Đặng Nhật Minh và bộ phim về liệt sĩ Đặng Thùy Trâm

TNO-Bộ phim về liệt sĩ Đặng Thùy Trâm với tên gọi Đừng đốt, trong đó đã có lửa, do đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh viết kịch bản và đạo diễn đã được khởi quay.  

* Cơ duyên nào đưa ông đến với bộ phim Đừng đốt, trong đó đã có lửa?

– Cuối năm 2005, khi được đọc cuốn nhật ký của nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm tôi vô cùng xúc động. Sau đó được biết thêm những thông tin về số phận kỳ lạ của cuốn nhật ký trong suốt 35 năm trước khi nó được trả lại cho gia đình, tôi bỗng nhiên có một sự thôi thúc bên trong muốn viết tất cả những chuyện này thành một kịch bản phim truyện. Và tôi đã cầm bút viết… Đến tháng 11.2005 thì tôi viết xong phiên bản đầu tiên (xin nói ngay rằng, từ đó đến nay tôi đã sửa đi chỉnh lại kịch bản có đến hàng chục lần và vẫn còn tiếp tục…). Viết xong tôi để kịch bản đó, cũng không có ý định gửi đi đâu.

Tôi là đạo diễn đã nghỉ hưu, không thuộc biên chế của một hãng phim nào, nên cũng chẳng có ai đặt hàng hoặc phân công viết. Chỉ có một niềm vui là mình đã viết ra được trên giấy những gì mà lòng mình thôi thúc muốn viết. Bỗng một hôm tôi nhận được điện thoại của Cục trưởng Cục Điện ảnh (hồi đó là ông Nguyễn Phúc Thảnh) hỏi tôi có quan tâm đến cuốn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm không, và có ý định viết kịch bản theo cuốn nhật ký đó không, nếu có thì gửi lên Cục để Hội đồng xem xét. Lúc đó, tôi sắp đi nước ngoài nên một tháng sau trở về mới gửi kịch bản lên Cục. Một thời gian khá lâu sau, ông Thảnh cho tôi biết Hội đồng duyệt kịch bản của Cục đã đồng ý trình kịch bản của tôi lên Bộ để quyết định đưa vào sản xuất theo diện Nhà nước đặt hàng, sau khi đã được sự đồng ý của gia đình bác sĩ Đặng Thùy Trâm.

* Ông có thể cho biết thời gian quay và hoàn tất bộ phim?

– Phim đã chính thức khởi quay tại Mỹ vào cuối tháng 10 vừa qua. Sở dĩ chúng tôi phải quay những cảnh diễn ra bên Mỹ trước vì muốn tránh mùa đông. Mùa này bên đó đang là mùa lá vàng rất đẹp. Nếu không quay ngay phải chờ đến cuối năm sau. Những phần quay ở Mỹ chiếm gần 1/3 phim. Dự tính đến cuối năm 2008 bộ phim sẽ hoàn thành.

* Thế còn vai nữ chính của bộ phim, bác sĩ Đặng Thùy Trâm?

– Đến thời điểm này thì vai diễn quan trọng nhất – linh hồn của bộ phim – chị Đặng Thùy Trâm vẫn đang tiếp tục được tìm kiếm. Hiện chúng tôi đang cân nhắc giữa ba ứng cử viên. Chúng tôi cũng không vội vã vì đến qua Tết, phần quay ở Việt Nam mới bắt đầu. Quan điểm của mẹ chị Trâm là chọn một cô gái có vóc dáng vừa phải, dung dị, nhưng gương mặt phải sáng, đôi mắt có hồn, toát lên vẻ trong sáng, giàu tình cảm và nghị lực.

* Sự nổi tiếng của cuốn nhật ký có tạo cho ông và đoàn làm phim áp lực gì không?

– Tôi biết có nhiều người muốn làm phim theo cuốn nhật ký này, lại nghe đồn có một cơ sở sản xuất phim trong nước định mời đạo diễn Mỹ Oliver Stone làm đạo diễn với kinh phí hàng chục triệu USD, nên có lần gặp bà Doãn Ngọc Trâm, mẹ của nữ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, tôi có nói với bà: "Nếu có hãng phim nào muốn làm, bác cứ đồng ý để họ làm". Bác Trâm trả lời: "Cứ để anh Minh làm trước đã". Nếu có áp lực thì đó là cái tình của gia đình bác Trâm đối với tôi. Có thể vì gia đình tôi cũng là một gia đình liệt sĩ. Hơn thế nữa, cha tôi – Giáo sư liệt sĩ Đặng Văn Ngữ – từng là thầy của bác sĩ Đặng Thùy Trâm khi còn trên ghế trường Y khoa Hà Nội.

* Kịch bản phim có khác gì so với cốt truyện trong nhật ký hay không? Ông có áp dụng thủ pháp dàn dựng đặc biệt nào cho bộ phim này không?

– Kịch bản xét về cơ bản là không khác so với cốt truyện trong nhật ký, nhưng đây là phim truyện nên cũng có đôi chỗ hư cấu. Về thủ pháp làm phim thì mỗi phim có một nội dung khác nhau do đó cách thể hiện cũng khác nhau, nhưng quan trọng nhất phải là sự chân thật.

Lưu Hồng (thực hiện)


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply