Diều chắp vá làm sao bay xa?

Ngày 11-4 tới, tại Hà Nội, đến hẹn lại lên, những cánh diều vàng mới lại bay cao giữa bầu trời điện ảnh VN. Thế nhưng, dường như khâu tổ chức vẫn còn đôi chỗ lấn cấn và số phim truyện nhựa tham dự mới chỉ dừng lại ở con số 7 (Khi nắng thu về; Sinh mệnh; Áo lụa Hà Đông, Võ lâm truyền kỳ; Chuông reo là bắn; Hà Nội, Hà Nội và Cú đấm).

Nét khác biệt của “diều vàng 2006”

Đầu tiên, đề cập đến những nét mới trong mùa giải năm nay không thể không nói đến hai giải thưởng mới toanh: giải Phim có số lượng khán giả đông nhất và giải Phim bán được nhiều vé nhất. Hai giải thưởng này được bổ sung vào danh mục giải thưởng dành cho phim truyện nhựa. Giải thưởng Phim bán được nhiều vé nhất sẽ do ban giám khảo tổng hợp từ các bản báo cáo về tình hình thực tế số lượng khán giả mua vé vào xem, do các hệ thống rạp trên toàn quốc gửi về.

Tiếp đến, đây sẽ là năm có số lượng phim truyện nhựa tham gia ít ỏi. Bởi lẽ, năm qua, tuy là năm có khá nhiều dự án làm phim nhưng vì nhiều lý do, các dự án ấy hoặc vẫn nằm trên giấy (do thiếu kinh phí) hoặc hoàn tất quá trễ để có thể gởi dự thi (nguyên nhân chủ yếu cũng vẫn là… kinh phí) nên đành ngậm ngùi chờ mùa giải tới. Ngoài ra, đây cũng là năm một hãng phim tư nhân có đến hai phim truyện nhựa cùng tranh giải. Đó là trường hợp Hãng phim Phước Sang với hai bộ phim vừa ra mắt cách đây chưa lâu và hiện vẫn còn bán được vé tại nhiều quầy vé: Võ lâm truyền kỳ và Áo lụa Hà Đông. Trước mùa giải này, ban tổ chức giải đã thẳng thắn tuyên bố Cánh diều vàng sẽ thuộc về tác phẩm nào thực sự xuất sắc, bất kể đó là phim Nhà nước hay phim tư nhân, là phim của đạo diễn trong nước hay đạo diễn Việt kiều. Đặc biệt, mùa giải năm nay, bên cạnh giải Cánh diều vàng, giải thưởng Cánh diều bạc sẽ được khôi phục. 

Mới nhưng vẫn “hở sườn”

Tuy nhiên, ngay cái tên của hai giải thưởng phụ mới dành riêng cho phim truyện nhựa đã chứa nhiều bất thường. Không ít ý kiến thắc mắc rằng Phim có số lượng khán giả đông nhất tại sao lại không phải là phim bán vé hay chính xác hơn, phim phục vụ người xem nhiều nhất tại sao lại không thể là Phim bán được nhiều vé nhất? Có phải vì nếu bán vé thì sẽ không có khán giả? Nếu phim vẫn không đủ khả năng kéo khán giả đến rạp thì giải thưởng được trao ấy liệu có xứng đáng?! Mâu thuẫn trên, xét cho cùng, do ban giám khảo tự đặt ra và làm khó mình. 

Đó là chưa kể việc đến thời điểm này khán giả TPHCM vẫn chưa được xem ba bộ phim Sinh mệnh (Hãng phim truyện 1), Hà Nội, Hà Nội (Hãng phim Hội Nhà văn) và Khi nắng thu về (Hãng phim Truyện Việt Nam); trong đó, Khi nắng thu về vẫn chưa định được ngày ra rạp và trên chính website của Hãng phim Truyện Việt Nam, phim vẫn chưa được sửa lại theo tên mới, nghĩa là vẫn xuất hiện dưới cái tên cũ: Những ngày mùa hè. Bên cạnh đó, khán giả Hà Nội lại chưa được thưởng thức Cú đấm (Hãng phim Giải phóng). Gom tất cả những “cái chưa” đó lại thì rõ ràng, các bộ phim vừa nêu làm sao có thể có hy vọng giành được một trong hai giải thưởng trên. Còn một điều đáng nói nữa là chất lượng các bộ phim tham dự không đồng đều. “Độ nổi” hay “tiếng tăm” của các phim ấy cũng chênh nhau khá lớn. Nói như một nhà biên kịch nổi tiếng ở Hà Nội thì “thị hiếu giữa khán giả phía Nam và phía Bắc cũng đã khác nhau rất nhiều. Giải thưởng được trao chỉ mang tính chất tương đối. Những phim được đánh giá là nổi trội hơn cả thật ra chỉ khá hơn mặt bằng chung. Nếu đánh giá bằng con mắt nhà nghề thì những phim ấy vẫn còn khá nhiều lỗi sơ đẳng”. 

Nên chăng cần có sự thống nhất hơn, để các phim được bình đẳng khi đứng cạnh nhau. Cần có một quy định rõ ràng, chẳng hạn các phim tham dự phải là phim đã phát hành trên toàn quốc. Có vậy, người đoạt giải mới thật sự hãnh diện.

Phương Trang

http://www.nld.com.vn/tintuc/van-hoa/183207.asp


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply