Chủ nghĩa tượng trưng trong Cast Away

“Cast away” là 1 trong những phim có kịch bản tốt và được diễn xuất cực hay. Đó là điều không thể phủ nhận qua việc Tom Hanks được đề cử khá nhiều như: nam DV xuất sắc nhất giải Oscar 2001 và giải Sierra (của Las Vegas Film Critics Society), nam DV được yêu thích nhất giải Blockbuster Entertainment 2001, nam DV diễn xuất hay nhất giải BAFTA Film (thuộc Hiệp hội British Academy). Bộ phim cũng đã đem về nhiều giải thưởng như: hạng 3 cho nam DV xuất sắc nhất giải BSFC ( Boston Society of Film Critics), nam DV xuất sắc nhất giải CFCA (Chicago Film Critics Association) cũng như giải NỲCC (New York Film Critics Circle và OFCS (Online Film Critics Society), nam DV diễn xuất hay nhất cho giải Golden Globe….
Xét về khía cạnh văn học: “Cast away” mang đậm dấu ấn của chủ nghĩa tượng trưng (symbolism). Những hình ảnh, vật thể ẩn chứa ý nghĩa tượng trưng có thể kể đến:

Chiếc đồng hồ gia bảo Kelly tặng cho Chuck. Trước tiên nó không được sử dụng với mục đích thông thường – xem giờ hay vật kỷ niệm hay cứu cánh cuộc đời. Đối với Chuck nó cao quý và thiêng liêng hơn nhiều so với tất cả. Chuck đã tính toán: bài toán có sẵn lời giải đáp. Anh sẽ mất Kelly, nhưng anh muốn và hy vọng bản năng của anh có chỗ để nương tựa, để quay về. Chuck không ngừng tự nhắc nhở bản thân rằng: rồi có 1 ngày anh sẽ gặp lại Kelly, không phải để cùng cô chia sẻ phần cuộc đời còn lại, mà là trả lại 1 tình yêu không bao giờ chết anh dành cho cô. “Tình yêu mà ta cho đi là tình yêu duy nhất mà ta còn giữ được” Elbert Hubbard). 1 góc thanh thản trong lòng nhưng mạnh mẽ đủ để anh vững tin rằng anh vẫn phải hít thở, vẫn phải sống còn.

Quả bóng chuyền hiệu Wilson. Con người sẽ chết nhẹ nhàng vì bệnh tật, vì đói khát… nhưng sẽ vật vã trăm ngàn lần nếu chết vì cô độc. Sự xuất hiện tình cờ của bạn Wilson khiến Chuck thấy mình không lẻ loi. Dù chỉ là độc thoại, Chuck vẫn nghe hết buồn trách, an ủi, khích lệ từ 1 quả bóng. Đó là niềm tin, là sự lạc quan mà Chuck tự xem như những bản năng sinh tồn. Anh biết cách tự chữa vết thương để tránh gục ngã. 1 bài học cho những ai luôn thấy mình cô độc: bạn không bao giờ cô độc trừ khi bạn muốn thế.

Kiện hàng từ gia đình Peterson. Đây là gói hàng cuối cùng mà Chuck nhất định không mở ra và cương quyết đem về giao lại cho khách hàng. Trong đó có gì: hoàn toàn không quan trọng. Nếu đơn thuần nghĩ thì Chuck muốn thể hiện tinh thần trách nhiệm tuyệt đối của 1 nhân viên Fedex dù ở bất cứ hoàn cảnh nào. Nhưng trừu tượng hóa hơn: đó là mục đích sống. Đúng là trên hoang đảo như thế, con người chỉ cần hơn 1 chút bản năng để sinh tồn (thậm chí ít nguy hiểm hơn vì không cần phải tự vệ. Thế nhưng, lý trí buộc Chuck phải luôn đề phòng bản thân sẽ rơi vào bế tắc bằng cách tạo cho mình 1 mục đích sống. 1 bài học khác để thấy rằng: “cuộc đời ngắn ngủi quá nên không thể sống nhỏ nhoi”? (Benjamin Disraeli).



– Những con sóng và biển cả.
Dĩ nhiên ai cũng hiểu đó là những khó khăn mà ta phải vượt qua. Đôi khi những trở ngại quá lớn khiến ta không vượt qua nổi, đành phải quay trở lại với hoàn cảnh tồi tệ hơn nhưng ít nguy hiểm hơn. Với Chuck, chúng vừa là bạn, vừa là kẻ thù. Chúng ngăn cách anh với 1 cuộc sống bình thường, chúng đưa đẩy anh vào tranh đấu khôn lường. Nhưng chúng cũng giúp anh nhận ra chính mình, có hy vọng, có khát khao. Hơn thế nữa: “ai biết trước thủy triều sẽ mang lại cho chúng ta điều gì”. Hình ảnh những con sóng, biển cả bao la thăm thẳm khiến ta liên tưởng đến cuộc đời của chúng ta: cũng bao la và thăm thẳm quá.

Ánh sáng của cây đèn pin. Đó từng là hy vọng của Chuck. Anh mong 1 con tàu nào đó đi ngang sẽ thấy le lói cái ánh sáng yếu ớt chớp tắt của nó và họ sẽ tìm thấy anh. Nhưng anh sớm nhận ra rằng, không cần thiết, nó chỉ làm anh thêm tuyệt vọng, thêm nhụt chí. Chính anh là kẻ nhanh chóng hủy diệt nỗi tuyệt vọng đó bằng cách để nó cháy sáng đến hết pin, dù vô tình nhưng anh không 1 chút hối tiếc. Phải xóa tan tuyệt vọng mới mong có hy vọng. 4 năm sau, anh đã chứng minh rằng: ” Người khôn ngoan tạo ra nhiều cơ may hơn là gặp may” Francis Bacon). Anh tìm đến với họ hơn là chẳng ai tìm đến được với anh. Dù đó là khi hơi sức của anh đã cạn kiệt.



Ngã tư đường vào cuối cùng của bộ phim. Cuộc đời được tiếp nối bởi những lựa chọn của chính bản thân. Tất cả đường đi đều trải dài vô tận. Không ai biết trên đường đi ta sẽ gặp những gì, dù đã biết đích đến là đâu, nhưng ai dám chắc đó là nơi dừng chân cuối cùng? Thênh thang những chọn lựa, và cuộc đời này sao đáng sống đến thế! Và đó cũng là ý nghĩa hạnh phúc của nụ cười và ánh mắt của Chuck khi nhìn về tương lai.

Đã có nhận xét cho rằng “Cast away” là 1 bản anh hùng ca về tinh thần lạc quan cuộc sống của con người. Riêng tôi, tôi cho đây là 1 bài học cho riêng mình về cách nhìn tươi sáng vào tất cả mọi việc xảy ra chung quanh, dù điều đó có tồi tệ hơn trí tưởng tượng đi chăng nữa. Cám ơn “Cast away”!


Posted

in

by

Comments

One response to “Chủ nghĩa tượng trưng trong Cast Away”

  1. gau_nau Avatar
    gau_nau

    Cast away là một bộ phim hay. Tôi cứ tiếc mãi cái giây phút Wilson bỏ Chuck ra đi. uối cùng thì Wilson cũng ra đi, bỏ lại Chuck một mình trên biển cả mênh mông.

    Có lẽ, Chuck vẫn giữ gói hàng đó do anh hi vọng sẽ có ngày Chuck trở về đất liền. Tom Hanks đã diễn xuất thành công vai diễn độc thoại. Mà phim nào của Tom mình cũng thích hết. Những phim Tom đóng thường mang ý nghĩa nhân văn cao, giá trị nhân đạo sâu sắc.

Leave a Reply