Avatar – Sự trở lại của James Cameron

Cái này là preview, viết khi chưa xem phim… bài đã đăng trên Thế Giới Văn Hoá. Tranh thủ đăng trước để mai mốt còn đăng bài review!
Khi James Cameron bắt tay vào làm Titanic, giới điện ảnh Hollywood trông chờ vào một thất bại lớn bởi không ai tin rằng khán giả sẽ mua vé ra rạp xem một siêu phẩm 300 triệu đôla về một con tàu bị đánh đắm mà ai cũng đã biết. Họ hoàn toàn sai lầm – James Cameron không làm phim về con tàu Titanic bị chìm ra sao, ông làm về chuyện tình của một đôi bạn trẻ khác biệt về giai cấp xã hội trên con tàu ấy cũng số phận của con người ở trên chuyến tàu định mệnh. Khi James bắt tay vào làm Avatar, một siêu phẩm với kinh phí khổng lồ đầu tư cho kỹ thuật phim không gian ba chiều, người ta lại đặt câu hỏi: liệu sức đột phá của kỹ nguyên 3-D sẽ là điều mà James dùng để kéo khán giả đến xem, hay lại một chuyện tình Jack và Rose khác trên hành tinh Pandora mới thực sự là điểm ăn khách?

Sững sờ với công nghệ 3-D

Đến lúc này, không còn ai nghi ngờ sức quyến rũ của những hình ảnh 3-D trong phim Avatar, đây là bộ phim đầu tiên của James kể từ sau Titanic được ra mắt 12 năm trước. Những khán giả chọn lọc đầu tiên được xem đoạn phim quảng cáo vào hồi đầu năm 2009 tại Comic Con 2009 (một hội chợ dành cho các phim khoa học viễn tưởng tại Mỹ) đã thốt lên ‘thật sửng sốt, thật hoành tráng hùng vĩ, thật kinh ngạc và tuyệt mỹ’. Khi đoạn phim quảng cáo được tung lên trang apple.com, nó nhanh chóng trở thành trailer được xem nhiều nhất trong một thời gian ngắn (4 triệu lượt người xem trong vòng 24 tiếng, so với kỷ lục cũ là 1,7 triệu lượt). Hãng 20th Century Fox quyết định chọn ngày 21.8.2009 là Ngày Avatar khi đồng loạt công bố trò chơi điện tử Avatar cũng như lần đầu tiên công chiếu đoạn phim quảng cáo cũng như đồng loạt chiếu tại hệ thống rạp IMAX 3-D 15 phút phim chọn lọc trích từ phim Avatar. Cơn sốt Avatar ngay tức thì nóng lên khi hàng loạt những phản hồi tích cực từ phía khán giả và giới phê bình phim được lan truyền trên internet thông qua website twitter.

Không chỉ dừng ở đó, đoạn phim 3-D của Avatar đã đánh tan nghi ngờ bộ phim với kinh phí 500 triệu đôla (theo tờ New York Times, chi phí sản xuất phim khoảng 300 triệu đôla, chi phí tiếp thị khoảng 150 triệu đôla và khoảng 50 triệu đôla cho các chi phí phát sinh khác) có thể bị thất bại về doanh thu. Nhiều người còn nghi ngờ những ứng dụng của phim 3-D (không nhiều khác biệt so với phim 2D nhưng lại khiến một số khán giả thấy đau đầu hoặc chóng mặt hoặc thấy hình ảnh mờ, tối) đã hoàn toàn bị thuyết phục bởi sự khác biệt rõ rệt giữa hai phiên bản phim không gian ba chiều và phim hai chiều bình thường.

Công nghệ vượt bậc

James Cameron cho biết lý do Avatar không ra đời sớm hơn (kịch bản đã hoàn thành từ năm 2005), bởi ông chờ đợi công nghệ kỹ thuật điện ảnh phát triển đủ mạnh để có thể thể hiện ý tưởng của mình. Nếu trước đây, đạo diễn không thể biết kết quả của những hình ảnh kỹ xảo sẽ ra sao cho đến khi phần hậu kỳ kỹ xảo hoàn tất sau khi phim đóng máy rất lâu, thì với Avatar, James Cameron có thể thấy ngay tức thì hình ảnh của diễn viên ‘trong lốt’ những người hành tinh trên tinh cầu Pandora ra sao tại trường quay. “Nó như một cỗ máy mạnh kinh hoàng. Nếu tôi muốn bay vào không trung, hay muốn thay đổi góc nhìn, tôi có thể dễ dàng thực hiện điều đó. Nó cho phép tôi hoàn toàn chủ động sáng tạo, tôi có thể thêm cây, dời núi, thay đổi bầu trời, biến hoá thời gian trong ngày, ngay cả yêu cầu cho sợi tóc của diễn viên phải bay theo đúng ý của mình, tôi cũng chủ động kiểm soát được” – James Cameron phấn khích tiết lộ về công nghệ mới. Kỹ thuật performance-capture mới với tên gọi The Volume cho phép ghi nhận lại đến từng chi tiết nhỏ nhất của mọi biểu hiện cảm xúc của diễn viên để có thể ‘chuyển hóa’ vào các nhân vật CGI. James Cameron cho biết, 95% diễn xuất của diễn viên trong phim đều được ‘số hóa’. James mời những đồng nghiệp ‘đại gia’ của mình như Steven Spielberg, Peter Jackson và George Lucas đến tham quan trường quay và gợi ý họ ‘xài thử’ công nghệ mới này!

Với công nghệ này, cùng với kỹ thuật quay phim không gian ba chiều, James Cameron hứa hẹn sự trộn lẫn giữ diễn viên ảo, diễn viên thật và môi trường bối cảnh thật sẽ khiến cho khán giả ‘không còn biết họ đang xem cái gì, không thể phân biệt được thật giả”.

Để tạo ra khu đào mỏ của con người trên hành tinh Pandora, những nhà thiết kế bối cảnh đã đến vịnh Mexico để chụp ảnh, quay phim và đo đạc các thiết bị máy khoan ở đây. Dàn diễn viên của phim được đưa vào rừng sống cả tháng trời để học cách di chuyển trong rừng và sống giữa thiên nhiên trước khi vào vai.

Sự tổng hoà của những đam mê riêng.

“Cảm hứng của tôi đến từ tất cả những cuốn sách viễn tưởng mà tôi từng đọc khi tôi còn là một đứa trẻ. Một số cũng không hẳn là truyện viễn tưởng. Những cuốn sách của Edgar Rice Burroughs, H. Rider Haggard, những nhà văn viết truyện phiêu lưu mạo hiểm rừng rậm đầy nam tính. Tôi muốn làm một bộ phim phiêu lưu rừng rậm kiểu xưa, nhưng đặt bối cảnh rừng rậm ở một hành tinh khác. Nói một cách rõ nét hơn, tôi muốn bộ phim sẽ kết hợp mọi sở thích của tôi, từ sinh học, khoa học kỹ thuật đến môi trường. Tôi luôn yến thích những câu chuyện phiêu lưu/ viễn tưởng mà trong đó, những chiến binh đến một vùng đất xa xôi lạ lẫm đối mặt với những thử thách cam go về thể chất và cả những nỗi sợ hãi bởi sự khác biệt. Avatar sẽ đem đến những điều đó. Tôi đã bỏ ra 11 năm để chuẩn bị cho ý tưởng này” – James Cameron trả lời phỏng vấn trên tờ Entertainment Weekly về ý tưởng của bộ phim.

Kể từ khi có đề cương, James Cameron cùng những đồng sự đã bắt tay vào việc kiến tạo một thế giới khác, một hành tinh khác với những chủng loài trên đó. James Cameron đã phát tiển cả một nền văn hoá cho những con người trên hành tinh Pandora: họ săn bắn với cung tên, sống bầy đàn và gần gũi với thiên nhiên, nhưng cũng sẵn sàng đương đầu chống lại sự xâm lấn của con người đang tìm cách khai thác khoáng sản trên hành tinh của họ. Nói một cách khác, Avatar nhuộm màu chính trị với những ẩn dụ về chủ nghĩa thực dân – những cuộc xâm lấn và khai phá các nước thuộc địa của phương Tây được ‘hiện đại hóa’ bằng cuộc xâm lấn của con người trên những hành tinh khách.

Không chỉ thế, James Cameron cùng làm việc với Paul Froemer, trưởng khoa ngôn ngữ học tại đại học Nam California (USC) để nghiên cứu một hệ thống ngôn ngữ riêng cho người hành tinh Pandora. Họ mất một năm trời để tổng hợp ngôn ngữ của người thuộc quần đảo Polynesia, một số ngôn ngữ của châu Phi, rồi nghiên cứu về cấu trúc câu, hệ thống phát âm cho ra hệ thống ngôn ngữ mới mà diễn viên có thể phát âm được nhưng nghe xa lạ và không giống ngôn ngữ của con người!

Và một câu chuyện tình éo le.

Cũng như con tàu Titanic, hành tinh Pandora chỉ là cái cớ để James Cameron kể một câu chuyện tình yêu. Nội dung phim Avatar (nghĩa đen: Hình đại diện/ Người đại diện) xoay quanh nhân vật chính Jake Sully (do nam diễn viên mới Sam Worthington thủ vai), một cựu lính thuỷ quân lục chiến Mỹ bị thương và tàn phế từ thắt lưng trở xuống trong một trận đánh trên trái đất. Jake được chọn lựa để tham gia chương trình mang tên Avatar, một thí nghiệm hứa hẹn cho phép Jake có thể đi lại được như xưa. Nếu bạn đã xem Surrogates (Kẻ thế mạng), bội phim khoa học viễn tưởng của Bruce Willis vừa ra mắt trong dịp cuối mùa hè vừa qua, bạn sẽ có ý niệm về cơ chế hoạt động của các avatar: trí não của con người được ‘kết nối’ với một cơ thể khác và điều khiển từ xa cơ thể này bằng ý chí của mình. Jack được đưa đến hành tinh Pandora, một hành tinh xa xôi đầy những rừng rậm âm u và khoáng sản, với những sinh vật sống tuyệt đẹp lẫn kinh sợ. Pandora cũng là hành tinh của giống người Na’vi, một giống người gần như nguyên thủy nhưng có sức mạnh về thể chất hơn hẳn loài người. Họ cao ba mét, da xanh sáng lấp lánh, có đuôi, sống chan hoà với thiên nhiên hoang dã trên hành tinh của họ. Khi con người xâm lấn Pandora, người Na’vi tập hợp lại, bộc lộ những khả năng tự vệ đáng kinh ngạc và hứa hẹn một cuộc chiến đẫm máu.

Để có thể tồn tại trên hành tinh Pandora, hít thở khí trời của hành tinh lạ này, con người chế tạo ra những cơ thể hợp nhất giữa người và người Na’vi, mang tên Avatar. Trong thân xác Avatar của mình, Jake có thể đi lại như xưa. Anh được đưa vào rừng sâu để do thám và mở đường cho những người lính đến đóng chiếm Pandora. Ở đó, anh đối mặt với những hiểm nguy không lường trước, và anh gặp Neytiri (Zoe Saldaña đóng), một nàng Na’vi trẻ xinh đẹp. Khi Jake hoà mình vào một bộ tộc của người Na’vi và tình yêu chớm nở với Neytiri, cũng là lúc anh nhận ra mình mắc kẹt giữa hai bên: nghĩa vụ của một người lính và nghĩa tình của một con người. Quyết định chọn lựa đứng về một bên của Jake cũng sẽ quyết định vận mệnh của chủng người Na’vi trên Pandora…

——————————————————————————-

Phim 3-D (hay còn gọi là phim không gian ba chiều) là hình thức chiếu bóng với thiết bị máy chiếu đặc chủng cùng với mắt kính đặc chủng dành cho người xem cho phép khán giả được trải nghiệm những hình ảnh không gian ba chiều, khiến họ có cảm giác như chỉ cần đưa tay ra với sẽ chạm được vật thể, diễn viên trên màn hình, cũng như khán giả sẽ có cảm giác những vật thể trong phim như bật tung ra khỏi màn ảnh lao về phía họ, và (Trong khi đó, các phim chiếu thông thường chi có hình ảnh giới hạn trên mặt phẳng hai chiều).

Khác với phim 3-D không gian ba chiều, phim hoạt hình 3D là các phim hoạt hình sử dụng công nghệ máy tính để tạo ra những khối lập thể ba chiều mà không cần đến thiết bị hỗ trợ thị giác nào. Phim hoạt hình 3D khác với các phim hoạt hình hai chiều truyền thống ở phong cách thể hiện. Các phim hoạt hình 3D có thể được chiếu với phiên bản phim 3-D không gian ba chiều (phải có thiết bị chuyên dụng để có thể xem được) hoặc phiên bản phim trên màn ảnh phẳng bình thường.

CGI là viết tắt của cụm từ Computer-generated imagery (hình ảnh tạo ra từ máy tính). Các nhân vật trong phim hoạt hình 3D đều được xem là các nhân vật CGI. Những ‘avatar’ trong phim Avatar cũng là những nhân vật CGI vì chúng được tạo ra từ máy tính

 


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply