Bàn về tính liêu trai trong phim Những cô gái chân dài

Liêu trai chí dị là chuyện ma, đại khái là tao nhân mặc khách hạnh ngộ kiều nữ hành tung bí hiểm, nói té đi nàng là yêu nữ mà lưu luyến chốn hồng trần chứ không có ý gì đê hạ. Nhưng ở đây xin tạm mượn chữ liêu trai—vốn để chỉ tính chất phiêu diêu lãng đãng rất đặc trưng trong chuyện ma này—mà viết về Những cô gái chân dài

Dị truyện thứ nhất của pho Những cô gái chân dài là chuyện về tài đạo diễn và quay phim. Phim này là phim thương mại, coi như là chuyện người—chuyện thế tục. Nhưng tay đạo diễn này thì liêu trai lắm, làm chuyện người không muốn cứ muốn kéo thêm cả ma vào cho xôm tụ. Thế nên hắn làm phim thương mại mà cứ “art art” thế nào cho nó liêu trai chơi.

Phần “chuyện người” của phim nhìn rất hồn nhiên: từ kịch bản, cách quay, hình ảnh, casting cho tới âm thanh, nhạc nền… đều rất “đúng ngữ pháp” của phim dạng Hollywood commercial. Mở đầu đã thấy lôi cuốn hấp dẫn. Hắn dùng thủ thuật quay montage rất khéo để giới thiệu hai thế giới parallel của hai nhân vật chính, Thuỷ (Anh Thư) và Hoàng (Minh Anh) Nhạc nền lúc này cũng sôi nổi trẻ trung, tạo được “không khí” ngay từ đầu, chàng tắm coi bộ quá phè phỡn còn nàng lóc cóc ôm heo lên thành phố thi ĐH. Rồi hai thế giới đụng nhau cái rầm, lần một trúng cái ống nhòm máy hình, lần hai trúng em heo mũm mĩm đẹp xinh. Có đầu có đũa, có đủ hỉ nộ ái ố, có người một bước lên tiên, có người đồng tính, có người bị CA rượt, có người bị bệnh mê chân dài, có người bị bệnh tương tư cấp tính và có người bị …chảnh. Kết thúc lại cực kì có hậu. Có thể nói là có tùm lum mấy thứ giật gân câu khách. Người xem cứ an tâm là mình đang xem một phim thương mại làm theo “công nghệ thế giới” chứ không có dở dở ương ương như mấy phim nửa mùa trước đây. Vì đây là phim về những người nổi tiếng, do đạo diễn trẻ cũng khá nổi tiếng, về những câu chuyện hơi bị “nổi tiếng” trong giới người mẫu, và có đội ngũ PR cũng nổi tiếng theo chỉ vì làm được cho phim …nổi tiếng. Nghe mấy tay ấy chào mời coi bộ rất xăng xái!!!

Nhưng có vậy thì không có gì đáng nói, NCGCD hay thì cứ hay theo thể loại đó. Có điều, xem phim lâu lâu cứ bị con ma nhà họ art nó hù cho một cái, vừa ngạc nhiên vừa thích thú. Cảnh chiếc xe đò con con chạy đi, chiếc xe đạp chạy lại, con bò chạy qua, góc quay tà tà ngang mặt đường bâng quơ, phim thương mại thuần tuý đố tìm được cái nào nhìn thì tự nhiên, ít dụng ý mà lại đẹp như vậy. Cảnh đồng quê, cảnh thành phố nhìn cũng bắt mắt, ai bảo cảnh VN mình quê mùa nhớp nháp??? Khuôn hình đầy đặn, xử lý hậu kì cực đẹp làm cho bộ phim bật lên hẳn. Một phim thì có nhiều scenes, mỗi scene chụp mũ bởi 1 theme và gồm nhiều shots gộp lại, cầm cái máy lia 1 cái rùi cắt cái bụp thì gọi là một shot, có đủ long shot, upclose shot, panoramic shot dành cho mỗi “tâm trạng”, chuyển giữa các shots chính là cut. Cái hay của đạo diễn thể hiện rõ nhất ở cut vì cut tải được mạch phim một cách tinh tế hiệu quả nhất theo ý đồ đạo diễn. Ở đây Vũ Ngọc Đãng cut phim khá điêu luyện và đúng bài bản của thể loại giải trí này, chứng tỏ có tìm tòi hệ thống. Tiết tấu phim do vậy không bị rề rà hay nhanh chậm tuỳ hứng. Những cảnh tạo cảm giác hồi hộp như lúc các cô diễn trong hộp đêm bị CA dí cũng rất thành công. Lúc Anh Thư lên taxi với Hải Đông, cách quay classic (trong xe quay nhìn lại, người ngoài lố nhố, taxi là một thế giới kín khác) nhưng cũng khá cảm động, lời thoại súc tích, cũng hơi bị cảm động. Cảnh sáng tạo nữa là khúc vedette Xuân Lan vạch màn bước ra, đúng là mấy show thời trang thì cũng không có cái vụ này, có điều phim thì phải nhấn mạnh thế mới góp phần tạo nên vị thế đáng ao ước của một vedette chứ. Mà mỗi lần Xuân Lan xuất hiện trước ống kính (cho tới khi bị Anh Thư ‘soán ngôi’) đều rất bốc, rất ngầu, nhấn tình tiết chuẩn, nhạc phụ hoạ cũng hay!

Không hiểu sao cảnh quay mà athospk tâm đắc nhất lại là cảnh Yến Ngọc trốn trong toilet nam và cho Ngọc Nga vào trốn ké. Góc hình lúc Ngọc Nga mở cửa thấy Yến Ngọc trốn trong cái cubicle cuối cùng của toilet đẹp đến sững sờ. Lúc đó Yến Ngọc đứng úp người vào tường bên, quay mặt ra cửa, cô chỉ bảo :”dzô đi!”, chỉ cái shot đó thôi làm athospk điếng người vì cảm động. Toilet vốn dĩ là nơi thiên hạ chẳng đặng đừng mới phải lui tới, người ngoài muốn vào còn người trong thì muốn ra; đây lại là toilet nam, cho nên chỉ phục vụ cho ½ dân số của “thiên hạ”. Yến Ngọc coi như nằm trong vòng cấm địa, tiến thoái lưỡng nan, cũng như cô đang nằm trong thế giới của các cô mẫu, người ngoài muốn vào, người trong xong chuyện cũng muốn ra chứ chả vương vấn gì. Cho nên trong cubicle cuối cùng, Yến Ngọc đứng úp người vào tường, xoay mặt ra cửa chỉ chực chạy đi, mà là tường bên chứ không phải tường sau hay cửa, cái tường không đối diện/ tiếp nối với bất kì cái cubible nào nữa. Cái úp người chứng tỏ cô đang muốn và đang phải tự bảo vệ lấy chính mình, dù cho tường thẳng thì cũng không che chắn gì được, chỉ để có một cảm giác an toàn, thoát khỏi bị CA truy quét hay thoát khỏi cái thế giới mà cô đang mắc kẹt trong đó, không biết được. Nhưng Yến Ngọc đứng úp người là đứng chứ không có ngồi, trong khi Anh Thư thất thần ngồi hẳn xuống cái toilet, xoạc 1 chân. Quay Yến Ngọc cũng quay ngang tầm mắt, tạo cảm giác ngang hàng, tôn trọng, thông cảm, trong khi quay Anh Thư quay từ trên xuống có vẻ trịch thượng, răn dạy và nghiêm khắc hơn. Lúc sau, ở phần tập thử của cuộc thi hoa hậu, Yến Ngọc cũng là người nhận thử vương miện hoa hậu, chứng tỏ đạo diễn âm thầm cổ vũ cho nhân vật rất có cá tính này. Hay!

Vũ Ngọc Đãng cũng làm người xem thích thú với hàng loạt những chi tiết nho nhỏ mà cầu kì khác. Bàn về chuyện xây dựng nhân vật. Ví dụ như nhân vật cái cô bé học trò của Mai Hoa, cái cô điệu điệu có cái màn chống cằm điệu thầy chạy. Chỉ phác có vài nét, nhân vật phụ ơi là phụ, thế mà tay viết kịch bản/đạo diễn cũng làm tròn trịa từ đầu tới cuối, cái chống cằm trở thành 1 cái trademark của cô nhỏ này, dòm duyên dáng lạ!

Nói đến trò phải nói đến thầy. Nhân vật của Mai Hoa rất đáng yêu. Là một trong những người tạo mâu thuẫn chính cho chuyện phim, Mai Hoa vừa hài hước, vừa đáng thương. Có nghiên cứu tâm lý học phương Tây, nhân vật Mai Hoa là một loại bệnh obsessive-compulsive điển hình, ám ảnh bởi sự ngăn nắp, kĩ tính, sự an toàn, sự ổ định của xã hội, và là thành trì của những lề thói truyền thống. Lại thêm tài diễn xuất của Mai Hoa làm cho nhân vật người chị cổ hủ trở nên sống thực đến ngẩn ngơ. Nói đến bệnh tâm lý, lại phải nhắc đến con bệnh thứ hai là nhiếp ảnh gia Hải Đông. Lão có một fetish, một loại bệnh mà người ta derive sexual pleasures từ những vật chả liên quan gì tới chuyện ấy, ví dụ như …giày (shoe fetish), chân (foot fetish), cà vạt (tie fetish)… Khuôn hình cảnh Anh Thư và Hải Đông ngủ trên lụa đỏ đẹp ở chỗ cái tư thế “sáu mươi chín” (69) của hai người vừa khắc hoạ được cái foot fetish của Hải Đông (ôm chân nàng ngủ), vừa thể hiện cái weird sexual practice của mấy tay artists.

Thêm một cách “sống không theo số đông” khác là nhân vật đồng tính luyến ái Khoa do Thanh Long thủ vai. Ở đây thì lộ rõ Đãng đi với bụt thì đã chịu mặc áo cà sa, nhưng lúc đi với ma vẫn không chịu mặc áo giấy hẳn. Làm phim “ma” liêu trai vậy nhưng cái nhân vật Khoa là cái nhân vật “kinh tế thị trường” nhất. Hắn mời Thanh Long đóng nhằm câu tới rạp thêm mấy nường duy mỹ chủ nghĩa như athospk thôi. Đất diễn của Long quá ít nên không có cơ sở để đánh giá diễn xuất của tay này, chê dở thì oan mà khen hay thì “trúng kế đạo diễn”, vì thực ra ngoại hình của Long diễn dùm cho tay này hết ráo rồi, cái mặt cute cute đầy “tâm trạng” cho nên mở miệng nói câu nào chưa kịp nghe hết bà con cũng đã xuýt xoa cảm khái hết rồi. Nếu như thay Long bằng một tên xí trai mắt toét nhiều khi lại còn bật được tính đa chiều kích của tình yêu dành cho “cái đẹp” của Minh Anh.

Thôi, bi giờ đã bàn lan tới Minh Anh rùi thì xin kể thêm dị truyện thứ hai: ma đóng phim. Ma rất đẹp, toàn là ma mẫu không hà, Minh Anh nè, Anh Thư nè, Xuân Lan nè, quá trời người đẹp kể tên không xuể, “ba trăm một mụ đàn bà, đem về mà trải chiếu hoa cho nằm” chắc ai lo casting phim này kết sui gia với đại lý bán chiếu luôn quá! Quá nhiều người đẹp, đẹp nào đóng cũng từ khá tới hay, không bàn nhiều. Xin chỉ nhắc tới Anh Thư và Minh Anh. Anh Thư nét diễn rất hồn nhiên, có cái dí dỏm đáng yêu. Mấy lines của Anh Thư nói cũng gần gũi, có cái câu gì gì “chết liền” (lúc ngồi sau xe Minh Anh) nghe rất hợp mốt, giờ thấy ai cũng dùng từ này. Cái duyên dáng của cô kết hợp với xây dựng tình tiết hài hước nhẹ nhàng làm cho nhân vật “3 chiều” hơn, như lúc cô đang tập đi trong nhà tắm, bị Mai Hoa bắt gặp, cô đánh trống lảng “bốn góc bằng nhau”, lúc cô đi diễn về khuya len lét vào nhà…

Nhưng athospk khoái nhân vật của Minh Anh đóng nhất. Ai bảo Minh Anh cứ cười cười vô duyên thế chứ athospk thấy đây là một vai thành công của phim. Minh Anh tình nguyện vào vai “clown” của phim, cả về mặt nhận thức lẫn hình thức. Về mặt nhận thức, Hoàng là một người đam mê cái đẹp, hồn nhiên chân thật, có tâm tình sôi nổi, ngẫu hứng, sống trong thế giới phù hoa mà vẫn giữ được sự trong trẻo của cảm xúc, đó phải chăng là một tên hề nhỏ ngơ ngác trong tấn trò đời này. Về mặt hình thức, Minh Anh tạo cho mình một nét diễn riêng, ngây ngây thơ thơ (nên hay bị bảo oan là vô duyên), athospk thấy đó lại là sự trẻ trung của một vai diễn. Đồng ý có những cường điệu nhất định trong việc xây dựng Hoàng (cũng như vai của Mai Hoa), nhưng nó vẫn nằm trong ngưỡng chịu đựng của thể loại, athospk cũng nghĩ rằng nhận thức luận của Minh Anh đối với vai Hoàng cũng không sai lệch hơn ý đồ của Vũ Ngọc Đãng bao nhiêu, nếu không muốn nói Minh Anh tạo được một chữ kí riêng cho Hoàng. Có người đề nghị switch vai giữa Minh Anh và Thanh Long, athospk nhiệt liệt … phản đối. Cho Thanh Long vào vai Hoàng là phá hỏng toàn bộ thông điệp của phim: cái nét của Minh Anh là nét dễ thương kiểu mong manh, dễ bị làm cho tổn thương, tràn đầy sức sống, trong khi Thanh Long cuốn hút theo kiểu phái tính, lại ít ồn ã hơn, khó có thể nghĩ Thanh Long là người mới gặp Anh Thư sẽ ngơ ngẩn bần thần, cũng khó có thể nghĩ Anh Thư sẽ chạy theo Hải Đông mà không một lần ngó ngàng lại Thanh Long tiếc nuối (tiếc wá chứ sao hông hì hì), cái chất nghệ sĩ của Long và Anh hoàn toàn khác nhau mà athospk nghĩ rằng chỉ có của Anh mới làm cho mạch phim suông sẻ, thuyết phục và thú vị hơn, của Long sẽ làm phim chuyển hẳn sang kiểu “nghệ sĩ thất tình” khá mòn, thì cứ tưởng tượng xem cái cách Khoa thất tình đem áp vào Hoàng sẽ thấy kịch bản bị sáo hẳn.

Dị truyện thứ ba: phim thương mại Việt Nam làm như vậy là rất xuất sắc! Tất nhiên ngồi bới lông tìm vết thì sẽ ra một số cái còn hơi bị “thắc mắc”, nhưng bói ra ma quét nhà ra rác, review một phim không phải là đem phim đó ra đấu tố phát mãi, nhất là lấy lý mà nói, phim cũng nhận được nhiều lời động viên khen ngợi khách quan, về tình mà nói thì lại càng nên khuyến khích làn sóng phim thương mại có chất lượng và giá trị (nội dung lẫn nghệ thuật) ngày càng cải thiện hơn.

athospk@MOVIESBOOM


Posted

in

by

Comments

One response to “Bàn về tính liêu trai trong phim Những cô gái chân dài”

  1. athospk Avatar
    athospk

    hí hí hông ngờ 1 năm về trước mình đã lăng xê cho Yến Ngọc

    đi trước thời đại đi trước thời đại!!!

Leave a Reply