“Bom tấn” 300: phim hay chính trị?

TTO – 300 là một phim “bom tấn” tại phòng vé Bắc Mỹ cuối tuần qua. Nhưng trên thực tế, 300 cũng là một quả “bom tấn” khuấy động dư luận Iran. Đất nước vùng Vịnh lên án thế nào về bộ phim bị cho là phỉ báng văn hóa cổ đại Ba Tư và khiêu khích thù hận chống lại người Iran?

Tờ báo Ayende-No số ra ngày 14-3 của Iran giật tít lớn: “Hollywood tuyên chiến với người Iran”, châm ngòi cho cuộc bút chiến trên các phương tiện truyền thông tại vùng Vịnh.

Bộ phim hành động dã sử có doanh thu 70 triệu USD chỉ trong những ngày cuối tuần ra mắt, dựa trên truyện tranh giả tưởng về trận chiến Thermopylae năm 480 trước công nguyên, trong đó một lực lượng chỉ 300 người Spartan đã giữ chân quân đội hùng mạnh Ba Tư tại một con đèo ở Hy Lạp trong ba ngày.

Ngay cả một số nhà bình phim người Mỹ cũng đặt vấn đề về “ý đồ chính trị” đằng sau câu chuyện phương Tây đối đầu với Iran, như hình dung trong phim về những người Ba Tư được mô tả là kẻ suy đồi, lập dị và quái dị, đối nghịch với những người Hy Lạp cao sang.

Tờ báo Ayende-No viết: “Phim mô tả người Iran như những quái vật, không hề có văn hóa, tình cảm hay nhân tính, những kẻ rỗng tuếch chỉ biết tấn công nước khác và giết người man rợ. Đây là một sự vu khống toàn thể nhân dân Iran trước cả thế giới ngay tại thời điểm Mỹ đe dọa tấn công Iran”.

Tại Iran, bộ phim đã và sẽ không bao giờ được trình chiếu, theo như luật hạn chế phim phương Tây của chính quyền, mặc dù một tờ báo cho hay đã có nhiều bản DVD “ngoài luồng”.

Dù sao phim đã chạm vào khía cạnh nhạy cảm. Javad Shamghadri, cố vấn văn hóa của Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad, cho rằng Mỹ đã cố tình làm bẽ mặt Iran để lật đổ sự thật lịch sử và “đền bù cho những việc làm sai trái nhằm khiêu khích lính Mỹ và những kẻ hậu chiến” chống lại Iran.

Cũng cần nhắc lại, bộ phim gây xôn xao dư luận trong khi Mỹ và Iran đang căng thẳng về chương trình hạt nhân, cũng như cuộc chiến Iraq, chưa thể ngã ngũ.

Bên cạnh mặt chính trị, bộ phim còn bị cho là đã công kích lịch sử của người Ba Tư, gồm cả việc chỉ trích hệ thống cai trị Hồi giáo. Đài truyền hình quốc gia Iran trong mấy ngày qua cho chiếu liên tục những đoạn phân tích cho thấy bộ phim đáng bị phỉ báng và mời nhiều nhà làm phim Iran chỉ ra những điểm sai lệch lịch sử trong bộ phim.

Hamshahri – tờ báo có lượng phát hành lớn nhất ở Iran – cho rằng 300 “phục vụ cho chính sách của chính quyền Bush” đồng thời dự báo “bộ phim-tâm-lý-chiến sẽ dấy lên làn sóng ủng hộ của cộng đồng thế giới” và rằng “người Iran sống tại Mỹ và châu Âu không thể làm ngơ trước sự bôi nhọ quá rõ này”.

A.NGUYỆN tổng hợp

Ảnh: Các kỵ sĩ Ba Tư trong phim 300 của hãng Warner Bros

http://www.tuoitre.com.vn/tianyon/Index.aspx?ArticleID=191192&ChannelID=57


Posted

in

by

Comments

2 responses to ““Bom tấn” 300: phim hay chính trị?”

  1. zazu Avatar
    zazu

    nhiều lúc không biết nên khóc hay nên cười, phim nào ra trùng thời điểm nhạy cảm cũng đều trở thành công cụ phục vụ cho chính quyền gì gì đó mà thực ra lúc thực hiện người làm phim thì có nghĩ gì đâu 😀

  2. younggun1894 Avatar
    younggun1894

    Hix, đã là phóng tác, hư cấu, tưởng tượng tèm lem thì còn bấu víu lấy lịch sử ra nói làm chi vậy, đúng là ghét em thì ghét cả tông ti nhà em 😀

Leave a Reply