái, thiên tai, loạn lạc, Họ chỉ là hai hạt cát bị số phận vùi dập quá đỗi, thử hỏi còn thời gian và sức lực nào nghĩ chuyện cao xa? Chẳng lẽ phim của ta cứ phải theo lối mòn xây dựng hình ảnh người dân anh dũng làm cách mạng mới được? Áo lụa Hà Đông chỉ muốn cho ta thấy thân phận con người trong thời loạn mà thôi. Điều ấy có gì sai?".

Có những chi tiết trong phim được ông Đ. đem ra làm bằng chứng "kết tội" những người làm phim lại cho thấy ông xem phim… chưa kỹ. "Những người chế tác nhấn thêm vài nét bẩn nữa: Những hành vi thô bạo của kẻ rải truyền đơn; một tờ truyền đơn khác trải rộng trên mặt sông, ông già chèo thuyền ngang qua nhác thấy… nhưng không thèm nhặt, không thèm quan tâm mà vẩy mái chèo lướt qua nhanh" (ảnh 1).

Không hiểu vì sao mà ông Đ. lại nhìn cảnh những người rải truyền đơn bị lính vây bắt phải chạy xô vào người đi chợ, làm đổ các gánh hàng thành ra "hành vi thô bạo"? Và đáng ngạc nhiên hơn, cái "tờ truyền đơn trải rộng trên mặt sông" mà ông Đ. nói thực ra là mảnh vải từ cái áo dài của Dần đã được tháo ra (ảnh 2), cắt lại cho vừa với cô con gái bay lạc trên mặt sông, bất cứ khán giả nào xem tới cảnh này đều không thể hiểu khác đi được.

Một cảnh khác, ông Đ. cũng xem không kỹ đã vội phê: "Tiếp theo đó là cảnh trường học dập nát, học sinh chết ngập trong máu! Và tội ác đẫm máu là từ phía đối thủ của những người chủ của ngọn cờ ấy! Là ai? Mũi dùi thù oán của nhân dân, oái ăm thay, chĩa thẳng về phía cách mạng…". Nhưng nhìn kỹ, thì người xem có thể nhận thấy cái vỏ đạn mang mấy chữ "USA" nằm ngay bên cạnh trang vở học trò mà những nhà làm phim đã cẩn thận ghi vào ống kính, đề phòng bị hiểu nhầm! Thế mà vẫn không "thoát" (ảnh 3).

Những ngày ấy, nhà sản xuất Phước Sang đã tỏ ra khá lo lắng. Anh cho biết, sau khi bài viết trên đăng tải, sự ủng hộ dành cho bộ phim đã trở nên dè dặt, và doanh thu của phim tụt hẳn xuống. Anh tâm sự: "Rất buồn khi nỗ lực tôn vinh chiếc áo dài dân tộc và người phụ nữ Việt Nam lại bị xem như làm phim "phản động". Điều tôi lo ngại nhiều hơn, là nếu những cách nhìn nhận, phê bình phim như thế này tiếp diễn và gây được tác động đời sống nghệ thuật, thì chắc chắn sẽ không khuyến khích tư nhân đầu tư vào phim ảnh, không khuyến khích Việt kiều về nước làm phim".

Cũng nhiều người lo lắng cho Áo lụa Hà Đông đến với đấu trường Cánh diều vàng trong một "tư thế" bất lợi. Rất may, những lo lắng trên của Phước Sang đã không trở thành sự thật. Khán giả xem phim lẫn các giám khảo của Cánh diều vàng vẫn dành thiện cảm cho Áo lụa Hà Đông, và Áo lụa Hà Đông đã được tôn vinh xứng đáng với công sức, tâm huyết của các nhà làm phim.

Phạm Thu Nga

Theo Thanh Niên 


Posted

in

by

Comments

2 responses to ““Áo lụa” sau những truân chuyên”

  1. pthanhvinh Avatar
    pthanhvinh

    T.T.Đ.Đ là nhà phê bình nào vậy. Tiếng tăm ra sao mà tui chưa bít ổng vậy. Sao ổng dốt quá vậy. Nhà phê bình mà chẳng bằng một học trò của tui xem phim đó nữa. Nó còn có những cảm nhận hay hơn ổng nữa.

  2. nemo Avatar
    nemo

    Ông Đờn này đúng là già cả mắt mũi lem nhem, phát ngôn nhăn cuội. Những chuyện mà ai cũng thấy trên fim thì bị ổng quay ngoắc 360o làm những người chưa có cơ hội được thưởng thức bộ fim ko đến được với nó. Buồn

Leave a Reply