Các loại kịch bản Điện Ảnh (IV)

PHIM PHI HIỆN THỰC

Khi viết kịch bản cho thể loại này , tác giả không băn khoăn lắm về thực tế trong cuộc sống , tha hồ mà tưởng tượng , có thể nghĩ ra mọi chuyện lạ lùng từ nội dung lẫn hình thức .

PHIM KINH DỊ

Phim loại này thường có tính siêu nhiên , liên quan tới tín ngưỡng hay mê tín .

Ví dụ rõ nhất :

Phim “ Dracula “ của Tod Browning , là một phim kinh dị dựa trên sự mê tín có nguồn gốc ở Transylvanie , mà cho đến nay vẫn còn có những người tin là chuyện ma cà rồng hút máu người là có thật .

Truyện phim tóm tắt như sau :Một tên quý tộc từ trung Âu đến nước Anh quyến rũ được một cô gái , đưa đi theo mình . Người yêu của cô gái truy lùng hắn và những bạn của hắn cũng là dân hút máu . Hắn bỏ trốn , sau khi đã truyền cái dịch hút máu cho nhiều người khác . Phim này được thực hiện năm 1931 đã gây ấn tượng mạnh và từ đó đến nay các nhà sản suất điện ảnh Âu – Mỹ đã cho ra đời hàng loạt vài chục bộ phim khác về nhân vật “ Dracula “ , con quỷ hút máu người trong bộ mặt ma quái với đôi nanh dài ghê rợn.

Trường hợp đáng chú ý khác : một phim rất nổi tiếng trong vài thập niên trước là “ Quỷ ám “ ( The Exorcist ) , do đạo diễn William Friedkin thực hiện năm 1973 , được giải Oscar cho kịch bản và âm thanh xuất sắc .

Sơ lược truyện phim như sau :

Chris Mc Neil là diễn viên ở ngành truyền hình , rất lo lắng về con gái Regan 12 tuổi , mắc những triệu chứng rối loạn về tính cách , nhiều lúc trở nên rất thô bỉ . Dần dần , Regan biến thành quái vật , bị tác động bởi những hiện tượng đáng sợ . Cha mẹ cô bé cầu nguyện hết lời . Hai ông cha đạo Karras và Merrin luôn phiên nhau tới trừ tà cho cô bé .

Đạo diễn đã thành công trong việc sắp xếp hiệu quả mạnh dần trong sự kinh hoàng .

Nhất là công tác hóa trang cho bộ mặt rùng rợn của cô bé ( Linda Blain đóng ) chính là cái đinh của bộ phim . Hỗ trợ cho những hình ảnh quái đản , âm thanh của phim đã làm tăng thêm phần kinh dị .

PHIM HƯ ẢO , PHIM KHOA HỌC ẢO TƯỞNG

Loại phim này , dù không có tính hiện thực , nhưng vẫn có thể đề cập thực tế cuộc sống , chỉ có điều là cách giải quyết vấn đề trong phim là ảo tưởng , là niềm hy vọng hoặc nỗi lo âu của tác giả muốn truyền đến người xem phim cùng chia sẻ với mình .

Cũng có rất nhiều phim được làm ra chỉ nhằm mục đích giải trí khán giả .

Ví dụ :

Phim “Vật thể thế giới lạ “ ( The Thing ) , do đạo diễn Christian Nyby thực hiện năm 1951 . Tóm tắt truyện phim : Có một chiếc dĩa bay , bay ngang , đâm vào Bắc cực . Các lực lượng vũ trụ khu vực của Mỹ truy đuổi .

Ví dụ khác :

Phim “ Xâm lược từ vũ trụ” ( Invasion of the body snatchers ) , thực hiện năm 1956 với đạo diễn Don Siegel , kể chuyện :

Có những kẻ xâm lăng từ sao Hỏa , mang hình hài con người trên trái đất , gây ra hàng loạt sự kiện lạ đời trong một thành phố nhỏ ở bang California .

Ví dụ khác nữa :

Phim “Chiến tranh giữa các vì sao “ ( Star wars ) của George Lucas thực hiện năm1977 , kể chuyện như sau :

Một vị quốc vương chuyên chế gieo rắc kinh hoàng trong cả thiên hạ , với thứ vũ khí tuyệt đối có tên là “ ngôi sao thần chết.” . Một nhóm người chống đối , do công chúa Leia cầm đầu , cướp đoạt bản thiết kế vũ khí nguy hiểm ấy . Nhưng vị tổng chỉ huy lực lượng vũ trang hoàng gia lại bắt sống được công chúa Leia . Nhờ có hai robot tới báo động cho hiệp sĩ Kenobi của giòng họ Jedi , và nhờ có chàng trai dũng cảm Luke và anh tướng cướp dễ mến Solo gia nhập vào lực lượng chống đối , mọi người tập trung sức lực để tiêu diệt vũ khí “ ngôi sao thần chết “.

Vai trò mới lạ của những phương tiện và chất lượng đầy ấn tượng của những kỹ xảo đặc biệt , khiến cho phim “ Chiến tranh giữa các vì sao “ của George Lucas đã ghi đậm dấu ấn vào lịch sử phim khoa học ảo tưởng . Phim này còn là một trong những thành công quan trọng nhất về thương mại trong lịch sử điện ảnh thế giới .

Với thể loại những phim phi hiện thực , phim kinh dị và phim hư ảo , các tác giả muốn đem hình thức mới lạ đến cho khán giả , tạo nên sự hấp dẫn bằng cách khai thác đến tận cùng sự hồi hộp và lo âu .

Tuy nhiên , dù sao đi nữa , bao giờ nội dung phim cũng vẫn quan trọng , nó phải nâng cao được thẩm mỹ điện ảnh của khán giả , nếu không thì phim làm ra không có tác dụng đáng kể.

PHIM TÀI LIỆU

Thể loại phim này thường được thực hiện dưới hình thức phim ngắn , để mô tả những nhân vật điển hình , những sự kiện đặc biệt trong đời sống hàng ngày , thời nay hoặc thời quá khứ . Phim ít tốn kém , vì không cần sự có mặt các diễn viên ngôi sao , không phải bài trí phức tạp , chỉ cần đến trí tuệ và sự nhạy cảm của tác giả .

Các đạo diễn trẻ thường thử sức trong thể loại phim này để chứng minh khả năng của mình , với tác phẩm đầu tay để bước vào nghề .

Trái với ý nghĩ của nhiều người , phim tài liệu không đơn giản , mà chính là loại khó làm nhất , vì là loại phim mũi nhọn đi thẳng vào cuộc sống muôn hình muôn vẻ . Người làm phim phải có cái nhìn khách quan , ý tưởng sâu sắc , biết cách thể hiện tác phẩm một cách độc đáo , gây ấn tượng cho người xem . Phim càng súc tích , mà nội dung nói lên được điều có ý nghĩa , phim càng hay .

Đó là trường hợp những phim đặc sắc trong mấy năm gần đây của Việt Nam đã từng đoạt những giải thưởng lớn trong nước và ở nước ngoài : “Trở lại Ngư Thủy”, “Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai “, “Chị Năm Khùng “,”Nơi chiến tranh đã đi qua “,”Chốn quê” của các đạo diễn Lê Mạnh Thích ,Trần Văn Thủy , Lại Văn Sinh , Vũ Lệ Mỹ , Nguyễn Sỹ Chung .

PHIM TRUYỀN HÌNH

Hiện nay , phim tài liệu truyền hình đang chiếm một vị trí đặc biệt giữa trào lưu phát triển của thông tin đại chúng , trở nên một thành phần quan trọng trong chương trình phát sóng của các đài truyền hình . Phim truyền hình vẫn sử dụng ngôn ngữ và thủ pháp của điện ảnh , nhưng mang thêm tính cách tân văn , cặp nhật , nên có khả năng tác động mạnh vào cảm xúc , sự nhạy cảm của khán giả.

Riêng về phim truyện truyền hình , có người muốn phân biệt : điện ảnh là điện ảnh , truyền hình là truyền hình . Tất nhiên là giữa hai ngành có mặt khác nhau : điện ảnh nhằm mục đích sản xuất những tác phẩm hoàn chỉnh có giá trị nghệ thuật , còn truyền hình thì nhằm mục tiêu chính là thông tin và giải trí . Nhưng hai ngành nhất định phải gặp nhau ở chức năng giáo dục , nâng cao dân trí .

Không kể những chuyên mục thông thường hoặc đặc biệt của truyền hình như : tin tức , thời sự , tài liệu , phỏng vấn , văn nghệ , ca múa nhạc , kịch , cải lương , vân … vân …, mỗi khi có phim phát sóng trên màn ảnh nhỏ thì đó phải là phim , không thể lẫn lộn với chuyên mục khác được . Và hễ nói là phim , thì không thể phủ nhận hoặc từ bỏ ngôn ngữ điện ảnh , một thứ ngôn ngữ tuyệt vời của nghệ thuật thứ bảy , đã tích lũy kinh nghiệm qua hàng trăm năm mới có được như ngày nay .

Trong thực tế , khán giả không cần phân biệt phim nhựa và phim truyền hình khác nhau như thế nào , họ chỉ biết rằng khi ngồi trước màn ảnh , dù màn ảnh lớn hay màn ảnh nhỏ , thì họ vẫn đang xem phim và có quyền đòi hỏi được thưởng thức phim hay . Chúng ta không nên đánh giá thấp trình độ thẩm mỹ của khán giả , họ rất nhạy cảm và tinh tế trong việc lựa chọn món ăn tinh thần cho mình và những người thân . Khán giả hôm nay không còn là những người dễ tính xem gì cũng được , trái lại họ rất biết thưởng thức và xem phim có trách nhiệm , sẵn sàng có thái độ khi nào thấy cần .

Bởi thế , dù là phim truyền hình phải được thực hiện nhanh và ít tiền hơn phim nhựa , tập thể làm phim vẫn nên cố gắng hoàn thành những phim chững chạc . Rất khó làm được điều này , nếu tình trạng hiện nay vẫn không thay đổi : tổng dự toán dành cho phim truyện truyền hình quá thấp , thời gian quay một tập phim thường chỉ rút gọn trong một tuần lễ , thậm chí chỉ trong vài ba ngày.

Nhưng không phải vì thế mà đạo diễn và tập thể làm phim có quyền làm việc một cách đại khái , cho ra đời những sản phẩm non yếu . Những người thực hiện phim bao giờ cũng có trách nhiệm đối với công chúng , không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh . Hoặc là từ chối không làm , hoặc là phải vượt khó để làm cho tốt .

Nhân đây , cũng nên nói về phim truyện nhiều tập .

Sự bùng nổ của loại phim này hiện nay gần như là một trào lưu thời thượng , bởi vì nó gom được nhiều bối cảnh và diễn viên cùng một lúc , hạ được giá thành cho mỗi tập phim , cuối cùng hãng phim lại có thể dùng ưu thế của nó để thu nhiều tiền quảng cáo của các công ty lớn . Nhưng trong loại phim nhiều tập , chúng ta ít khi gặp được tác phẩm hoàn chỉnh . Phim thường dài dòng lê thê , đây đó đầy những hạt sạn , dễ gây khó chịu cho người xem . Về giá trị nghệ thuật , trong thời gian gần đây khó tìm ra bộ phim truyền hình nhiều tập nào vượt qua được các phim một tập khá hay như :“ Mẹ chồng tôi “, “Bến đợi “, “Cầu thang tối “. Tiếng vang của những phim ấy nhắc chúng ta không nên phân biệt hai đẳng cấp khác nhau : phim truyện nhựa và phim truyền hình , đừng quan niệm không đúng rằng chỉ có phim nhựa mới đạt được chất lượng nghệ thuật , từ đó coi thường phim truyền hình .

Phim truyện truyền hình nhiều tập của chúng ta nếu muốn được khởi sắc , ít ra cũng ngang tầm với phim Hàn Quốc , một đất nước không cao hơn ta về trình độ văn hóa hiện nay , thì các nhà làm phim phải kỹ lưỡng hơn , làm việc một cách chuyên nghiệp hơn .

Cần phải tránh những hạt sạn lớn trong phim , tránh cốt truyện và những chi tiết giả tạo , những chuyện lặp đi lặp lại , dài dòng lê thê .

Cũng nên nắm chắc nghệ thuật làm phim nhiều tập : cấu trúc cốt truyện phải chặt chẽ , tính trước cho từng tập phim , nội dung mỗi tập phim phải chứa đựng được điều gì để đem lại hứng thú cho người xem , chấm dứt một tập ở điểm nào để có thể gây sự tò mò chờ đợi xem tiếp , bắt đầu tập phim sau ở điểm chờ đợi ấy để tiếp tục gây niềm vui cho khán giả được xem cách giải quyết , rồi bị cuốn hút theo một tình huống mới hứa hẹn nhiều điều thú vị .

Bất cứ trong thể loại phim nào , tác phẩm chỉ đứng vững khi nào được công chúng đón nhận một cách nồng nhiệt . Muốn được như thế, tác phẩm phải đặc sắc , độc đáo , mới lạ , hấp dẫn , đáp ứng được mẫu số chung sở thích của mọi người.

Nguyen Kinh Luan


Posted

in

by

Comments

One response to “Các loại kịch bản Điện Ảnh (IV)”

  1. gomun08 Avatar
    gomun08

    BAi viet that hay.

Leave a Reply