Bộ Quốc phòng Nga phê phán phim lịch sử

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố, phim Turkish Gambit đang chiếu tại các rạp của nước này từ tháng trước là bóp méo lịch sử và bôi nhọ hình ảnh một vị tướng. Hàng nghìn người đã tới xem bộ phim phiêu lưu lãng mạn với bối cảnh là cuộc chiến tranh Nga – Thổ 1877-1878.

Turkish Gambit là một trong series phim có kinh phí cao, do Đài Truyền hình quốc gia Nga đầu tư nhằm làm sống lại lịch sử dân tộc. Tuy nhiên, quan chức Bộ Quốc phòng nước này rất tức giận khi xem phim. Họ cho rằng, nhân vật được xây dựng trên hình ảnh tướng Mikhail Skobelev lại được khắc họa là “một kẻ huyênh hoang”, thích đàn đúm với phụ nữ và các nhà báo. Một biên tập viên của báo Red Star, cơ quan ngôn luận của Bộ Quốc phòng Nga, nhận xét: “Thay vì thấy hình ảnh một anh hùng của lịch sử – anh hùng theo mọi nghĩa của từ này, anh hùng trong cách giải quyết các vấn đề quân sự, thì những gì chúng ta thấy chỉ là một công tử bột”.

Dzhanik Faiziyev, đạo diễn của Tukish Gambit, cho biết đây là một phim hành động và ông không có ý định đưa các sự kiện thực tế vào phim. Ông nói: “Làm sao tôi có thể đáp ứng được yêu cầu của những người tới xem một bộ phim được quảng cáo là phim hành động nhưng lại muốn có bài học lịch sử trong đó?”.

Tướng Skobelev (còn được gọi là Bạch tướng quân vì ông thường cưỡi ngựa trắng và mặc đồng phục trắng) là một trong những vị tướng lừng danh của quân đội Sa hoàng. Ông mất khi mới 38 tuổi, nhưng đã làm nên nhiều chiến công lừng lẫy, trong đó có trận tấn công vào một pháo đài được coi là “không thể công phá” của đế chế Ottoman tại Plevna (Bulgaria) năm 1877.

Turkish Gambit có doanh thu 13 triệu USD sau 17 ngày công chiếu ở Nga. Bộ phim là câu chuyện về điệp viên Erast Fandorin lao vào cuộc chiến với quân đội Ottoman để tìm ra tên gián điệp do kẻ thù gài vào hàng ngũ quan chức Nga. Kịch bản phim do Boris Akunin viết lại từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của ông.

Trong phim, một vị tướng có tên Sobolev – nhân vật dựa trên hình ảnh của tướng Skobelev – phản đối ý kiến của Fandorin về một gián điệp, kẻ sau này giúp quân đội Thổ Nhĩ Kỳ thảm sát quân Nga trong một trận mai phục. Tờ Red Star cho rằng, nhân vật “quê mùa” trong phim chẳng có chút gì tương đồng với Skobelev, người được lịch sử tôn vinh là một vị tướng can trường, khôn khéo và đại lượng.

Ảnh: Yegor Beroyev trong vai Erast Fandorin.

H.T. (theo Guardian)

Nguồn: http://www.vnexpress.net/Vietnam/Van-hoa/San-khau-Dien-anh/2005/03/3B9DC3FA/


Posted

in

by

Comments

One response to “Bộ Quốc phòng Nga phê phán phim lịch sử”

  1. romeo_must_die_ua Avatar
    romeo_must_die_ua

    Nghe nói phim này hay lắm,phải đi xem thui,ở trường có đọc chuyện này rùi ( của nhà văn Akunin)

Leave a Reply