Đặng Nhật Minh bàn về nghề đạo diễn

“Khi bắt tay làm phim, tôi nghĩ đến những cái riêng, những suy tưởng về thời đại, về con người qua lăng kính của chính mình. Tôi luôn làm phim như tôi nghĩ và cố đi đến tận cùng cái mình đã có”, đạo diễn ‘Thương nhớ đồng quê’ tâm sự.

– Ông tự xếp mình vào thế hệ đạo diễn nào của Việt Nam?

– Tôi không thuộc thế hệ nào cả. Tôi làm phim từ những năm đầu thập niên 1980 và đến bây giờ vẫn tiếp tục. Tôi nghĩ, trong lĩnh vực sáng tác không có tuổi, và trong thực tế có nhiều thế hệ cùng sáng tạo. Nếu có phân chia điện ảnh thì chỉ nên chia theo từng thời kỳ thôi.

– Vậy nếu chia điện ảnh Việt Nam theo từng giai đoạn thì theo ông đâu là hạn chế và thế mạnh của từng thời kỳ?

– Mỗi thời kỳ có những đóng góp nhất định. Ở đây tôi chỉ nói về những mặt chưa được. Ví dụ như thời kỳ đầu, người ta làm phim rất lên gân, rất giáo điều. Mà tôi thì rất dị ứng với dòng phim lên gân này. Ngay từ khi bắt đầu, tôi đã quyết định không làm thì thôi, chứ làm là phải gạt loại này ra một bên. Có thể thời kỳ đó cần những bộ phim kiểu đó và bản thân chúng cũng được tôn vinh rất ghê, nhưng bây giờ xem lại thì rất buồn cười, thậm chí là ấu trĩ.

10 năm trở lại đây, lớp các đạo diễn trung niên như Nguyễn Thanh Vân, Lê Hoàng, Vương Đức, Việt Linh, Phi Tiến Sơn… làm thật hơn, khá hơn, nhưng có cảm giác chúng vẫn nằm trong một nếp nghĩ nào đấy, chưa vượt thoát ra được về ngôn ngữ thể hiện. Nó vẫn nằm trong một cái khuôn định sẵn mà thiếu sự sáng tạo. Một hạn chế nữa là các đạo diễn hay dùng đề tài ăn sẵn mà thiếu sự đầu tư để tìm ra hướng đi mới, nên phim ảnh Việt Nam lâu nay vẫn chỉ đậm một màu chiến tranh thôi.

– Gương mặt điện ảnh hay bộ phim nào ông chú ý nhất trong thời gian gần đây?

– Dịp vừa rồi vào Sài Gòn, tôi có được xem hai bộ phim ngắn của Vũ Ngọc Đãng. Cả hai phim đều làm về đề tài chuột và làm rất khéo. Tôi nghĩ, đây là một tín hiệu mới của điện ảnh Việt Nam. Ưu điểm lớn nhất của Đãng là biết kể chuyện bằng hình, bằng ngôn ngữ của điện ảnh, lại rất giàu tính ẩn dụ. Nói thì đơn giản, nhưng để đạt được điều đó không dễ một chút nào.

– Theo ông, để điện ảnh Việt Nam không bị tụt hậu thì cần phải có những chiến lược gì?

– Tôi vẫn thường ví von điện ảnh với bóng đá, vì đây là hai lĩnh vực thu hút sự quan tâm của đại chúng. Cũng thi thoảng thi thố một vài giải trong khu vực và mang về mấy cái huy chương. Nhưng nếu với chiều hướng như hiện tại thì có thể bóng đá sẽ phát triển nhanh hơn, vì bóng đá họ biết nhìn vào sự thật, nói thẳng những cái chưa được của họ, họ lại luôn có đội ngũ kế cận được đào tạo chu đáo và có nhiều dịp cọ xát với bên ngoài. Còn trong điện ảnh, người ta ngại nói thẳng nói thật. Đào tạo đội ngũ kế cận thì yếu và phát triển hoàn toàn tự phát. Tôi nghĩ, nếu không chú trọng đến khâu đào tạo thì điện ảnh Việt Nam còn khủng hoảng dài dài. Tôi còn nhớ, khi thành lập nền điện ảnh Cuba, chủ tịch Fidel Castro đã đích thân mời một ông đạo diễn nổi tiếng người Italy sang huấn luyện cho họ. Kết quả là sau đó, điện ảnh Cuba đã có những bước phát triển vượt bậc trong khu vực châu Mỹ Latin và cả thế giới suốt cả thập niên 70-80. Điện ảnh Việt Nam cũng nên mời các đạo diễn quốc tế sang huấn luyện cho các đạo diễn trẻ thì may ra chúng ta mới có cơ hội cạnh tranh được với bạn bè thế giới.

(Theo Thể Thao & Văn Hóa)


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply