Bàn đôi điều về phim Hollywood

Nói đến ảnh hưởng của văn hóa đại chúng Mỹ đối với tòan bộ phần còn lại của thế giới không thể không nhắc đến ảnh hưởng của Hollywood. Không có ngóc ngách nào trên trái đất này mà phim Hollywood chưa từng đặt chân đến và chinh phục. Ngay cả tại một vài quốc gia Hồi Giáo (như Syria) thanh thiếu niên miệng thì hò hét chống Mỹ nhưng trên đầu đội nón kiểu các cầu thủ bóng chuyền Mỹ, áo mặc là áo thun có chữ Mỹ, quần là quần jean, và chân thì nhún nhảy theo điệu nhạc rock của Mỹ. Tất cả đều xuất phát từ hình ảnh nước Mỹ qua màn ảnh bạc Hollywood. Vậy thật ra phim Hollywood có mãnh lực gì mà sức thu hút lớn như vậy?

Phim Hollywood từ trước đến nay (đặc biệt là trong một hai thập niên gần đây) chủ yếu là nhằm mục đích thương mại hóa, kiếm được lợi nhuận càng nhiều càng tốt. Yếu tố nghệ thuật thường bị xem nhẹ, yếu tố câu khách, thu hút khách đến rạp xem phim là yếu tố chủ đạo. Mặc dù có một số phim Hollywood được chuyển thể từ các tác phẩm văn học cổ điển, đa số các phim này thất bại nặng nề về mặt nghệ thuật và vì vậy không được mấy ai đi xem. Có thể kể ra một vài phim như “Chữ A Màu đỏ” (Scarlet Letter) của nhà văn nổi tiếng Nathaniel Hawthorne, Đỉnh Gió Hú (Wuthering Heights) của Emily Brontë, “Jane Eyre” của Charlotte Brontë. Gần đây nhất là tác phẩm “Một người Mỹ trầm lặng” (A Quiet American) của Graham Green. Mặc dù bộ phim sau cùng nhận được một số ý kiến ca ngợi và được đề cử ra tranh giải Oscar cho nam diễn viên chính nhưng những ai đã đọc qua tác phẩm của nhà văn Graham Green sẽ cảm giác thất vọng nặng nề vì Hollywood đã “bán rẻ” tác phẩm của ông không chút thương tiếc. Nếu bạn đã quen thuộc với phim Hollywood, bạn sẽ chẳng cảm thấy ngạc nhiên trước những thất bại ê chề của những bộ phim này.

Đối với phim chuyển thể từ văn học nghiêm túc, để có thể thu hút khán giả cách duy nhất là bộ phim phải thể hiện hết được cái hay, “cái thần”, của tác phẩm, thông thường là thông qua cách phát triển nhân vật, bố cục tác phẩm, và các chi tiết tinh tế về ngôn ngữ và hành vi của nhân vật, v.v. Đối với phim “Người Mỹ trầm lặng” đó chính là bề sâu nội tâm của nhân vật, là thế giới nội tâm nhân vật Thomas Fowler. Khi coi phim, tôi không hề thấy được, dù chỉ là chút ít, bóng dáng của chiều sâu nội tâm của Fowler. Trong truyện có những đoạn đối thọai giữa Fowler và Alden Pyle thể hiện sự tương phản giữa hai lối tư duy của hai cường quốc phương Tây: một bên đại diện cho đế quốc Anh già cỗi đang suy tàn và một bên đại diện cho một đế chế quân sự đang dần trướng mạnh ra khắp thế giới, một bên là đại diện cho thái độ bi quan, yếm thế và hoài nghi (xuất phát từ những bài học thất bại cay đắng trong lịch sử), và bên kia là sự lạc quan, tin tưởng, tự tin một cách quá ngây thơ vào một ý thức hệ trừu tượng trong sách vở. Khi coi phim, cảm giác của tôi là cảm giác hụt hẫng, mất mát, và thất vọng vì Hollywood đã giết chết đứa con tinh thần của nhà văn Graham Green. Là một tác phẩm văn học đáng đọc nhưng xem xong phim có mấy ai cảm thấy hứng thú hay xúc động muốn đi tìm tác phẩm nguyên bản để mở rộng hiểu biết hay tìm tòi sâu hơn về nội dung của tác phẩm? Tôi cho rằng là không có ai.

Dùng một ví dụ trên chẳng qua để nêu lên một điểm cơ bản sau: phim Hollywood hiếm khi thể hiện được bề sâu của “chân-thiện-mỹ”, thay vào đó nó dùng bề rộng (sự hoành tráng của không gian, cảnh vật, hay kỹ xão điện ảnh), sự hào nhoáng bề ngoài (của diễn viên, xe cộ, nhà cửa …) để che dấu và bù đắp cho sự hời hợt và nông cạn. Khai thác tối đa khiếu thẩm mỹ bình dân và đơn giản của đại đa số nhân loại phim Hollywood phô bày trên màn ảnh rộng cảnh các diễn viên đẹp, sexy, quyến rũ, ăn mặc hở hang, cảnh xe hơi đuổi nhau hấp dẫn đến nghẹt thở trên đường phố, cảnh đôi lứa lãng mãn tình tứ hôn nhau v.v. Khán giả không cần phải nghĩ ngợi nhiều, không cần phải động não tìm hiểu ý nghĩa sâu xa của phim, chỉ cần ngồi yên, dựa mình vào ghế nhâm nhi bắp rang, đậu phụng rang và uống coca-cola chờ cho đến khi hết phim.

Nói vậy không có nghĩa là tất cả mọi phim Hollywood đều không đáng xem, vì thỉng thoảng vẫn Hollywood vẫn cho ra một vài bộ phim có chất lượng nghệ thuật khá, nhưng những bộ phim này quá hiếm hoi. Nếu bạn nhìn vào danh sách 100 bộ phim hay nhất qua mọi thời đại chẳng hạn, bạn sẽ thấy đa số là các phim sản xuất cách đây cả mấy thập niên, và chiếm hạng cao lại là một số phim không lời của Charlie Chaplin. Không có đối thọai hài hước, không có ngôn ngữ khoa trương, không có cảnh lâu đài, núi non hùng vĩ, hay những trận đánh hoành tráng gồm cả trăm ngàn người như trong phim Lord of the Ring, nhưng phim của Chaplin đi thẳng vào lòng người xem, khuấy động tâm tư của khán giả. Có một yếu tố nhân bản gì đó vượt không gian và thời gian trong phim của Chaplin khiến cho chúng trở nên bất hủ. Điều này nói lên tầm quan trọng bề sâu của bộ phim, về chân-thiện-mỹ. Nó không phụ thuộc vào kỹ xảo điện ảnh, vào ngân sách hàng trăm triệu đôla cho một bộ phim, và không cần đến các diễn viên-người mẫu-ca sĩ quyến rũ chân dài, ngực nở.

Chính vì sự rẻ tiền của phim Hollywood, người ta phân biệt phim của Mỹ thành hai loại: phim Hollywood và phim độc lập (independent movie) hay còn gọi là phim nghệ thuật (arthouse movie). Đây là những bộ phim do các hãng phim nhỏ sản xuất, thường với chi phí thấp, nhằm phục vụ một nhóm nhỏ người xem và không được quảng cáo rầm rộ hay trình chiếu trên khắp các cụm rạp chiếu bóng trên nước Mỹ. Chúng thường được chiếu ở các rạp hát nhỏ hơn và không nằm trong trung tâm thành phố. Vẫn có người bỏ tiền đi xem những bộ phim loại này, và thỉng thoảng một hay hai bộ phim lại gây được tiếng vang lớn tại các liên hoan phim quốc tế và thu hút được một lượng khá đông khán giả Mỹ đi xem. Gần đây nhất là bộ phim “Lost in Translation,” ai trong số chúng ta biết đến phim này? Đã coi phim này? Hay bỏ công đi tìm phim này về xem?

Khi nào bạn đã quá chán với phim Hollywood, vì đã buớc vào tuổi trung niên, vì khiếu thẩm mỹ đã thay đổi, hay vì bất cứ lý do nào đó, hãy nhớ vẫn còn có một số nhỏ các bộ phim nghiêm túc và nghệ thuật đang nằm đâu đó chờ bạn.


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply