Chiếc giếng thời gian – bộ phim hoạt hình dài nhất của điện ảnh VN



Hiệp sĩ Trán Dô – một phim hoạt hình thành công của đạo diễn Minh Trí. Ảnh: T.L

* 100 tập phim lịch sử cho 1.000 năm Thăng Long

100 tập phim hoạt hình với các giai đoạn lịch sử kéo dài từ thời dựng nước đến nay mang tên Chiếc giếng thời gian đang được Xưởng hoạt hình thuộc Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam tổ chức thực hiện (từ nay đến năm 2010) nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đạo diễn Minh Trí và nhà thơ Phan Huyền Thư – tác giả kịch bản 5 tập phim đầu tiên.

* Xin anh chị cho biết khái quát nội dung các sự kiện lịch sử được đưa vào phim? Chúng ta sẽ dùng những sự kiện lịch sử hay dã sử, huyền sử để dựng phim?

– Đạo diễn Minh Trí: Dự án yêu cầu biên kịch đưa vào phim toàn bộ tiến trình lịch sử Việt Nam từ thời dựng nước đến nay. Tuy nhiên, tùy theo từng giai đoạn cụ thể của lịch sử mà chúng tôi chọn những sự kiện nổi bật nhất để dựng. Sẽ đưa cả yếu tố dã sử và huyền sử, huyền thoại được truyền tụng trong dân gian vào.

– Biên kịch Phan Huyền Thư: Chúng tôi viết kịch bản dựa trên nền sử Việt Nam nhưng chỉ sử dụng nó như một chất liệu phục vụ cho phim hoạt hình. Trong quá trình viết kịch bản, tôi luôn quan tâm đến việc làm thế nào để thiếu nhi có thể tiếp nhận lịch sử theo cách gần gũi và hấp dẫn nhất.

* Phim về đề tài lịch sử bao giờ cũng có những tranh cãi nhất định. Làm thế nào để chúng ta bảo đảm được giá trị nhận thức về mặt khoa học cho thiếu nhi qua bộ phim hoạt hình này?

– Đạo diễn Minh Trí: Chúng tôi có nghĩ đến điều này nên đã mời và được Giáo sư Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam thẩm định nội dung dưới góc độ sử học.

– Biên kịch Phan Huyền Thư: Tôi nghĩ rằng phim hoạt hình cho phép hư cấu lịch sử trong những giới hạn nhất định mà thể loại này cho phép. Sự thực lịch sử trong phim hoạt hình được phép đẩy theo một biên độ cảm xúc miễn là không bôi nhọ lịch sử, để các em có thể cảm nhận được là lịch sử thật đáng yêu, thật gần gũi, hấp dẫn chứ không khô khan, không giáo điều.

* Phim hoạt hình lịch sử thực sự là một thử thách lớn đối với các nhà làm phim VN. Anh chị có thường xem phim lịch sử nước ngoài không và đã học hỏi được điều gì từ những bộ phim ấy?

– Đạo diễn Minh Trí: Tôi đã xem khá nhiều phim hoạt hình lịch sử của nước ngoài. Tôi thích nhất là bộ phim Hoa Mộc Lan tòng chinh do Mỹ làm về đề tài lịch sử Trung Quốc, phim có hiệu quả cao, thành công cả về phương diện nghệ thuật lẫn lịch sử. Theo tôi, sự chân thực trong phim hoạt hình xuất phát từ yếu tố tưởng tượng và tính thẩm mỹ cao. Phim hoạt hình lịch sử khái quát tinh thần lịch sử chứ không mô phỏng lịch sử nên sẽ tránh được những lỗi cụ thể thuộc loại nhạy cảm của các thể loại phim khác. Chúng tôi chấp nhận thử thách khi làm phim về đề tài rất dễ bị mổ xẻ, phê phán này và hiện đang rất nỗ lực. Hy vọng khán giả, nhất là khán giả thiếu nhi sẽ đón nhận và thực sự yêu thích nó.

– Biên kịch Phan Huyền Thư: Cartoon network là kênh truyền hình “ruột” trong gia đình tôi. Tôi xem nhiều chất liệu khác nhau của phim hoạt hình nước ngoài và luôn quan tâm đến yếu tố kịch bản của họ. Tôi nghĩ rằng nếu tái hiện lịch sử dưới cái nhìn hoạt hình, bộ phim sẽ có những thú vị riêng biệt.

* Quá trình thực hiện phim diễn ra như thế nào, thưa ông? Với 100 tập phim, liệu chúng ta có đủ kinh phí và nhân lực để thực hiện cho kịp tiến độ?

– Đạo diễn Minh Trí: Hiện chúng tôi đang thực hiện 2 tập đầu mang tên Từ một giấc mơ, Ngao du trên Hoàng Thành và sẽ hoàn tất vào cuối tháng 12/2005. Dự kiến đầu năm 2006 lên sóng. Đây là phim do Đài truyền hình Việt Nam cung cấp kinh phí, mỗi tập phim là 130 triệu đồng. Chúng tôi hoàn toàn không nhận được sự ưu đãi đặc biệt nào khi thực hiện dự án này. Hiện tại mới chỉ có tôi, chị Phương Hoa, hai đạo diễn trẻ Nguyễn Thái Hùng và Trần Thanh Việt, đạo diễn kiêm họa sĩ Mai Long và họa sĩ Tạ Duy Long tham gia. Chúng tôi đang huy động thêm nhiều người nữa và tha thiết kêu gọi các bạn trẻ có năng khiếu vẽ truyện tranh, yêu thích đề tài phim hoạt hình lịch sử cộng tác với chúng tôi tại địa chỉ: Xưởng hoạt hình – Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam, 906 Đê La Thành, Hà Nội.

Nguồn:[http://www.thanhnien.com.vn/Vanhoa/2005/11/16/129065.tno]


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply