Chỉ cần anh còn sống

Với nó, cái tên phim “Đường thư” không thật sự hấp dẫn nên thoạt tiên, nó đi xem phim chỉ vì 2 lẽ: Thứ nhất, đó là phim đầu tay của 1 người bạn; thứ hai, đó là phim được báo chí nhắc đến khá nhiều như một trong những bộ phim thành công về đề tài chiến tranh. Nhưng khi xem phim, từ những dòng chữ giới thiệu thành phần đoàn làm phim cho đến hết cảnh kết phim, những cảm xúc không sắp xếp đã cho nó thêm nhiều lý do để xem bộ phim này…

Giản dị như cái tên phim “Đường thư”, bộ phim là một câu chuyện kể cô đọng, chân thực về chặng đường mà 2 người lính quân bưu là Tân và Hoàng An vượt cánh rừng dày đặc bom đạn để mang 1 bức điện khẩn từ Sở chỉ huy trung đoàn lên cao điểm ác liệt 861. Và giữa rừng Trường Sơn mùa khô năm 1967, trên chặng đường gian nan, đấu trí với thám báo địch để hoàn thành “công vụ đặc biệt”, đôi bạn đồng hành bất đắc dĩ ấy đã vô tình trải nghiệm rất nhiều điều ý nghĩa của cuộc đời người lính quân bưu. Phút thót tim gỡ mìn nụ xòe, lúc căng não đụng độ với thám báo địch, khi vô tình chứng kiến một đồng đội chưa nghe đọc hết thư vợ đã hy sinh… Tất cả đã biến Hoàng An từ một chàng “đặc công dũng cảm” từng khăng khăng “tôi không cắt máu xin đi bộ đội chỉ để đưa thư” trở thành một người lính quân bưu sẵn sàng để lại đồ dùng của mình để mang thư lên cho những người đồng đội đang ngày đêm “quần nhau” với địch trên cao điểm 861. Còn Tân, đồng hành và tiếp xúc với người đồng đội mới tuy trẻ tuổi, xốc nổi nhưng rất thẳng thắn, chân thành cũng đã khiến Tân trở nên cởi mở hơn, đôi lúc còn như trở lại thời trẻ tuổi của mình khi thông cảm với An về việc An mải nhìn mấy cô gái dân tộc tắm suối “Thằng đàn ông nào mà chẳng mê gái đẹp nhưng phải lo nhiệm vụ của mình”…Chặng đường vất vả để chuyển bức lệnh khẩn của Tân và An được diễn tả “mềm” đi rất nhiều nhờ thủ pháp “mix” nhiều yếu tố “đắt” như: lời thoại ngắn gọn mà không sáo, tình huống mang tính thực tế xen một số chi tiết hài hước, hành động nhanh.

Trường đoạn cao trào của phim chính là cảnh Tân và Hoàng An cùng nhau vượt qua bãi mìn để lên 861, hoàn thành nhiệm vụ. Lúc ở dưới 1 hố bom trống, An đưa Tân đọc lá thư của Dịu – bạn gái An. Một lá thư không chỉ thể hiện nỗi nhớ nhung của người yêu dành cho người yêu mà còn khắc họa rõ nét niềm khao khát sống, khao khát hạnh phúc trong hòa bình, thống nhất đất nước của một cô thôn nữ quanh năm chuyên cần việc đồng áng và đợi chờ người yêu đi bộ đội về “…Hãy cố gắng giữ mình để trở về với em. Dù anh bị thương tật, dù anh không còn nguyên lành, em chỉ cần anh còn sống…”. Lạ lùng thay, chính khoảnh khắc ấy, chính lá thư chứa đầy khao – khát – sống ấy như một động lực mạnh mẽ để cả Hoàng An và Tân đều muốn nhận phần hy sinh về mình, nhường – khả – năng – sống cho người còn lại. Vì nó, An đã chuẩn bị tư thế xung phong vượt qua bãi mìn cuối cùng để mang bức điện khẩn lên cao điểm 861 sau lời nhắn nhủ với Tân “Nếu em có mệnh hệ gì thì Anh hãy giúp em mang thư về cho Dịu”. Và cũng vì nó mà trong tiếng bom đạn gào thét từ hai phía ta – địch, trong sự ngơ ngác của An, Tân vừa lao lên phía trước vừa quả quyết “Cậu phải sống mà trở về với cô ấy”… Mạch cảm xúc từ những nhân vật trong phim như “tràn” ra khỏi màn ảnh, lan sang nó và nhiều khán giả ngồi bên cạnh nó. Bất giác, những giọt nước mắt lâu lắm rồi mới lại lăn dài trên mặt nó cùng ý nghĩ vừa chợt đến “… em cần cả hai người còn sống”…

Chỉ tiếc cái kết hơi nặng nề gợi lên hình ảnh xót xa trong “Màu tím hoa sim” (Hữu Loan)

“… Nhưng không chết người trai khói lửa

Mà chết người gái nhỏ phương xa…”

Nhưng, nó biết, chiến tranh là vậy: có những trận thắng thì cũng có những tổn thất. Hơn nữa, chính cái kết theo kiểu những người trẻ dũng cảm và thực tế “thế giới muốn hòa bình và chán ghét chiến tranh” cũng cho thấy “Đường thư” thực sự là thông điệp thể hiện niềm khao khát của thế hệ trẻ Việt Nam về một đất nước mãi mãi hòa bình, thống nhất và lớp trẻ được sống, cống hiến cho đất nước trong cuộc sống an lành, hạnh phúc.


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply