Câu chuyện kể của một vị quan chức điện ảnh trên báo chí về lời nhận xét của của ông chủ tịch LHP quốc tế tại Iran dành cho phim Việt Nam là một phim nhảy nhảy và một phim bùm bùm (phim Gái nhảy và Hà Nội 12 ngày đêm) khiến không ít khán giả cảm thấy chua xót cho điện ảnh Việt Nam. Gần đây, nhiều cuộc tranh cãi bùng nổ trên báo chí về làm thế nào để lôi kéo khán giả đến rạp xem phim Việt Nam. Nhưng những tranh cãi này rồi sẽ chẳng đi tới đâu, cũng như không thể vực dậy một nền điện ảnh mà các đạo diễn vẫn đang cắm đầu đi theo lối mòn của bùm bùm và nhảy nhảy như hiện nay.
* XIN ĐỪNG BÙM BÙM LÃNG PHÍ
Có thể tạm gọi hai dòng phim hiện nay là phim nghệ thuật và phim giải trí. Trước giờ, các đạo diễn làm phim cho nhà nước luôn tự vỗ ngực xưng tên các tác phẩm của mình là phim nghệ thuật, việc phim không ai xem khi chiếu ở rạp là do trình độ thưởng thức của khán giả kém nên không theo kịp trình độ sáng tác của họ. Thế nhưng, cái khái niệm phim nghệ thuật của nhiều đạo diễn hiện nay vẫn quanh quẩn ở đề tài chiến tranh, hậu chiến
Có thể nói phim về đề tài chiến tranh là thế mạnh của điện ảnh Việt Nam trong quá khứ với nhiều giải thưởng quốc tế. Nhưng sau mấy mươi năm, cách nhìn của đạo diễn Việt Nam về đề tài này vẫn vậy, không có gì mới mẻ và có phần tụt hậu chứ đừng nói mang tính đột phá. Đơn cử như hai bộ phim được thực hiện gần đây nhất là Ký ức Điện Biên và Giải phóng Sài Gòn, đều được đóng mác số tiền thực hiện lên đến hàng chục tỉ đồng. Nhưng khi trình chiếu ra rạp (có bán vé) thì sao? Phim vắng khách. Những ai cố gắng nuôi hi vọng vào nền điện ảnh nghệ thuật Việt Nam khi cắn răng bỏ mấy chục ngàn ra mua vé thì lại thêm một phen tiếp tục thất vọng khi phim chẳng gieo được cảm xúc nghệ thuật nào ngoài những cảnh cháy nổ ầm ĩ chỉ để cố tạo cảm giác là phim hoành tráng. Đã đến lúc các đạo diễn Việt Nam không thể mãi ca cẩm điệp khúc kinh phí thấp sao có phim hay mà các vị cần theo đổi tư duy làm phim để khán giả không có cảm giác xót xa khi thấy hàng chục tỉ đồng bị bùm bùm một cách lãng phí trên màn ảnh.
Ngoài những phim về đề tài chiến tranh, hai năm qua, những bộ phim thực hiện từ kinh phí nhà nước cũng có nhiều phim về đề tài hiện đại như Khi người ta yêu, Tình biển, Hàng xóm, Tiếng dương cầm trong mưa nhưng doanh thu của những bộ phim này càng thảm thương hơn khi không phải phim giải trí mà cũng chẳng đạt giá trị nghệ thuật như lời tuyên bố ầm ĩ trên báo chí của người tạo ra nó. Đã thế, có không ít phim làm xong, thậm chí đoạt giải thưởng nhưng khán giả lại chưa từng được thấy mặt mũi như Trò đùa của thiên lôi, Người học trò đất Gia Định xưa Rõ ràng những đạo diễn thực hiện phim từ bầu sữa kinh phí Nhà nước chỉ chăm bẵm làm theo theo chỉ tiêu, hoàn toàn mơ hồ về mục tiêu là bộ phim của mình hướng đến (hoặc nghệ thuật hoặc giải trí) thì làm sao có thể kéo khán giả đến rạp?
* PHIM GIẢI TRÍ: HẾT NHẢY LẠI ĐẾN ĐẺ
Kể từ sau thành công bất ngờ của Gái nhảy, các nhà làm phim mới giật mình nhận ra từ bấy lâu nay đã mải mê làm phim bùm bùm mà quên mất nhu cầu giải trí của khán giả. Sự lên ngôi của phim giải trí kéo theo sự ra đời ồ ạt của các hãng phim tư nhân là điều tất yếu. Dù trong Đại hội 6 của Hội Điện ảnh Việt Nam vừa qua, có vị đạo diễn đã phản ứng gay gắt trước sự bành trướng của hãng phim tư nhân nhưng không thể phủ nhận chính sự có mặt của các hãng phim tư nhân đã mang lại sinh khí mới cho điện ảnh.
Khi mới ra đời, rất nhiều phim tư nhân đã tuyên bố khá ầm ĩ về những dự án làm phim rất giật gân, nào là phim kinh dị, phim đồng tính rồi sự góp mặt của Triệu Vy, Lý Liên Kiệt, của những ngôi sao Hàn Quốc nhưng rồi tất cả chìm vào im lặng. Đến giờ, chỉ mới có số ít hãng phim tư nhân có sản phẩm thật sự như Thiên Ngân (Những cô gái chân dài, Nữ tướng cướp), Phước Sang (Khi đàn ông có bầu), Hãng phim Việt (39 độ yêu)
Các hãng phim tư nhân- những người tự bỏ tiền túi của mình để làm phim- dĩ nhiên nhận thức được việc làm thế nào để lôi kéo khán giả đến rạp. Tuy nhiên, hiếm hãng tư nhân có suy nghĩ xây dựng một chiến lược đường dài mà chỉ ăn xổi ở thì với những đề tài câu khách, giật gân để có thể dụ được khán giả được lúc nào hay lúc ấy. Thị trường phim Việt Nam cũng giống như một cái bánh bé xíu mà ai cũng muốn nhảy vào tranh nhau chiếm phần theo kiểu chụp giựt nhất thời.
Từ đó, suốt mấy năm qua khán giả Việt Nam bộ thực với những phim về nhảy, về gái, về bầu theo đuôi thành công của Gái nhảy như Lọ Lem hè phố, Những cô gái chân dài, Nữ tướng cướp, Khi đàn ông có bầu Đó là chưa kể sự hùa theo của hãng phim nhà nước trong việc chụp giựt khán giả bằng một bộ phim dễ dãi với nhiều chiêu câu khách rẻ tiền như Lấy vợ Sài Gòn (hãng phim Giải Phóng). Sự rẻ tiền ấy không chỉ thể hiện trong nội dung phim mà còn cả ngay ở tên phim (vì sợ đặt tên “cao siêu” quá khán giả sẽ không đến rạp hay sự dễ dãi, giật gân thể hiện ở ngay cả cái tên?) Đến nỗi nhiều khán giả đã nối kết tên của 3 bộ phim chiếu tết vừa rồi để minh họa cho sự khác người của dòng phim giải trí tại Việt Nam: Khi đàn ông có bầu, Nữ tướng cướp (sẽ) Lấy vợ Sài Gòn (?!).
Mùa phim tết năm nay được tiên đoán là sẽ lặp lại sự đối đầu giữa nhảy và bầu. Hãng Phước Sang tung ra Đẻ mướn của đạo diễn Lê Bảo Trung còn Thiên Ngân tung ra 2 trong 1 của đạo diễn Đào Duy Phúc. Cũng may là phim Trai nhảy của đạo diễn Lê Hoàng đã được hoãn lại. Nếu không, có lẽ khán giả sẽ tiếp tục nối kết được một khái niệm quái đản mới về phim Việt Nam: : Trai nhảy 2 trong 1 (đi) Đẻ mướn.
Rõ ràng, những người làm điện ảnh tại Việt Nam không thể chỉ lôi kéo khán giả đến rạp bằng những cuộc hội thảo, những tranh luận trên báo chí như hiện nay mà phải bắt tay hành động ngay từ bây giờ từ việc đổi mới tư duy, xác định rõ ràng mục tiêu làm phim cho đến việc xây dựng một chiến lược lâu dài cho nền điện ảnh. Và điều trước tiên: các nhà sản xuất- cả nhà nước lẫn tư nhân- phải hiểu người xem đang muốn gì và tạo nên nhiều món ăn khác nhau cho khán giả. Nếu cứ tiếp tục ép khán giả phải ăn hoài một món đến ngán tận cổ, trước sau gì họ cũng sẽ thật sự quay lưng lại với điện ảnh Việt Nam như cách đây hơn 10 năm.
CKD@MB
Leave a Reply
You must be logged in to post a comment.