Bàn chuyện về bộ ba Công Viên Khủng Long



Là một trong những bộ phim ăn khách nhất mùa hè năm 2001, Công Viên Khủng Long III đã có mặt tại Việt Nam và đang được trình chiếu trong các rạp lớn của thành phố (Thăng Long, Fafilm Cinema). Chúng ta hãy thử phân tích cả ba bộ phim về đề tài khủng long này để xem vì sao chúng vẫn không ngừng hút khách…

SO SÁNH BỘ BA “CÔNG VIÊN KHỦNG LONG”

I. CÔNG VIÊN KHỦNG LONG

Hai phần đầu có một điểm chung: Steven Spielberg đạo diễn dựa theo kịch bản của Michael Crichton. Các diễn viên Samuel Jackson, Wayne Knight và B.D. Wong đã có những vai diễn xuất sắc (hai người đầu bị ăn thịt vì là…người ác!), và ông Richard Attenborough (trong vai John Alfred Hammond) giải thích công viên đã được tạo ra như thế nào và những chú khủng long đã được sinh ra làm sao một cách hấp dẫn lôi cuốn. Hai đứa cháu của Hammond thực sự là “ngôi sao” của tập phim này: chúng chạy thoát khỏi móng vuốt của khủng long trong gang tấc nhờ đầu óc, cậu nhóc Tim đọc cuốn sách của tiến sỹ Alan Grant để cứu lấy chính mình và chị gái khi chúng bị đè bẹp dúm trong chiếc xe trong khi khủng long bạo chúa đang tìm cách lật chiếc xe, cô bé Lex làm “hacker” để khoá mọi cánh cửa chặn bầy khủng long. Khung cảnh một con dê, con bò và ngài…luật sự bị khủng long “làm thịt” thực sự gây ấn tượng. Một chi tiết phụ dễ thương: tiến sĩ Grant không thích trẻ con đã cứu hai đứa trẻ và chở che cho chúng đến hết bộ phim.

Chi tiết bên lề: trong một đoạn thoại của Sam Neil (vai Alan Grant), anh nói rằng anh thích nghe tiếng rên của khủng long ba sừng, và đó chính là câu nói của Steven Spielberg, người rất thích tiếng khủng long con.

II. THẾ GIỚI BỊ ĐÁNH MẤT

Ở phần này, Jeff Goldblum (tiến sỹ Ian Malcom) đã bị “bắt cóc” trở lại đảo khủng long vì bạn gái anh, Julianne Moore, đã bị cuốn hút trên đảo khủng long. Không chỉ thế, cô con gái của anh vì thi rớt khỏi đội thể dục dụng cụ ở trường đã tự mò đến đảo cùng bố. Và phần hấp dẫn nhất của phim là đây: cả nhóm người bị kẹt trong chiếc xe tải ngay giữa rừng trong khi vợ chồng khủng long bạo chúa tìm cách đẩy họ ra sau khi anh chàng Vince Vaughn “thông minh sáng dạ” băng bó chân cho một con khủng long bạo chúa “nhí”. Nhưng như vậy chưa đủ “thông minh” bằng ý tưởng đem con khủng long về San Diego để triển lãm, nơi mà nó nổi cơn điên lên tàn phá thành phố và ăn thịt luôn nhà biên kịch David Koepp (anh chàng đứng trước tiệm video). Con khủng long này còn “xơi” một chú chó tội nghiệp trong một cảnh hài hước của một gia đình. Cuối phim thực sự là một màn tàn khốc bởi khủng long bạo chúa liên tục xơi tái khá nhiều người trên đườc chạy đi tìm con cho đến khi ra bến cảng. Phần này, người ác lẫn người tốt…đều bị sát hại!

Chi tiết bên lề: Bộ phim dường như trở thành…hai phim: một phim trên đảo và một phim trên đất liền ở San Diego. Ồ, là vì vào phút chót, Steven Spielberg quyết định thay đổi kịch bản với ý tưởng đem chú khủng long bạo chúa về giữa công chúng. Vì thế ông cũng quyết định bỏ luôn một đoạn rất hấp dẫn trong phim về những con thằn lằn có cánh. Không sao, vẫn còn phần 3 để đem những cảnh ấy lên màn bạc mà…

III. CÔNG VIÊN KHỦNG LONG III

Không phải Vince Vaughn, người đột nhiên biến mất ở cuối phim trước (lúc đó anh chưa có tiếng tăm, còn nay thì đã nổi như cồn), cũng chẳng phải cha con nhà Goldblum được mời cho phần kế mà là Sam Neil và Laura Dern, hai tiến sỹ nghiên cứu khủng long ở phần 1 quay trở lại. Phần này do Joe Johnston, người từng được biết đến như một chuyên gia kỹ xảo hàng đầu khi từng đoạt Oscar hiệu quả đặc biệt cho phim Indianna Jones và chiếc rương thánh tích, cộng tác cùng George Lucas về phần kỹ xảo trong bộ ba phim Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao IV, V, VI, đạo diễn bộ phim ăn khách Cưng ơi, anh đã thu nhỏ các con, Trò chơi Jumanji, làm đạo diễn cùng các diễn viên “tầm tầm bậc trung” như William H. Macy, Tea Leoni. Là câu chuyện về cuộc tìm kiếm cậu bé Eric bị thất lạc (do Trevor Morgan đóng) của hai vợ chồng triệu phú “dỏm” với một lực lượng tìm kiếm nghiệp dư (nhưng cũng giả vờ là chuyên nghiệp), lần này những con người nhỏ bé bị mắc kẹt trong một chiếc máy bay trong khi những con khủng long gai đi qua đi lại tìm kiếm họ. Đây thực sự là một phim hành động từ đầu tới cuối, không để cho khán giả kịp nghỉ ngơi chút nào và cũng chẳng có gì ngoài khủng long và những tiếng la hét, những màn rượt đuổi trêân màn ảnh. Chi tiết hài hước nhất có lẽ ở câu nói của William H. Macy “Khi nào về, nếu qúy vị cần lắp đặt phòng tắm thì tôi sẵn sàng tài trợ!”. Sam Neil một lần nữa dính dáng đến trẻ con, lần này anh lại được Trevor cứu khỏi móng vuốt của bầy khủng long thông minh trong gang tấc. Và cậu bé này còn đọc cả sách của Sam lẫn của Malcom (tức Goldblum) và bình luận đủ điều. Sam còn có một câu khá hài hước (bạn thử chú ý nhé) khi ông nói trong buổi thảo luận ở đầu phim “Tôi không phải là nhân chứng của vụ tai nạn ở San Diego”. Macy là người duy nhất trong cả ba phim thực sự chứng tỏ có đi…vệ sinh (khi ông “tranh thủ” bên bờ sông). Và ở phần này, chỉ có người tốt bị ăn thịt!

Chi tiết thú vị: Leoni rất vui mừng vì cuối cùng cô không bị…khủng long ăn thịt. Đơn giản vì cô rất háo hức chờ đợi một phần kế tiếp sẽ có mặt mình trong đó. Trong khi đó, Joe Johnston, người từng năn nỉ Steven Spielberg cho mình được làm phần 3 khi nghe “ông Khủng Long” Spielberg (trong phim biệt danh này dành cho Sam Neil), lại từ chối làm phần 4 dù ông đã thực hiện thành công phim này. Tuy vậy, việc để cho cậu học trò của Sam, Alessandro Nivola (vai Billy) vẫn sống sót ở cuối phim có lẽ với chủ ý để anh xuất hiện ở phần 4. Chờ xem!

PHAN XI NÊ


Posted

in

by

Comments

3 responses to “Bàn chuyện về bộ ba Công Viên Khủng Long”

  1. user350 Avatar
    user350

    sao bạn chú ý được cái đoạn “đi..WC” vậy? hi hi

  2. shinichi Avatar
    shinichi

    hehe… không hổ danh là phan xi nê !!!!

  3. light Avatar
    light

    Anh neo viet bai nay thu vi lam.

Leave a Reply