Các loại kịch bản Điện Ảnh ( phần II )

….tiếp theo và hết….

KỊCH BẢN CẢI BIÊN

Có hai cách cải biên : trung thành hoặc tự do .

1 – Cải biên sát theo nguyên bản :

Trường hợp này thường được gọi là “chuyển thể” .

Người viết cố tình bám theo đường dây câu chuyện, tôn trọng chiều sâu, thậm chí cả hình thức của tác phẩm gốc . Lề lối này thường được áp dụng đối với những tác phẩm gốc đã nổi tiếng .

2 – Cải biên tự do :

Người viết chọn trong tác phẩm gốc những gì thích hợp theo ý riêng của mình, hoặc theo ý muốn của nhà sản xuất . Có thể nói phần lớn kịch bản cải biên ở Hollywood là thuộc loại này .

Dù cải biên theo cách nào, trước hết bạn hãy bắt đầu đọc tác phẩm gốc để thẩm định hiệu quả tổng quát . Trong giai đoạn này, bạn chưa cần ghi chép gì cả, mà cứ đọc như một độc giả bình thường .

Đọc xong, bạn tự hỏi xem tác phẩm đã gây cho bạn ấn tượng gì, cái gì đập mạnh vào bạn nhất, để bạn có thể tập trung khai thác nó .

Lần đọc thứ hai, và có thể một vài lần nữa, sẽ là cách đọc phân tích và chọn lọc . Bạn chọn giữ lại những đoạn nào bạn thấy có thể dùng được và lược bỏ đi những đoạn thừa thải . Trong những đoạn giữ được, nếu thấy quá dài dòng, bạn có thể ghi lại tóm tắt .

Xong, bạn lại suy nghĩ xem có cái gì cần đắp thêm vào cho truyện có mạch lạc và vững chắc . Nếu bạn thấy kết cấu truyện chưa đứng được, bạn có thể thử một lối khác, thậm chí có thể lật lại hoàn toàn tình huống để đạt mục đích cuối cùng : một kịch bản hay .

Thay đổi gì khi cải biên ?

Tùy theo trường hợp, người viết kịch bản điện ảnh có thể thay đổi từng phần trong tác phẩm gốc :

1 – Thay đổi thời gian :

Có thể chuyển thời gian của cốt truyện từ thời xưa qua thời nay cho dễ thực hiện hơn, hoặc tạo nên tác động tâm lý mạnh hơn, nếu nội dung cho phép .

2 – Thay đổi địa điểm :

Nếu thấy địa điểm mới thích hợp, hoặc gây nhiều thú vị hơn về phương diện thẩm mỹ hay về tiến triển kịch tình .

3 – Thay đổi về nhân vật :

Việc này thường xảy ra, vì tiểu thuyết hoặc truyện dài không bị hạn chế về số lượng nhân vật, nhưng trong truyện phim không nên có quá nhiều vai, do thời lượng hạn hẹp không cho phép đi sâu vào sự có mặt của từng người . Ngoài ra, tính cách của các nhân vật cũng có thể thay đổi ít nhiều để thích ứng với đường dây và không khí chung của kịch bản được tái tạo, miễn là không phản lại chủ đề tư tưởng của tác phẩm gốc .

4 – Thêm hoặc bớt một số đoạn trong tác phẩm gốc :

Nếu có những đoạn đối thoại quá dài phải cắt bớt hoặc thêm đoạn để chuyển qua hình ảnh, hoặc cần phải bổ sung cho rõ tình tiết, người viết kịch bản có thể bớt hoặc thêm đoạn .

5 – Thay đổi đoạn kết :

Để tạo ấn tượng sâu đậm khi chấm dứt truyện phim, đoạn kết rất quan trọng . Đôi khi đoạn kết trong tác phẩm quá bằng phẵng , người viết kịch bản phải chuyển đổi thành những hình ảnh mạnh mẽ, đầy ý nghĩa .

Nên cải biên loại tác phẩm văn học nào ?

Thông thường, các nhà biên kịch tự chọn tác phẩm mà họ muốn cải biên, rồi họ tiếp xúc nhà sản xuất phim, để trình cả nguyên bản, hoặc bản tóm tắt kèm theo dự án cải biên ( được gọi là “đề cương“ ) .

Cũng thường xảy ra trường hợp chính nhà sản xuất phim chọn tác phẩm gốc, yêu cầu biên kịch cải biên theo ý mình . Nếu nhà biên kịch và nhà sản xuất phim muốn tạo nên tác phẩm có giá trị nghệ thuật, thì họ rất thận trọng, chỉ chọn cải biên những truyện đã nổi tiếng hoặc có ý nghĩa sâu sắc . Trái lại, nếu họ coi mục tiêu tài chính là quan trọng, thì sẽ chọn cải biên truyện gốc dù rất tầm thường nhưng có thể thu hút nhiều khán giả, và nếu truyện ấy có thể kéo dài ra được nhiều tập phim càng tốt .

Lê Dân


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply