Bùi Đình Hạc vẫn lạc quan sau thất bại ở LHP châu Á – TBD

Sau những lần liên tiếp gặt giải tại các LHP này, lần này điện ảnh Việt Nam ra về tay trắng. Thế nhưng đạo diễn, NSND Bùi Đình Hạc, vẫn tin tưởng vào chất lượng nghệ thuật của “Hà Nội 12 ngày đêm” và lạc quan về tương lai của điện ảnh Việt Nam.

– Là phim docu – fiction, được đầu tư tới 7 tỷ đồng, làm trong 7 năm với một ê-kíp chuyên nghiệp, “Hà Nội 12 ngày đêm” được minh chứng chất lượng vàng bằng giải thưởng Hội Điện ảnh Việt Nam, thế mà lại về trắng tay tại liên hoan châu Á – Thái Bình Dương. Cảm nghĩ của ông thế nào?

– Hà Nội 12 ngày đêm được ban giám khảo đề cử giải “dựng phim tốt nhất”. Song đến phút cuối, giải lại thuộc về một phim của Tokyo (Nhật). Việc xét giải phụ thuộc Ban giám khảo. Họ có 7 thành viên với 5 quốc tịch: Malaysia, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Iran. Và không có giám khảo Việt Nam. Có lẽ vì thế mà phim của Iran giành tới 6 giải (chiếm tỷ lệ lớn nhất), Nhật Bản (giành 3 giải), trong khi đó, những nước không có thành viên giám khảo thì không được giải gì. Còn nữa, ngay trong chương trình của LHP châu Á – Thái Bình Dương, tên các thành viên trong đoàn phim Việt Nam cũng bị ghi sai, như tên người dựng phim đáng ra là cô Nga lại bị ghi là Mochiko Eigeda (Hà Nội), Hà Nội 12 ngày đêm thì bị dịch là Hanoi days and nights (Hà Nội ngày và đêm) và cả tên tôi, đạo diễn cũng bị viết sai nốt.

– Có ý kiến cho rằng tất cả các phim đi liên hoan đều bắt nguồn từ mối quan hệ cá nhân của đạo diễn. Vậy, trường hợp “Hà Nội 12 ngày đêm” thì thế nào?

– Cả 4 liên hoan trên, tôi đều không hề có mối quan hệ cá nhân nào. Tôi xem thông tin phát trên Internet rồi gửi băng video, gửi fax liên hệ với ban tổ chức. Và, họ đã chào đón rất nồng nhiệt, tới tấp gửi giấy mời, fax văn bản sang Việt Nam giục Cục Điện ảnh gửi phim.

Điều đáng mừng là không có bất kỳ mối quan hệ cá nhân nào nhưng tại liên hoan Cairo lần thứ 27, Hà Nội 12 ngày đêm vẫn được Ban tổ chức xếp vào danh sách những phim “prestigious” (danh giá) nhất. Trong buổi chiếu hôm 16/10, phim của tôi được xếp xen kẽ với Cánh diều bay (phim hợp tác của Pháp và Lebanon, được giải Sư tử Bạc ở Vernise 2003) và Sự can thiệp của chúa Trời (phim hợp tác của Pháp và Palestine, giành giải đặc biệt của Ban giám khảo liên hoan phim Cannes 2002).

– Luc Dardenne, đạo diễn giành giải Cọ vàng tại liên hoan Cannes 2001, từng nhận xét: “Phim Việt Nam rất dễ rập khuôn và có xu hướng ẩn mình trong những tình huống kịch”. Ông nghĩ thế nào về nhận xét này?

– Đúng là phần đông phim Việt Nam đều vậy. Riêng với Hà Nội 12 ngày đêm thì khác. Quan niệm của tôi là cái sau phải mới hơn cái trước. Cấu trúc của Hà Nội 12 ngày đêm là cấu trúc đa tuyến. Phim được ông George Azzat, thành viên ban tổ chức liên hoan phim Cairo, nhận xét là có lối làm phim hiện đại, là một bộ phim về chiến tranh nhưng lại rất tình cảm. Và, chính sự đối lập này đã làm nên chất lượng của phim.

– Đã bao giờ ông nghĩ tới việc rao bán “Hà Nội 12 ngày đêm” ở các chợ phim, các liên hoan phim?

– Có nhiều cách bán phim: bán đứt bản quyền để chiếu ở rạp; bán in sang băng video; bán để phát trên truyền hình. Muốn làm tốt việc bán phim thì phải có người rao bán tốt. Thế nhưng thực tế việc tiếp thị ở Việt Nam lại rất kém.

Mặt khác, muốn bán được thì phim mình chất lượng phải tốt, kỹ thuật in tráng phải hiện đại. Khi quay xong Hà Nội 12 ngày đêm, tôi mang sang Trung tâm kỹ thuật điện ảnh Việt Nam nhờ in tráng. Họ thành thực thú nhận là không đủ khả năng và trang thiết bị. Mà chỉ cần một vết xước thôi là người ta không muốn mua phim nữa. Thế là tôi phải đem Hà Nội 12 ngày đêm sang Trung Quốc làm âm thanh vòng. Lúc đến phòng in tráng, phía bạn đề nghị tôi buộc nilon vào chân chứ không được đi giày vì sợ bụi, ảnh hưởng đến máy móc của họ (chứ không được đi ra đi vào phòng tráng một cách thoải mái như ở Việt Nam).

theo Vnexpress


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply