Cuộc đời thứ ba của “Bóng ma ở nhà hát opera”

TT-Vở kịch hát nổi tiếng “Bóng ma ở nhà hát opera” (The Phantom of the Opera) đã trình diễn được 65 nghìn buổi ở 18 nước kể từ khi được dàn dựng năm 1988. Nhân mùa Giáng sinh năm nay, nó đã lại vén tấm màn nhung ra mắt khán giả… trên màn ảnh lớn và hy vọng sẽ gặt hái được những thành công mới.

Tên chính thức của bộ phim hơi dài: “Bóng ma ở nhà hát opera của Andrew Lloyd Webber”. Andrew Lloyd Webber là tên của người đã dàn dựng vở nhạc kịch dựa trên cuốn sách của tác giả Gaston Leroux xuất bản năm 1911, thuật lại câu chuyện về một con ma hoành hành trong nhà hát opera ở thủ đô Paris của Pháp. Sau 16 năm tung hoành trên sàn diễn, vở nhạc kịch “Bóng ma” đã thu về hơn 3 tỉ USD.

Bộ phim “Bóng ma” chắc cũng sẽ huy hoàng không kém, vì mặc dù chưa ra mắt khán giả, song nó đã nhận được 3 đề cử cho giải thưởng điện ảnh Quả cầu Vàng. Một số nhà phê bình phim tỏ ra dè dặt khi nhận xét rằng một cốt chuyện có thể gặt hái thành công trên sân khấu nhạc kịch, nhưng chưa chắc đã thành công trên màn ảnh. Nhưng thị hiếu khán giả chưa chắc đã trùng với gu của giới phê bình, cho nên chắc công chúng sẽ không thờ ơ với bóng ma dưới sức ép của chiến dịch quảng cáo vô cùng rầm rộ.

Theo tính toán của Hollywood thì những ai đã từng yêu mến vở diễn về cuộc tình bi thảm giữa cô ca sĩ tài năng chớm nở Christine với bóng ma sẽ muốn xem nhiều hơn về đôi tình nhân này, còn những ai chưa xem vở diễn thì khao khát muốn biết câu chuyện này. Cho nên, những người đưa “Bóng ma” lên màn ảnh (Lloyd Webber và đạo diễn Joel Schumacher) áp dụng công thức lâu nay của Hollywood khi kể lại một cốt chuyện cũ: Biến đổi nội dung đôi chút so với vở diễn. Điểm khác biệt chủ yếu là những trường đoạn hồi tưởng về lịch sử của các nhân vật.

Phim dẫn khán giả ra khỏi bối cảnh chật chội nhà hát opera trong những năm 1870 ra những đường phố tráng lệ của thủ đô Paris và nông thôn nước Pháp. Phim còn mô tả ngóc ngách của cái mê cung nơi bóng ma cư ngụ. “Điều mà chúng tôi cảm thấy còn nợ khán giả là vẻ đẹp huyền ảo mê hoặc của thời kỳ đó, những bộ trang phục tinh tế, những bộ phận tạo thành cuộc sống hoang đường” – đạo diễn Schumacher nói.

Bóng ma chỉ là câu chuyện hư cấu, song những con số thống kê về vở diễn của Lloyd Webber lại rất hiện thực: 3,2 tỉ USD doanh thu và hơn 50 giải thưởng trên toàn thế giới. Album nguyên bản các bài hát của vở nhạc kịch, trong đó có bài “Âm nhạc trong đêm” (The Music of the Night) đã bán được hơn 40 triệu bản.

Không dừng lại ở đó, hiện Lloyd Webber đang dàn dựng phiên bản ngắn hơn (chừng 90 phút) để trình diễn tại một khách sạn ở Las Vegas. Ông cũng đặt nhiều tham vọng vào bộ phim này. Ngoài việc được đề cử 3 giải thưởng Quả cầu Vàng ở các thể loại: Phim âm nhạc hoặc phim hài hay nhất, bài hát nguyên bản hay nhất và nữ diễn viên xuất sắc nhất cho Emmy Rossum với vai diễn Christine, “Bóng ma” còn hy vọng sẽ gặt hái được thành công ở giải thưởng Oscar.

Các nhà phê bình khen ngợi cách dàn dựng và trang phục trong phim, song họ cho rằng bộ phim cải lương quá. Tờ New York Times cho rằng bộ phim “thiếu tính lãng mạn thực tế và rung cảm đáng ghi nhớ”.

Đạo diễn Schumacher thì chỉ hy vọng đơn giản rằng khán giả sẽ thưởng thức bộ phim một cách thích thú: Bộ phim tạo cơ hội để họ chạy trốn khỏi thế giới thực phức tạp của ngày hôm nay trong dịp nghỉ lễ Giáng sinh.


Posted

in

by

Comments

One response to “Cuộc đời thứ ba của “Bóng ma ở nhà hát opera””

  1. pennyel100 Avatar
    pennyel100

    Phim là vũ kịch nên hát hơi nhiều nhưng nói chung bộ phim này có nội dung cũng khá hay !

Leave a Reply