Đỗ Thanh Hải: “Kiếm tiền của tư nhân không dễ”

Gần 3 năm nay, đạo diễn của Xin hãy tin em, Của để dành, Phía trước là bầu trời… hầu như vắng bóng trên phần generic các bộ phim truyền hình. Lý do là Đỗ Thanh Hải bận triền miên với Gặp nhau cuối tuần. Anh có cuộc trò chuyện với VnExpress:

– Là đạo diễn của nhiều bộ phim truyền hình được công chúng yêu thích, sao anh lại dành nhiều thời gian cho Gặp nhau cuối tuần đến thế?

– Trước hết, đó là công việc do cơ quan phân công, nên tôi phải làm và làm tốt nhất. Gặp nhau cuối tuần là chương trình khó, không thể tặc lưỡi cho qua được, giống như làm xiếc trên dây, chỉ chủ quan sơ sẩy một chút sẽ lộn cổ. Mọi người vốn thích xem nghệ sĩ làm xiếc trên dây, nhưng lại thường hứng thú với việc chờ đợi anh ta ngã thế nào (cười). Cũng chính vì sự khó khăn, vất vả ấy nên thời gian qua, tôi không thể tập trung làm phim.

– Làm phim nhựa là mơ ước của nhiều đạo diễn, cũng như của bản thân anh – như anh từng khẳng định. Một số đạo diễn cùng lứa với anh làm việc cho hãng phim nhà nước, tư nhân đã được giao phim nhựa, ngay cả đồng nghiệp của anh cũng rời Hãng phim Truyền hình VN (VFC) tìm tới hãng phim tư nhân để thực hiện mơ ước ấy. Cảm giác của anh ra sao trước hiện thực ấy?

– Mỗi người có con đường riêng và tôi chọn con đường của riêng tôi. Họ ra đi có thể vì lý do kinh tế, có thể vì cơ hội khác. Tôi nghĩ, với tuổi trẻ, tạo cho mình thương hiệu, tác phẩm tốt không quá khó, nhưng khi đã trưởng thành hơn thì cần gắn cá nhân với lợi ích và sự phát triển của cả một tập thể, một ngành nghề, điều đó sẽ có giá trị hơn. Hiện tại, tôi từ chối nhiều lời mời bên ngoài: làm phim nhựa, truyền hình, quảng cáo… không phải vì không cần tiền mà vì tôi thấy mình cần có trách nhiệm với những điều mình đang làm. Nếu ai cũng chỉ nghĩ đến những cơ hội kiếm tiền thì dần dần sẽ kéo nhau vào ngõ cụt.

Mà chắc gì con đường đi kiếm tiền đã bằng phẳng. Tôi khẳng định là các hãng phim tư nhân không dại gì bỏ ra một đống tiền để anh thuần tuý theo đuổi những ước mơ, thể nghiệm. Người ta đã trả nhiều tiền cho anh thì đương nhiên anh phải chấp hành những điều người ta muốn. Tôi sốt ruột vì chưa làm được nhiều phim hay như tôi mơ ước, chứ không sốt ruột khi nhìn những người bỏ VFC ra đi kiếm tiền.

– Anh có kế hoạch gì cho Gặp nhau cuối tuần và cho bản thân mình?

– Trước mắt vẫn củng cố chất lượng Gặp nhau cuối tuần, tìm cách thể hiện mới để thu hút đông đảo khán giả hơn nữa. Còn tôi cũng có mục tiêu khác là chuẩn bị êkíp làm việc mang tính chuyên nghiệp cho những dự án lớn trong thời gian tới, chẳng hạn dự án phim truyền hình dài tập.

– Thế còn kế hoạch làm phim, nghề anh được đào tạo?

– Để làm phim truyền hình dài tập như thế cần phải chuẩn bị nhiều thứ, nhất là vấn đề con người. Hiện nay, việc thu hút nguồn lực đầu tư làm phim truyền hình không khó như việc tập trung nhân lực làm được việc. Chúng ta vẫn làm thủ công, chưa có cách làm việc bài bản. Làm phim truyền hình dài tập đòi hỏi mọi khâu phải chuyên nghiệp.

– Anh đánh giá thế nào về công nghệ sitcom (quay nhiều máy, quay đồng bộ) mà hiện nay một số đài truyền hình phía Nam đang triển khai?

– VFC cũng đang chuẩn bị. Chúng tôi đã khảo sát ở hãng Katana (Thái Lan) và một loạt trường quay tại Thượng hải, Bắc Kinh, Hồ Nam (Trung Quốc). Bản thân tôi trong những lần đi công tác ở châu Âu đều cố gắng xem thực tế cách họ làm phim truyền hình, xem nhiều, hỏi nhiều để chọn cách làm phù hợp với điều kiện và đời sống Việt Nam. Sitcom là kiểu làm phim truyền hình, sản xuất nhanh đáp ứng nhu cầu phát sóng, còn phim truyền hình của chúng ta hiện nay vẫn sản xuất theo kiểu điện ảnh. Tôi đang chờ nhiều thứ, nhưng nếu cứ ngồi nhìn thì không được. Sinh viên lứa chúng tôi trước đây ra trường mơ ước làm phim nhựa, nay thì cơ hội có, tiền bạc có, nhưng mấu chốt vẫn là vấn đề con người.

– Hiện nay, nhiều hãng phim tư nhân, nhiều đạo diễn tuyên bố mô hình phim truyền hình Hàn Quốc là hướng đi cho phim truyền hình Việt Nam. Anh nghĩ sao?

– Đó là mô hình hay nên khuyến khích vì đạt nhiều lợi ích khi qua nghệ thuật nhằm phát triển kinh tế. Tại sao chúng ta lại không làm? Kinh tế hỗ trợ làm phim về đầu tư nhân lực, thiết bị, phim ảnh sẽ quảng bá thương hiệu, sản phẩm hàng hóa. Nhưng chúng ta cũng phải nhớ là bối cảnh xã hội Việt Nam khác Hàn Quốc. Công chúng vẫn quan niệm truyền hình như tờ báo hình, nên việc đề cập tới sự đổi mới đất nước, con người, sự hy sinh của thế hệ đi trước… nói nhiều nhưng không bao giờ là đủ. Song sẽ một lúc nào đó chúng ta phải có sự bứt phá mạnh mẽ, chứ nếu vẫn chấp nhận có thế nào làm thế ấy như hiện nay thì sẽ làm thui chột ước mơ sáng tạo của nghệ sĩ, không dám làm gì lớn lao, đột phá.

– Anh đang ấp ủ đề tài gì cho phim của mình?

– Tôi chú ý tới thế hệ 8X – thế hệ đầy hấp dẫn. Một số người cho rằng thế hệ ấy quen hưởng thụ, ít bỏ công sức, tôi nghĩ điều đó đúng nhưng chưa đủ. Khi đất nước phát triển, họ đáng được hưởng thụ hơn, chứ không có lý do gì bắt họ mãi chịu khổ. Họ tiếp cận nền giáo dục tiên tiến, khoa học công nghệ, hội nhập với thế giới rất nhanh, nhưng chính điều đó có thể khiến họ chơi vơi. Họ không thiếu niềm mơ ước, khát vọng lớn có nhiều, nhưng dường như thích đốt cháy giai đoạn. Thế hệ chúng tôi chịu ảnh hưởng của dư âm chiến tranh, thời kỳ gian khổ của đất nước nên dễ gần gũi với thế hệ đi trước hơn so với họ. Thế hệ 8X không hoàn toàn có lỗi, vì đó là hệ quả tất yếu, nhưng đồng thời cũng phải gánh áp lực rất lớn, vì mọi người đã gắn cho họ cái nhìn định kiến lãng quên thời xưa và ăn chơi đua đòi.

Ảnh: Đạo diễn Đỗ Thanh Hải.

Đặng Thịnh Phúc thực hiện

Nguồn: http://vnexpress.net/Vietnam/Van-hoa/2005/05/3B9DE95D/


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply