Cơn ác mộng cho giải Oscar?

TT – Các nhà quan sát tại Hollywood đang dự đoán một kịch bản không kém phần tồi tệ cho lễ trao giải thưởng điện ảnh hàn lâm Mỹ (Oscar) lần thứ 80 vào ngày 24-2 tới đây sau sự cố giải Quả cầu vàng.

"Nếu Hiệp hội Biên kịch (WAG) tiếp tục đình công, và tiếp tục nhận được sự ủng hộ của Hiệp hội Diễn viên (SAG), thì sẽ không có lễ trao giải Oscar. Chỉ đơn giản là vậy", Hãng tin AP dẫn lời ông Harvey Weinstein, cựu quan chức Hãng phim Miramax, khẳng định.

Nhiều chuyên gia dự đoán WAG có thể sẽ nhân nhượng cho phép các thành viên được viết kịch bản cho lễ trao giải Oscar. Tuy nhiên, chủ tịch WAG Patric Verrone đã tuyên bố WAG sẽ lắc đầu trước bất cứ lời "xin xỏ” nào từ phía Viện hàn lâm Khoa học và nghệ thuật điện ảnh Mỹ (AMPAS). Dù vậy, hiện vẫn chưa rõ WAG có tổ chức hàng người đứng chắn trước cửa nhà hát Kodak tại Hollywood – địa điểm tổ chức đêm trao giải Oscar hay không.

AP cho biết bất chấp lời đe dọa từ phía WAG, các nhà tổ chức Oscar vẫn khẳng định đêm trao giải sẽ diễn ra như dự kiến, dù có hay không có sự góp mặt của các nhà biên kịch. "Chúng tôi không hoảng sợ – ông Sid Ganis, chủ tịch AMPAS khẳng định – Chúng tôi đang chuẩn bị đêm trao giải và đang tiến bước". Ngày 22-1 tới đây AMPAS sẽ công bố các đề cử cho giải Oscar. Tuy nhiên, các nhà tổ chức vẫn chưa tiết lộ giải năm nay sẽ được tổ chức như thế nào.

Theo ông Bruce Davis, giám đốc điều hành AMPAS, giải Oscar lần thứ 80 vẫn có thể diễn ra suôn sẻ cho dù các nhà biên kịch không viết kịch bản cho đêm trao giải. Nhưng nếu WAG tổ chức biểu tình thì đêm trao giải sẽ biến thành một cơn ác mộng bởi nhiều khả năng các siêu sao điện ảnh sẽ tẩy chay Oscar cũng giống như đã tẩy chay Quả cầu vàng. AFP dẫn lời nhà báo điện ảnh Tom O’Neil của tờ Los Angeles Times khẳng định không một ngôi sao nào muốn bỏ lỡ cơ hội tôn vinh hình ảnh tại đêm hội lớn của Hollywood, tuy nhiên "họ sẽ biến thành những kẻ đạo đức giả nếu vượt qua hàng rào người biểu tình".

Nhiều nhà bình luận khẳng định sẽ là một thảm họa nếu lễ trao giải Oscar không thể diễn ra, bởi đó là "chương trình độc nhất vô nhị trên truyền hình Mỹ”. Ông Gil Cates – nhà sản xuất chương trình – khẳng định: "Oscar đã được tổ chức ngay cả trong thời kỳ chiến tranh hay những năm tổng thống Mỹ bị ám sát". Còn nhà báo O’Neil thì cho rằng: "Oscar còn có ý nghĩa hơn cả một đêm trao giải. Đó là buổi tụ họp gia đình của cả Hollywood".

Nhà báo O’Neil dự đoán nếu AMPAS hủy bỏ kế hoạch truyền hình trực tiếp và tổ chức một buổi lễ qui mô nhỏ, nhiều khả năng các nhà biên kịch sẽ không biểu tình và các ngôi sao sẽ xuất hiện. Ngược lại, tổ chức một buổi lễ hoành tráng với những hàng người gào thét phản đối ngoài cửa, trong khi các ngôi sao vắng mặt sẽ dẫn đến một kết quả tồi tệ. Tuy nhiên, AMPAS và kênh truyền hình ABC sẽ thiệt hại nhiều triệu USD từ tiền bản quyền và quảng cáo nếu bỏ truyền hình trực tiếp.

Hãng tin Reuters dẫn lời các nhà kinh tế Los Angeles cho biết thành phố đã mất trắng 80 triệu USD khi lễ trao giải Quả cầu vàng bị hủy bỏ, và sẽ gánh thêm khoản thiệt hại trị giá tới 130 triệu USD nếu giải Oscar chịu chung số phận. Các đêm trao giải Oscar hằng năm thường thu hút tới hơn 40 triệu khán giả xem truyền hình trên khắp thế giới.

Hiếu Trung

Ảnh:Nữ diễn viên Ellen Page với bộ phim Juno


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply