Casino Royale, cả một canh bạc!

Với tổng doanh thu toàn cầu cho tới thời điểm này đã ngấp nghé con số 500 triệu USD, và trở thành bộ phim về 007 ăn khách nhất trong lịch sử, rõ ràng là Daniel Craig và đoàn làm phim đã giành được thắng lợi tuyệt đối trong canh bạc đầy rủi ro mang tên “Casino Royale”.

Gần hai năm trước, sau yêu cầu khó-có-thể-chấp-nhận của Brosnan về thù lao cho bộ phim 007 thứ 5 mà mình tham gia, các nhà sản xuất đã nhất trí sẽ tìm một gương mặt mới, trẻ trung hơn cho hình tượng James Bond. Điều này có vẻ cũng phù hợp với việc quyển tiểu thuyết đầu tiên của Ian Fleming, nói về những ngày đầu của James Bond với tư cách quyền-được-giết, sẽ được chuyển thể lên màn ảnh.

Và hành trình tìm kiếm Bond mới cũng căng thẳng không kém những phi vụ mà anh chàng thực hiện. Clive Owen, Julian McMahon, Jude Law, Orlando Bloom…rồi một loạt các anh tài khác của xứ sở sương mù được đưa lên bàn cân. Hẳn nhiên, cái tên Daniel Craig tại thời điểm đó không hề được nhắc đến. Sự việc được tăng thêm phần rộn ràng với những tin tức không-rõ-nguồn-gốc mà báo chí Anh đưa ra hằng ngày về vai diễn Bond và những nhân vật liên quan; như việc Dame Judi Dench không tiếp tục diễn vai M, hay Keira Knightley sẽ xuất hiện bên cạnh chàng điệp viên sắp tới. Đầu tháng 4-2005, tình hình có vẻ ngã ngũ khi dân tình tin chắc là Clive Owen đã được chọn cho vai diễn này (nhưng báo chí lại thòng thêm một câu là: Clive có vẻ không hứng thú lắm?!). Clive Owen được cả khán giả và các nhà báo ủng hộ nhiệt liệt; trước khi bất thình lình một cái tên mới toanh được úp mở chính là kẻ-được-chọn: Daniel Craig.

Kể từ thời điểm đó cho đến khi chính thức nhận vai diễn vào tháng 10-2005, và trong suốt quá trình làm phim, Daniel Craig đã phải sống những tháng ngày cay đắng dưới búa rìu dư luận. Có lẽ, chưa ai vấp phải sự phản đối kịch liệt khi nhận vai James Bond như trường hợp của Daniel. Người ta cho rằng anh không có được cái phong thái quyến rũ của một quí ông, thân hình thì cục mịch, tóc lại màu vàng… chốt lại một câu là hoàn-toàn-không-phù-hợp. “They hate me. They don’t think I’m right for the role. It’s as simple as that, but I do wish they’d reserve judgment”.

Nhưng những ai mong chờ một hình ảnh Bond lịch lãm hoá ra lại là những người không am tường về 007. Nếu dựa vào bộ tiểu thuyết của Ian Fleming mà đánh giá thì chỉ có Sean Connery và Daniel Craig mới giống với nguyên mẫu của tác giả. Vậy thì vì sao người ta lại đòi hỏi một James Bond quyến rũ cả khi thi hành nhiệm vụ lẫn trên giường? Có thể là vì những quyển tiểu thuyết sau này do những tác giả khác viết tiếp đã dần làm thay đổi hình ảnh Bond so với nguyên gốc, cũng như việc hình tượng Bond của Roger Moore hay Pierce Brosnan thể hiện gần đây, giống như là một tay điệp viên ăn chơi sành điệu, đã khắc sâu vào nhận thức của lớp khán giả mới.

Vậy là, nhiệm vụ của Daniel Craig không chỉ là thể hiện lại hình ảnh James Bond, mà còn là thay đổi quan niệm của khán giả về một James Bond đã tồn tại nhiều thập kỉ. Điều này hình như đã trở thành một đòi hỏi quá sức đối với Daniel Craig. “I was hurt by it (all the criticism), but it just made me try harder. The pressure was there. I know a lot of people feel very passionate about the Bond movies, but so do I, so I just got on with it. What I tried to achieve was just making a movie people will want to go and see”. Nếu là vậy thì kết quả đạt được đã vượt quá sự mong đợi của anh. Và trong khi Daniel đã chứng minh được tất cả những nhận xét trước đó là hời hợt và thiếu căn cứ, thì báo chí Anh lại một lần nữa sôi nổi: “First things first: Daniel Craig is not a good Bond. He’s a great Bond” (BBC), hay “Casino Royale is the most exciting Bond film” (Empire). Rõ ràng là cũng phải trầy da tróc vẩy mới nhận được những lời có cánh đó.

Phải nói là đoàn làm phim đã thật sự mạo hiểm với việc làm mới (hay quay lại nguyên bản?) nhân vật Bond. Hình mẫu nhân vật toàn diện đã không còn được ưa chuộng, cũng như xu hướng mang lại tính người cho những nhân vật phi thường đang là xu hướng chung của Hollywood. Nhưng đối với Bond, đó là một chuyện khác hẳn bởi cái gì đã đi vào tiềm thức thì rất khó chuyển dịch. May mắn thay, người ta đã chấp nhận, và Daniel đã không trở thành tội đồ. Bộ phim bắt đầu bằng một đoạn đen trắng về phi vụ đầu tiên của James Bond; tuy chưa thành thục, nhưng vẫn lạnh lùng và quyết đoán. Đó không hẳn là một đoạn flashback, và mục đích cũng không nhằm tạo một tiền đề gì đó cho nội dung phim. Nhưng đó là một lời tuyên bố “Đây là một Bond khác, không phải kẻ giết người không gớm tay”. Chỉ như vậy thôi, người ta bỗng dưng có cảm tình với anh Bond này, ngay tại đấy, và cho đến hết bộ phim.

Sự thay đổi dễ nhận thấy nhất là sự đi xuống của công nghệ. Chàng điệp viên không còn chạy xe tàng hình nữa….mà chạy bộ bở hơi tai; và trong khi đối phương hết sức nhanh nhẹn thì anh ta lại có phần hơi vụng về. Trong những lần đối đầu, Bond không cho thấy sự vượt trội nào về vũ khí được trang bị mà thập chí còn lép vế. Có bao giờ người ta thấy Bond bị lọt vào tay đối phương và bị tra tấn tơi tả? Hay gần như mất mạng? Và người ta bỗng nhớ lại, với kiểu cách hào nhoáng và việc sử dụng công nghệ viễn tưởng như các James Bond trước thì khó mà biết đựoc anh ta đang vinh danh cá nhân hay cho một tổ chức chống khủng bố nào. Lạ lùng thay, James Bond bày tỏ tình yêu, và lại có ý định giải nghệ vì tình yêu. Rồi khi nghĩ mình bị lừa dối, muốn chứng tỏ ta đây không luỵ vì tình, mà vẫn để cho khán giả nhìn thấy sự xót xa. Tất cả tạo cho người ta một cảm giác đằng sau cái vẻ lãng tử lạnh lùng là cả một con người yếu đuối. Những điều đó chỉ có thể tin được trong một Bond-Daniel Craig.

Cuối cùng, Daniel đóng dấu lên hình tượng Bond của mình bằng một lối đối thoại dí dỏm. Đó là một James Bond đủ tỉnh táo để trả lời “Do I look like I give a damn?” khi được anh bartender hỏi là dùng rượu “shaken or stirred?”, hay khi bị một cô gái dằn mặt “I will be keeping an eye of our government’s money and off of your perfectly formed ass” vẫn có thể đùa “You noticed? Even accountants have imagination

Cái cớ còn lại cho những người chống đối chính là; Bond mà không xài đồ xịn, Bond mà không đào hoa, Bond mà lại bị bầm dập, thì còn gì là Bond? Vậy thì chẳng khác gì các điệp viên trong Mission Impossible hay Bound Identity…Dù gì thì chắc chắn chúng ta sẽ còn gặp lại hình ảnh anh Bond-nông-dân Daniel Craig trong phần kế tiếp của 007. Bộ phim thứ 22, dự định sẽ ra mắt vào cuối năm 2008.

(Facts from Yahoo, NY Times, BBC)


Posted

in

by

Comments

5 responses to “Casino Royale, cả một canh bạc!”

  1. sunslayer Avatar
    sunslayer

    Thật ra film này ngoài màn đánh bài và lừa đảo thì thật sự chẳng còn gì để coi.
    Tôi mém chút ngủ gục trong rạp khi coi film này. Action thì thua MI, đấm đá thua Batman begin, còn lừa đảo thì chẳng bằng Changing lane, chả có chút hồi hộp hấp dẫn nào ngoai trừ cái vụ 2 diễn viên chính khoe thân hình.

    Nói thẳng ra, thà coi film thần bài hồng kông coi bộ còn hay hơn.

  2. cana Avatar
    cana

    Bond-nông-dân Daniel Craig “that” hon va “nguoi”, k phai la mot diep vien”sieu nhan” , duoc trang bi den tan ranhg !!!

  3. nbtsa Avatar
    nbtsa

    Thế 2 em muốn gì nào? Rõ ràng là nó ĐIỂM về một bộ PHIM mạ 😀

  4. ara Avatar
    ara

    Ùa bài này sao lại cho vào điểm phim ?! 😀

  5. younggun1894 Avatar
    younggun1894

    😀 Phim này không phải phim 007 mà là phim-hành-động-có-nhân-vật-là-James-Bond và nó đúng là 1 phim hành động đậm chất hành động nhất trong năm nay >.< Anh điệp viên trong MI thì íu đúi wé, anh điệp viên trong The Bourne Identity thì cù lần quá :-p còn anh điệp viên trong phim Casino Royale (ko phải phim 007 à nha)gần "người" hơn :-p khi anh biết yêu, biết đau, bết xấu hổ, biết cáu gắt chửi bới...đặc biệt rất chi là thông minh kiêm phá làng phá xóm hạng nhất 😐 Bài này của anh cho vào phần Articles phù hợp hơn là Review 😀

Leave a Reply