Chưa cổ phần hóa 3 hãng phim Việt Nam

Vừa qua, dư luận xôn xao về việc 3 hãng phim lớn của Việt Nam được cổ phần hóa là Hãng Phim truyện Việt Nam, Hãng Phim truyện 1 và Hãng Phim Giải Phóng. Thế nhưng theo thông tin gần đây nhất do lãnh đạo các hãng phim cung cấp thì 3 hãng phim này tạm thời chưa được cổ phần hóa ngay mà chuyển thành Công ty Trách nhiệm Hữu hạn một thành viên với 100% vốn Nhà nước để có điều kiện tập dượt, làm quen với thị trường. Như vậy, Nhà nước vẫn sẽ đặt hàng và tài trợ cho 3 hãng phim nhưng không bù lỗ như trước đây.

Hãng phim truyện Việt Nam trong những năm trước được nhà nước tài trợ từ 3 đến 4 phim một năm, mỗi phim phải trả lương cho 25 đến 30 người trong 3 tháng. 9 tháng còn lại, những người đó ăn lương do hãng trả. Như vậy, để có lương cho nhân viên, hãng phải nhờ vào các phim được tài trợ. Thông thường cứ đến cuối năm, Nhà nước phải bù một phần tiền gọi là tiền bù lỗ từ 700 đến 1 tỷ cho mỗi hãng phim.

Nhưng nếu các hãng phim phối hợp trở thành Công ty Trách nhiệm hữu hạn thì nhà nước không phải bù lỗ nên để có lương chi trả cho nhân viên, hãng phải dựa nhiều vào lượng phim phát hành.

Việc 3 hãng phim trở thành Cty TNHH cũng là tin vui cho điện ảnh Việt Nam bởi sẽ bớt cảnh làm phim theo “quan hệ”. Nếu như trước đây, nhiều trường hợp có người “chạy” được kịch bản, kịch bản được duyệt nên hãng bắt buộc phải giao phim cho người đó thì nay chuyện đó sẽ khó có thể xảy ra. Chuyển sang công ty trách nhiệm hữu hạn cũng có nghĩa là chấm dứt cách làm phim theo kiểu định mức, tuy là vẫn sản xuất bằng tiền của Nhà nước nhưng cuối năm vẫn phải quyết toán.

Hơn nữa, hình thức cổ phần bằng cát sê như trên thế giới sẽ khuyến khích nhà làm phim cũng như đạo diễn. Đạo diễn, Giám đốc sản xuất phim sẽ phải đi tìm kịch bản, kêu gọi đầu tư, thành lập ê-kíp sản xuất, tổ chức quay và tiếp thị sản phẩm đến các nhà phát hành trong và ngoài nước. Điều này có nghĩa là giám đốc sản xuất phim phải là người am hiểu nghệ thuật điện ảnh và có quan hệ rộng rãi với đối tác đầu tư và phát hành trong và ngoài nước.

Để phát triển, các hãng phim sẽ phải có chiến lược hợp lý để làm phim và biết cách thu hút, kéo khán giả đến rạp để không còn tình trạng phim sản xuất với chi phí hàng chục tỷ đồng nhưng lại không có ai xem. (HNM)


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply