Cám dỗ cuối cùng của Da Vinci

Nếu hai ngàn năm Thiên chúa giáo ở phương Tây làm lũng đoạn lịch sử văn minh Châu Âu (và cả Châu Mỹ) bao nhiêu thì những tác phẩm nghệ thuật có đề tài này lại càng lũng đoạn thị trường tin giật gân bấy nhiêu bởi những phản ứng mạnh mẽ của các cấp có thẩm quyền và người xem. Gần đây đã có hàng loạt bộ phim đưa ra cái nhìn hoàn toàn không chuyên chính về lịch sử Kinh thánh và Giáo hội, xin đơn cử ba bộ phim trong hai thập kỉ gần đây nhất đã mồi lửa cho hàng loạt các đợt sóng chỉ trích, phản đối gay gắt từ nhiều phía.

Cám dỗ cuối cùng của Chúa ([film]The Last Temptation of Christ[/film]) là một tiểu thuyết của nhà văn người Hi Lạp Nikos Kazantzakis, xuất bản năm 1951, được đạo diễn lừng danh [cast]Martin Scorsese[/cast] dựng thành phim vào năm 1988. Truyện phim kể về cuộc đời trần thế của Chúa Jesus qua chính lời kể của Ngài, những mâu thuẫn, giằng xé, đấu tranh xảy ra bên trong con người thánh này. Khác với bốn bộ Kinh Thánh Phúc Âm tường thuật một cách khách quan biến cố và mầu nhiệm cứu độ, tác phẩm hư cấu này tái tạo Jesus như một con người bằng xương bằng thịt, không hề bị miễn nhiễm đối với những hỉ nộ ái ố của thế giới này. Jesus mong muốn một đời sống bình thường, êm ấm bên người thương là Mary Magdalene, nhưng Ngài vẫn canh cánh bên lòng sứ mệnh một Đấng cứu thế là chết trên thập giá để thực hiện công trình cứu độ của Chúa Cha trên trời. Quỷ Satan bèn thử thách Ngài bằng cách cho Ngài một giấc mơ trước giờ chịu tử nạn, thuyết phục Ngài tin rằng mình không phải là Đấng cứu thế, rằng mình không phải chịu chết trên thập giá mà sống an vui hạnh phúc với Mary Magdalene như một người thợ mộc Do Thái bình thường. Như vậy, khác với Kinh Thánh, có một sự phân biệt rõ ràng giữa ý muốn của Jesus và thiên ý của cha Ngài, nhưng cuối cùng trách nhiệm và tình thương đối với nhân loại của Ngài đã chiến thắng ý muốn cá nhân. Jesus tỉnh giấc và vẫn quyết định đi đến chỗ hành hình. Mặc dù đã kĩ càng về mặt “nhận thức luận” như thế, cả truyện và phim đều vấp phải những lời chỉ trích gay gắt từ phía các nhóm Thiên Chúa giáo chính thống và cực đoan. Ngày 22.10.1988 tại buổi công chiếu của Cám dỗ cuối cùng, một nhóm đạo Công giáo quá khích người Pháp đã phản đối bằng bom xăng và các thuốc nổ tự tạo khác bên trong rạp Saint Michel ở Paris. Những hành động như thế cũng chỉ nhằm thể hiện sự phản cảm đối với hình ảnh Jesus trong phim, cụ thể là đoạn gần cuối, trong giấc mơ, khi Jesus đã thành vợ thành chồng với Mary Magdalene thì có một đoạn hơi “đi vào chi tiết” và làm các nhà truyền đạo chính chuyên phải chau mày. Nhìn rộng hơn, cách thể hiện một nhân vật tôn giáo qua lăng kính tự sự huyễn hoặc như thế thường bị kết án là làm ảnh hưởng đến đức tin và giáo lý của một tín đồ bình thường. Do vậy, Cám dỗ cuối cùng, mặc dù là một phim hay và có giá trị nghệ thuật lẫn nhân bản cao, vẫn thường bị xuyên tạc là một bài báo lá cải rẻ tiền chỉ chắm chú “tám” chuyện hậu trường của bốn cuốn Phúc Âm.

Chặng đường thánh giá của Chúa ([film]The Passion of the Christ[/film], 2004) là một phim gần đây hơn, của đạo diễn/diễn viên đoạt giải Oscar là [cast]Mel Gibson[/cast], cũng khuấy động toà thánh Vatican không kém tiền bối Cám dỗ. Nhưng là một kiểu phạm thánh mang tính chính trị nhiều hơn. Không dám đem toàn bộ đời tư của Jesus ra tán gẫu, [cast]Mel Gibson[/cast] kể một câu chuyện về 12 giờ đồng hồ ngay trước giờ Jesus chịu chết, trong Phúc Âm gọi là Mười hai chặng đường thánh giá, phim thoại hoàn toàn bằng tiếng Aramaic, Latin, và Hebrew, với phụ đề tiếng Anh. Kịch bản phim dựa phần lớn vào bốn cuốn Phúc Âm của bốn Tông đồ và những tĩnh tâm suy gẫm của thánh nữ Anne Catherine Emmerich về mầu nhiệm thánh giá. Đây là một tư liệu mang tính chủ quan cao, hình dung những người Do Thái còn thủ đoạn và khát máu hơn cả những lính La Mã thời bấy giờ. (Do Thái lúc đó bị cai trị bởi La Mã, Jesus bị cả các lãnh đạo tôn giáo người Do Thái và chính quyền La Mã quy kết là phản động và báng bổ khi Jesus tự xưng là Đấng cứu thế. Ngài bị La Mã kết án, với sự ủng hộ của Do Thái.) Phim lại có quá nhiều chi tiết máu me man rợ về những nhục hình Jesus phải chịu đựng: diễn viên chính phải thức dậy lúc hai giờ sáng để chịu hàng giờ liền hoá trang sao cho da thịt có vẻ như bị bầm dập, móc rách tả tơi vì đánh đòn và đóng đinh vào thập giá. Vì vấn đề này mà Chặng đường thánh giá bị dán nhãn R, cấm tất cả các trẻ em dưới 17 tuổi đến rạp. Lần này các vị quan chức toà thánh lại lo ngại về thông điệp có thể cho là bài Do Thái của phim khi đối lập Jesus với những kẻ kết tội Ngài một cách sâu sắc như thế. Câu thoại được coi là “gây hấn” nhất là “Máu của Ngài sẽ giáng xuống chúng ta và con cháu chúng ta!”, vì lịch sử cho rằng câu này là một lời nguyền dành cho dân Do Thái, vẫn còn lao đao đến giờ sau bao biến cố mất đất về tay Palestine rồi Đức quốc xã rồi tranh chấp dải Gaza… Câu này đã được yêu cầu cắt ra, nhưng rồi thì nó vẫn nằm trong bản duyệt cuối cùng, chỉ mất phụ đề tiếng Anh. Ôi thôi là các vấn đề giáo lý lớn nhỏ khác đều được đặt ra, nào là sai lịch sử, sai Phúc Âm, cường điệu hoá bạo lực… vì một bộ phim thế này thường không hề được nhìn nhận như một tác phẩm nghệ thuật tự thân nó, mà còn chứa chan các xác tín quan trọng khác của tôn giáo Thiên chúa đến cho quảng đại quần chúng, tin hay không tin vào Jesus. Trong khi các cộng đoàn tôn giáo lũ lượt đặt vé tập thể cho giáo xứ mình đi xem, một số giáo đoàn khác lại lo ngại vấn đề chuyên chính, rồi vấn đề phù hợp, như chuyện chọn [cast]Monica Belluci[/cast], quả bom sex người Ý, vào vai cô điếm ăn năn Mary Magdalene chẳng hạn. Những kẻ nanh nọc ngoại đạo, không tranh cãi những vấn đề thần học hay ý nghĩa chính trị, mà xoay sang cười cợt những ai đấu tranh đòi gỡ nhãn giới hạn tuổi để phổ quát bộ phim “mang tính tuyên truyền cao” này đến mọi người, trong khi lại bĩu môi nhăn mặt với những phim nhãn R vì vấn đề tình dục hay bạo lực khác.

Đến lượt Mật mã Da Vinci ([film]The Da Vinci Code[/film]) thì Giáo hội đã gần như kiệt sức khi phim này ồn ào tuyên bố sản xuất năm 2005 và công chiếu tháng 5, 2006. Lần này, nghe đâu các vị chỉ chê tóc tai của Tom Hanks xấu quá, chứ hoàn toàn miễn bình luận về những vụ lật lại lịch sử đầy tai tiếng của bộ phim dựa trên tác phẩm bestseller của Dan Brown, bởi vì cũng không biết phải bắt bẻ vặn vẹo chỗ nào khi từng đoạn văn từng câu thoại đều lý giải Kinh Thánh và tái tạo lại lịch sử một cách trắng trợn theo một cốt truyện làm sửng sốt thế giới. Mật mã Da Vinci thuộc về một dòng văn học gọi là thuyết âm mưu, với nội dung rõ ràng là kể lại lịch sử bằng những khám phá “trời ơi đất hỡi”, có hoặc không có chứng cứ, tư liệu lịch sử rõ ràng. Hai mươi năm về trước, một cuốn sách tên là Holy Blood, Holy Grail (Máu thánh, chén thánh) của hai tác giả người Anh đã tuyên bố rằng sách mình thuộc thể loại “lịch sử” chứ không nằm trong mục “tiểu thuyết”, hàm ý những luận cứ của sách đều dựa trên sự thật lịch sử. Sách kể rằng Mary Magdalene thật ra không phải là một “người đàn bà hoang đàng lầm lạc nay trở về đường ngay lối thẳng”, mà là một phụ nữ con nhà quý tộc, cũng thuộc dòng dõi vua David như Jesus, hoàn toàn trong sáng, độc lập và giàu có, chuyên làm việc nghĩa hiệp, rằng nàng và Jesus yêu nhau, rằng hai người có con với nhau và chén thánh đựng máu thánh trong bữa tiệc ly trước giờ tử nạn thật ra chả có chén chậu gì mà chính là ám chỉ Mary Magdalene, người đang mang thai lúc bấy giờ, là chén thánh chứa dòng máu của Jesus, rằng hai ngàn năm Thiên chúa giáo đã đàn áp và biến đổi sự thật nhằm phục vụ các mưu đồ chính trị. Dựa trên “sự thật lịch sử” này, Mật mã Da Vinci còn tiến xa hơn thế trong dòng văn thuyết âm mưu, thoát được một vụ kiện bản quyền ầm ĩ mới gần đây nhờ tuyên bố “tôi chỉ sử dụng tư liệu lịch sử rồi hư cấu thêm chứ không hề đạo văn của hai nhà lịch sử ấy.” Mà rõ ràng, đã nhận là “tư liệu lịch sử” để cho Máu thánh, chén thánh có thêm thẩm quyền và uy tín thì việc bị “trích dẫn” nguyên xi một số luận chứng trong tác phẩm hư cấu Mật mã Da Vinci là hoàn toàn hợp pháp. Hiện tại trong phim, vốn là một giản lược sinh động bằng hình ảnh của sách Mật mã Da Vinci, đã thấy lôi kéo cả danh hoạ thời Phục Hưng người Ý Leonardo Da Vinci, nhà bác học Thomas Edison, viện trưởng của bảo tàng Louvre, Paris vào một hội gọi là các lãnh tụ của Priory of Sion, một hội kín theo tôn giáo phồn thực và bảo lưu các bí mật đen tối của Hội thánh Công giáo qua nhiều ngàn năm, im hơi lặng tiếng chỉ vì bị khủng bố hoặc bị buộc phải ký kết thoả hiệp để có thể sống còn. Phim thể hiện một tổ chức trong Giáo hội là Opus Dei một cách rất tiêu cực, cuồng tín, chỉ chuyên lo đi “tìm và diệt” những người thuộc phe Priory of Sion. Sách còn có hàng loạt các mật mã phức tạp và những phân tích tranh tượng “thần sầu quỷ khốc” khác mà vì tính phức tạp của nó, người làm phim không tiện đưa hết vào với thời lượng hai tiếng đồng hồ trong rạp tối. Nhưng phim, dù cho có quá tỉnh lược và sơ sài về mặt cấu trúc so với sự tinh tế của truyện, thì vẫn ăn chắc phần kỉ lục doanh thu bởi các diễn viên quá nổi tiếng, với [cast]Tom Hanks[/cast] ([film]Forest Gump[/film], [film]Apollo 13[/film]) trong vai nhà biểu tượng học Robert Langdon, [cast]Audrey Tautou[/cast] (Cô nàng Amélie, Cuộc đính hôn rất dài) trong vai Sophie Neuveu, cháu gái viện trưởng bảo tàng Louvre, cả hai đều bị nghi ngờ là dính đến cái chết của viện trưởng và được giao nhiệm vụ đi tìm chén thánh… và hàng loạt những tên tuổi khác của điện ảnh Pháp, Anh và Mỹ. Hơn nữa, phần “hậu cần” đã có đạo diễn đoạt giải Oscar [cast]Ron Howard[/cast] (Trí tuệ cao đẹp) và biên kịch nổi tiếng [cast]Akiva Goldsman[/cast] (Trí tuệ cao đẹp, Thân chủ) đảm bảo chất lượng cho một tác phẩm bán chạy nhất thế giới được chuyển thể suông sẻ thành phim cho hàng triệu triệu người nữa biết đến.

Dù gì, phim vẫn là phương tiện truyền thông hiệu quả nhất hiện nay, phim Hollywood lại càng quyền biến, nên những đề tài nhạy cảm về tôn giáo này trên sách đã gây bao sóng gió thì lên phim càng được khuếch đại lên rất rất nhiều lần. Kể ra tạo được cho phim mình một mớ tranh luận xuôi ngược như ba phim trên thì cũng thu vào một mớ tiền, chưa kể còn được thêm tiếng “làm giàu các đối thoại nhiều chiều về các chủ đề cấm”. Đằng nào thì Hollywood vẫn thắng lớn, cũng đáng động viên khích lệ cho các “phim cấm” sau này quá đi chứ!

-Nguyễn Lê


Posted

in

by

Comments

11 responses to “Cám dỗ cuối cùng của Da Vinci”

  1. Mr_Keni Avatar
    Mr_Keni

    Rất tuyệt , phải nói là bạn có 1 sự hiểu biết rất lớn và cũng chăm chỉ theo dõi phim 😀

  2. traitai76 Avatar
    traitai76

    Tôi thiết nghĩ chắc bạn Nguyễn Lê theo dạo Công Giạo. Nhung dieu do qua that khong quan trọng, quan trong toi thay ban có vai y kien binh luan khá sâu sac ve nhung bo phim noi tren(Toi da xem ca 3 bo phim do), dó qua that la 1 de tai có the kéo dài ca thế ky de tranh cại. No khong chi lien quan den Ton Giao, ma con lien quan den Chinh Tri và triet hoc, tham chí chung con lien quan den ca nhung tien hóa cua vài nen van minh cua nhan loai qua khoang 2000 nam vua qua nua ban a. Theo toi, neu ta cam nhan duoc tính nghe thuat, tính nhân bản, tính giao duc tot cua nhung bo phim dó thi qua cung dáng de trân trong chúng chu phai kỏ! Ví du nhu phan ket cua “The DaVinci Code” qua that có y nghia tot ve mat triet hoc dó chu phai ko cac ban. Khong phai nó co the khoi day niem tin rieng cua moi nguoi vao nhung dieu thieng lieng ma ho có hoac duoc chọn de có dúng khong. Tuy nhien minh dong y voi phan lon nhung gì Nguyen Le da noi. Cam on ban.

  3. _myangel_ Avatar
    _myangel_

    Mật mã Davinci bị chê nhiều hơn là đươc khen đấy nhỉ????

  4. marmiro Avatar
    marmiro

    Nhưng phim, dù cho có quá tỉnh lược và sơ sài về mặt cấu trúc so với sự tinh tế của truyện, thì vẫn ăn chắc phần kỉ lục doanh thu bởi các diễn viên quá nổi tiếng, với Tom Hanks (Forest Gump, Apollo 13) trong vai nhà biểu tượng học Robert Langdon, Audrey Tautou (Cô nàng Amélie, Cuộc đính hôn rất dài) trong vai Sophie Neuveu, cháu gái viện trưởng bảo tàng Louvre, cả hai đều bị nghi ngờ là dính đến cái chết của viện trưởng và được giao nhiệm vụ đi tìm chén thánh… và hàng loạt những tên tuổi khác của điện ảnh Pháp, Anh và Mỹ.

    ————

    Chà, tôi chưa coi film này, nhưng có đọc truyện rồi. Tôi đọc cũng đã khá lâu, từ 2004 thì phải, và theo trí nhớ thì đâu có cái viện bảo tàng Louvre nào đâu ta? Vừa xem thông tin trên Wikipedia, tôi thấy lạ quá, đúng là ở trên đó cũng đề cập đến Louvre, rồi Priory of Sion. Trong truyện mà tôi đọc (mua trực tiếp từ Amazon) thì đó là viện CERN ở Thụy Sĩ và hội Illuminati.

    Haha, tìm một hồi trên Wikipedia thì mới biết là tôi nhớ nhầm, lẫn lộn giữa Angels And Demons với The Da Vinci Code. Mà sao tôi chẳng có kí ức gì với The Da Vinci Code, chắc nay mai phải dành thời gian đọc lại mới được.

  5. banchinhthuc Avatar
    banchinhthuc

    Kham phuc athospk,bac hieu bit rong wa.

  6. athospk Avatar
    athospk

    bài này tôi viết, có đăng trên 1 báo lá cải nào đó ko nhớ tên, dưới bút danh Nguyễn Lê, nếu bạn là người ở lâu trên MB sẽ biết giọng văn của tôi, tôi không post bài người khác bao giờ nên không ghi nguồn là thế.

  7. rain_titan Avatar
    rain_titan

    bài này do người post viết hay lấy tư liệu từ 1 bài báo nào? nếu lấy tư liệu từ đâu thì nên ghi rõ ra.
    Về Mật mã Da vinci nghe nói về nó quá ầm ĩ nhưng đến giờ vẫn chưa đọc được, mình ko bên đạo Thiên chúa nên ko rành lắm về các học thuết hay các diễn biến đạo này nhưng chắc phải kiếm dịp nào đọc cuốn sáchga6y tranh cãi này

  8. never_let_go Avatar
    never_let_go

    mình ghét mấy phim kiểu này lắm…đừng nên xuyên tạc đạo và làm tổn thương đức tin của người khác dù mình ko tin.

  9. zazu Avatar
    zazu

    lâu rồi mới đọc bài viết mới. Đọc đã quá hehe

  10. seudo Avatar
    seudo

    hehe.. khoái cái bài ni.
    “làm giàu các đối thoại nhiều chiều về các chủ đề cấm”, đểu mà đúng đó chớ, không cãi vô cái chổ mô được hết. haha..

  11. mass_killer Avatar
    mass_killer

    Chưa bao giờ mas đọc được 1 bài viết quá đã như vậy.Không biết lần sau mấy ông nhà văn còn nghĩ ra chuyện gì giật gân để câu khách nữa đây?

Leave a Reply