Columbia Pictures – Và những cuộc thay ngôi đổi chủ

Lịch sử của Columbia Pictures với những thăng trầm.

Columbia Pitures (CP) được thành lập năm 1920 dưới tên C.B.C.Sales Film Corporation. Sáng lập viên là Joe Brandt và anh em Jack Harry Cohn (người sau đó đổi tên hãng thành Columbia vào năm 1924 cho xứng hợp với hình ảnh của hãng). Harry là chủ tịch lâu đời nhất của Studio (đến lúc ông chết năm 1958) còn Jack phụ trách việc phân phối phim từ New York. Hãng chưa bao giờ mua được một cụm rạp chiếu phim nào nhưng hệ thống phát hành lại rất thành công.

Nằm trên đường Gower ở Hollywood, trong những năm mới thành lập, Columbia nổi tiếng với các bộ phim hài và viễn tây kinh phí thấp, nhất là các phim viễn tây hạng B với dàn diễn viên Tim McCoy, Buck Jones và Key Maynard cùng với những bộ phim dài tập như Batman, JerryPirates. Nhờ chúng mà hãng mới thu được lợi nhuận vào thời kỳ đại suy thoái kinh tế. Ngoải ra, hãng còn có các bộ phim nhựa nhiều tập thành công khác như BlondieLone Wolf (phim nói về một tên trộm nữ trang).

Đạo diễn Frank Carpa, người được Columbia thuê vào những năm cuối 20 đã góp sức vào thành công của hãng với nhiều bộ phim hài độc đáo. Chính bộ phim It Happened One Night do Capra đạo diễn với hai ngôi sao Clark Gable (mượn của hãng MGM) và Cladette Colbert (mượn của Paramount) đã nâng cao uy tín của Columbia. Năm 1934 phim trở thành sản phẩm Hollywood đầu tiên đoạt được cả 5 giải Oscar quan trọng nhất: phim hay nhất, vai nam chính, vai nữ chính, đạo diễn và kịch bản. Các bộ phim xuất sắc khác của Capra: Mr Deeds Go To Town (1936 với Gary Cooper và Jean Arthur), Mr Smith Goes To Washington (1939 với Arthur và Jimmy Stewart). Columbia cũng có các đạo diễn tài năng khác nữa như Howard Hawks.

Ba người đẹp báu vật của hãng.

Về các ngôi sao, Columbia không có đội ngũ các siêu sao “đông hơn cả sao trên trời” như MGM (với Clark Gable, Greta Garbo, Joan Crawford, Spencer Tracy, Judy Garland….) nhưng lại có ba “tài sản” đáng giá: đó là ba nữ diễn viên Jean Arthur, Rita Hayworth, và Kim Novak. Mỗi người là nữ hoàng của Columbia trong một thập niên: Arthur của những năm 1930, Hayworth của những năm 1940 và Novak của những năm 1950. Ba nữ diễn viên này có mặt trong 13 phim thành công nhất của Columbia.

Arthur được biến đến sau khi cô đóng bộ phim hài The Whole Town’s Talking (1935) do John Ford đạo diễn. Nhưng giữa cô và Harry John có lắm bất đồng nên khi thoát khỏi Columbia vào năm 1944, Arthur vừa chạy ra đường vừa la: “Tôi tự do rồi!”.

Hayworth bắt đầu múa chuyên nghiệp từ năm 12 tuổi. Năm 1937 sau hai năm đóng các vai nhỏ cho các studio khác, cô được Harry mời ký hợp đồng dài hạn. Năm 1941, tạo chí Life đăng ảnh Hayworth trên trang bìa và Hayworth hiểu rằng một báu vật như Hayworth thì không nên cho ai mượn. Từ đó Hayworth xuất hiện trong nhiều phim ca nhạc thành công như Cover Girl (1944, đóng với Grace Kelly) nhưng ba bộ phim Put The Blame On Marne, Gilda (1946) và The Lady From Shanghai (1948. phim do Orson đạo diễn và đóng vai chính) đã khiến cô thành “nữ thần tình yêu”.

Novak là diễn viên thừa kế cho Hayworth. Năm 1949, sau khi harry từ chối hợp đồng dài hạn với Marilyn Moore và nói rằng là người đẹp tóc vàng này không biết đóng phim, ông đã chọn Novak thay vào. Chỉ trong vài năm, từ một người mẫu quảng cáo sản phẩm, Novak đã có các bộ phim thành công như Picnic (1955) và Bell, Book and Candle (1958).

Trên đường đi xuống

Nếu Arthur, Hayworth, Novak là ba ngôi sao nữ hàng đầu của Columbia thì về phía nam có bộ ba Moe, Curly và Larry chuyên về phim hài từ 1934 – 1958.

Năm 1951, Columbia thành lập bộ phận sản xuất phim TH có tên Screen Gems và được sự hậu thuẫn cũa các nhà sản xuất độc lập như Elia Kazan, Fred Zinnemann, David Lean và Otto Preminger. Hãng nhanh chóng phục hồi uy tín với các bộ phim hay nhấ như: All The King’s Men (1949), From Here To Eternity (1953), On The Waterfront (1954), The Bridge On The Kwai (1957), Born Yesterday (1950) và The Caine Mutiny (1954) được đề cử Oscar phim hay nhất.

Sau khi anh em Cohn chết vào cuối những năm 1950, hai người kế thừa Abe Schneider và Leo Jaffe tiếp tục đưa công ty đi lên. Thập niên 1960, Columbia có các bộ phim đoạt doanh thu cao như Lawrence Of Arabia (1962), A Man For All Seasons (1966), Guess Who’s Coming To Dinner (1967), Oliver! (1968), Easy Rider (1969, bộ phi chi phí có 500.000USD nhưng bất ngờ thu về 25 triệu USD). Bước sang thập niên 1970, Columbia xuống dốc làm ăn bết bát đến nỗi phải bán lô đất ở đường Gower và dọn trụ sở đến Burbank. Năm 1982, Công ty Coca-cola mua lại hãng và năm 1987 sát nhập CP và Tri-sar Pictures thành CP Entertaiment , Inc. Nhưng do hiệu quả kinh doanh quá kém (chỉ có một bộ phim Ghostbusters mang lại doanh thu khá), năm 1989, Coca-Cola phải bán công ty mới sát nhập cho Sony Corporation của Nhật Bản và Sony đổi tên hãng thành Sony Pictures Entertainment.

Về logo người đàn bà cầm đuốc của CP:image3:

Trong 75 năm lịch sử của CP trước khi nó bị đổi tên, logo người đàn bà cầm đuốc luôn là nguồn cảm hứng và suy diễn của nhiều người. Logo xuất hiện lần đầu năm 1924 và có nhiều người mẫu tự nhận đó là chân dung của họ. Năm 1962 trong cuốn tự truyện The Lonely Life, diễn viên Bette Davis khẳng định người đàn bà trong logo chính là Claudia Dell, một diễn viên của những năm 1930, 1940. Đến năm 1987, tạp chí People nêu d0ích danh một người mẫu Texas tên Amelia Batchler đã làm mẫu cho logo vào năm 1933. Đến tháng 2/2001 tờ Chicago Sun-Times lại nói đến một phụ nữ địa phương tên Jane Bartholonnew từng đóng vai phụ cho Columbia vào những năm 1930.

Hình ảnh người đàn bà trong logo cũng thay đổi theo thời gian, từ dáng dấp của Cleopatra nữ hoàng Ai Cập đến diện mạo một nữ thần Hy Lạp rồi cả dáng dấp một chai Coca sau khi hãng Coca-Cola mua lại CP. Năm 1993, Sony làm cuộc đại tu logo, đưa người đàn bà trở lại diện mạo cổ điển và hình ảnh này vẫn tồn tại đến hôm nay. Logo mới do Michael J.Deas thiết kế.

Đạt Thạnh


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply