Hoạt động dưới “một mái nhà”, điện ảnh và truyền hình thành phố có thể tiếp sức và hỗ trợ nhau để cùng phát triển. Đó là mong mỏi của hơn 600 hội viên tham gia Đại hội Điện ảnh TP HCM lần V (nhiệm kỳ 2005-2010), diễn ra trong hai ngày 23-24/3, tại Nhà hát Bến Thành.
Theo báo cáo của Hội, bắt đầu từ năm nay vốn tài trợ của nhà nước cho điện ảnh giảm từ 14-15 tỷ đồng xuống 12 tỷ, phim hoạt hình chưa có cơ hội khởi sắc, mảng phim lịch sử chưa có chỗ đứng trong lòng khán giả… Tuy nhiên, vấn đề các đại biểu thật sự quan tâm không phải là chuyện điện ảnh thiếu tiền đầu tư, thiếu nhân tài… mà “thiếu lắm những con người vừa có tâm, vừa có tầm, dám nghĩ, dám làm”.
Thời xa vắng, Mùa len trâu, Mê Thảo – thời vang bóng là ba bộ phim được các đại biểu nhắc đến nhiều nhất. Ba bộ phim này, với sự hợp tác của những đạo diễn Việt kiều, đã mang đến niềm vinh dự cho điện ảnh cả nước. Sự hài hòa giữa giá trị nghệ thuật, yếu tố thẩm mỹ, tính tôn vinh giá trị truyền thống dân tộc đã nâng tầm vóc những bộ phim này lên đẳng cấp quốc tế. Đây là điều mà nền điện ảnh VN luôn mong mỏi.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều luồng ý kiến trái ngược nhau khi đề cập đến những bộ phim đạt doanh thu cao trong vài năm trở lại đây như: Gái nhảy, Lọ Lem hè phố, Những cô gái chân dài, Khi đàn ông có bầu, Nữ tướng cướp… Có người cho đó là dấu hiệu khởi sắc của điện ảnh. Khán giả lũ lượt kéo đến rạp chứng tỏ những bộ phim này có giá trị, có sức hút. Thế nhưng, nhiều đại biểu lên tiếng rằng cần phải gióng hồi chuông báo động về lối làm phim khai thác những yếu tố giật gân, câu khách. “Nếu không kịp nhìn nhận lại vấn đề, bình tĩnh trước sức hút của doanh thu và lợi nhuận, điện ảnh thành phố có thể sẽ lại làm thất vọng người xem khi tiếp tục đi vào những đề tài như thế”, đại biểu Pham Khánh Toàn – thành viên lão thành của Chi bộ Điện ảnh thành phố – nhận xét.
Dung hòa những ý kiến đó, NSDN Huy Thành – Tổng thư ký Hội điện ảnh TP HCM – nhấn mạnh: “Cần phải nhìn nhận những đóng góp tích cực của dòng phim thị trường trong sự phát triển chung của điện ảnh. Tuy nhiên, để làm được những bộ phim có đủ 3 yếu tố “vàng” (người xem đông, lợi nhuận cao, đảm bảo tính nghệ thuật) người làm phim còn phải học rất nhiều, lao động và sáng tạo rất nhiều nếu không muốn bị loại khỏi cuộc chơi”.
Về hoạt động của hội điện ảnh trong thời gian tới, đại diện cho lớp trẻ, diễn viên Công Hậu, cho rằng, từ trước đến nay những diễn viên trẻ luôn có cảm giác “bơ vơ, lạc lõng”. Họ tham gia đóng phim, mang danh diễn viên chịu sự quản lý của Hội điện ảnh thành phố, nhưng chẳng biết Hội hoạt động như thế nào. “Ban chấp hành Hội nhiệm kỳ mới cần phải đề ra những phương thức hoạt động, sinh hoạt cụ thể để lớp trẻ không thấy lẻ loi”, anh nói.
Đồng quan điểm, diễn viên Quyền Linh bày tỏ: “Hội cần phải giúp diễn viên trẻ, có thực tài được học và đào tạo nghiệp vụ bài bản, có công ăn việc làm ổn định. Chỉ như thế mới được tránh tình trạng một người bình thường bỗng chốc hóa thành diễn viên nổi tiếng, còn diễn viên thực thụ lại chỉ được xem như những người bình thường (không có phim để đóng)”.
Qua hai ngày làm việc, Hội đã chọn ra được 9 đại biểu vào Ban chấp hành nhiệm kỳ mới (so với trước đây là 15 người) trên tổng số 24 ứng cử viên. Các đại biểu cũng nhất trí đổi tên Hội thành Hội Điện ảnh – Truyền hình TP HCM.
9 đại biểu được bầu vào ban chấp hành nhiệm kỳ mới:
– Phan Bích Hà (nhà phê bình)
– Nguyễn Hồ (biên kịch)
– Quyền Linh (diễn viên)
– Phạm Thùy Nhân (biên kịch)
– Nguyễn Tường Phương (đạo diễn)
– Huy Thành (đạo diễn)
– Thế Anh (diễn viên)
– Lê Văn Duy (đạo diễn)
– Dương Cẩm Thúy (biên kịch).
Ảnh: Lớp diễn viên trẻ luôn mong tìm được chỗ đứng để khẳng định mình.
Dương Vân
Nguồn: http://www.vnexpress.net/Vietnam/Van-hoa/2005/03/3B9DC97D/
Leave a Reply
You must be logged in to post a comment.