Dự án phim “Thái tổ Lý Công Uẩn”

"Nếu cứ chờ các nhà sử học thì muôn đời không có phim !"

PGS-TS Nguyễn Hải Kế (ảnh) – Chủ nhiệm khoa Lịch sử, trường ĐH Khoa học xã hội -Nhân văn Hà Nội, nguyên ủy viên Hội đồng tư vấn, Ban Chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long đã trao đổi với phóng viên Thanh Niên.

* Trong điều kiện thiếu sử liệu thì ta có nên làm phim lịch sử không, thưa ông?

 – Sử liệu ít, tìm tư liệu ở những mảnh gốm vỡ, ở điêu khắc, trang trí thì qua lăng kính nghệ thuật cũng đã khác rồi. Mà trong tài liệu thành văn thì đọc cách miêu tả trang phục cũng không thể nào tưởng tượng được thế nào là "áo tía"! Vì vậy, một mặt đòi hỏi chúng ta phải có cách nhìn khác với điện ảnh Trung Quốc, không thể mang mô hình Trung Quốc áp vào mô hình Việt Nam; mặt khác, chỉ cần phản ánh đúng "không khí tinh thần xã hội" là được. Theo tôi, các nhà sử học cũng nên nhường chỗ cho nghệ thuật. Vì nghệ thuật là lĩnh vực khác hẳn khoa học. Nếu cứ bắt nghệ thuật chờ các nhà sử học thì muôn đời không có phim. Trong khi, bản thân cuộc sống vận động không ngừng. Bây giờ biết lụa của thời Lý – Trần làm từ cái gì ? Bây giờ có thể tìm được di tích thời Lý, nhưng trải qua hàng mấy trăm năm đã biến đổi rồi. Bắt bẻ từng chi tiết là siêu hình. Theo tôi, nếu cứ tiếp tục tranh luận giữa sử học và nghệ thuật thì sẽ bất tận, vô cùng!

* Xây dựng hình tượng Lý Công Uẩn phải như thế nào, theo ông?

– Lý Công Uẩn từng được gọi là "Xung thiên thần vương". Cách gọi Hà Nội là "Thăng Long" (rồng bay lên) cũng chứng tỏ khí thế "xung thiên", dũng cảm vượt lên đó. Bên cạnh đó, tinh thần của Lý Công Uẩn là tinh thần Phật giáo. Mặt khác, khi dời đô về Thăng Long, ông ấy đang ở tuổi tráng niên, nhưng đã chứng tỏ tinh thần lo cho con cháu muôn đời. Đấy là tinh thần không bịa ra được, chứ hình thù Lý Công Uẩn thế nào thì nào ai biết!

* Nhưng các ông vua đầu đời Trần cũng có khát vọng vươn lên như vậy?

– Đúng vậy, tinh thần của cả thời kỳ Lý – Trần là "hoành sóc" (đoạt sóc), là "hào khí Đông A".

* Thế còn cái gọi là "văn hóa ngựa xe" thì sao?

– Thời Lý đã có ngựa xe nhưng sử dụng trong kinh thành rất ít, chủ yếu đi bằng thuyền. Điều này lịch sử đã nói rõ. Điện Càn Nguyên cũng không thể có ba tầng, mà chỉ là 1 tầng cao vọng mênh mông. "Càn" là trời; "Nguyên" là mở đầu, là không thể chia được. Nếu nói dựng điện Càn Nguyên 3 tầng là vô lý, không hiểu gì!

"Sẽ công bố tên tổng đạo diễn vào thời điểm thích hợp"

Đến trưa 12.1, tức là sau gần nửa tháng phóng viên Thanh Niên gửi e-mail câu hỏi phỏng vấn theo yêu cầu của ông Lê Đức Tiến (ảnh), Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam, ông Tiến mới gửi văn bản trả lời.

* GS Lê Văn Lan (được Hãng phim truyện VN mời tham gia biên tập kịch bản – PV) tỏ ra "kinh hoàng" vì những người phác thảo bối cảnh, phục trang, đạo cụ của phim không có một chút hiểu biết gì về lịch sử văn hóa Việt Nam, chẳng hạn điện Càn Nguyên không thể có 3 tầng, còn văn hóa Việt Nam thời Lý không thể là "văn hóa ngựa xe"… Vậy ý kiến của ông thế nào?

 – Tôi ngạc nhiên về ý kiến đó. Tôi không nghĩ GS Lê Văn Lan nói như vậy. Hàng mấy nghìn năm trước cha ông ta đã sử dụng voi, ngựa, cũng như nhiều gia súc khác trong sinh hoạt, sản xuất, chiến đấu… Xe ngựa kéo có ở phương Tây thời Hy Lạp cổ đại mấy nghìn năm trước. Ở Trung Quốc, từ đời Ân, Thương, Chu (thế kỷ 7 – 8 TCN) đã có xe ngựa kéo, bánh xe bịt bằng đồng. Trong các di tích Chàm (từ thế kỷ 7 – 11) ở Đồng Dương, Mỹ Sơn cũng thấy những chạm khắc bánh xe. Chính sử Việt Nam còn chép về những đoàn chiến thuyền của quân đội vượt sông, biển đi chinh chiến khắp nơi. Lẽ nào cha ông ta không biết đóng những chiếc xe ngựa kéo đơn giản!  

Còn bức phác thảo Điện Càn Nguyên, các họa sĩ đã căn cứ vào bản sơ đồ Điện Càn Nguyên do chính GS Lê Văn Lan cung cấp, chắc do thể hiện phối cảnh chưa đạt nên nhìn ra thành 3 tầng. Các họa sĩ của hãng đang chỉnh lý lại. Nếu trong mấy trăm bức phác thảo đạo cụ, phục trang, bối cảnh… trình bày vừa qua, GS Lê Văn Lan đã tinh ý phát hiện ra "bức phác thảo Điện Càn Nguyên có 3 tầng" thì đúng là một sơ suất đáng trách của các họa sĩ.

Theo ý kiến các nhà chuyên môn, những phác thảo về phục trang do tiến sĩ – họa sĩ Đoàn Thị Tình và nhóm họa sĩ trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh chuẩn bị rất có chất lượng; kể cả những mẫu vải vóc mà nhóm này sưu tập và trình bày rất ấn tượng. Các mẫu phác thảo về thuyền, về binh khí, cờ hiệu, về gốm, sứ và đồ dùng trong triều đình do các họa sĩ Phan Cẩm Thượng, Vũ Huy, Dân Nam chuẩn bị cũng rất phong phú. Các mẫu phác thảo về bối cảnh do các họa sĩ Phạm Quốc Trung, Nguyễn Nguyên Vũ chuẩn bị, dưới sự chỉ đạo của NSND Phạm Quang Vĩnh thì một số còn cần bổ sung, chỉnh lý thêm. Đây mới chỉ là các phác thảo đang vẽ, không phải là phác thảo hoàn chỉnh để trình duyệt. Và từ phác thảo đến các bản vẽ thi công và triển khai thi công còn phải qua nhiều công đoạn, cần rất nhiều trí lực và thời gian nữa.

* Hãng có chỉnh sửa hoặc làm lại khâu phục dựng bối cảnh, trang phục, đạo cụ không? Và nếu làm lại thì bao giờ sẽ hoàn tất và liệu có đảm bảo tiến độ khi mà chỉ còn 2 năm nữa, Thái tổ Lý Công Uẩn đã phải ra mắt?

 – Hãng phim truyện Việt Nam đang xúc tiến việc hoàn thiện vẽ phác thảo các bối cảnh, phục trang, đạo cụ, thuyền bè, vũ khí, song song với việc triển khai nhiều công tác chuẩn bị khác để bộ phim có thể được bấm máy đúng tiến độ. Những vấn đề cơ bản của bộ phim là: quy mô, phương án nhân sự thế nào, kế hoạch sản xuất, tiến độ cấp phát kinh phí… ra sao? Những vấn đề này đang đạt được sự nhất trí cao giữa TP Hà Nội, Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch, Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch Hà Nội, Ban Chỉ đạo làm phim kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long và toàn thể cán bộ – nghệ sĩ hãng phim của chúng tôi.

* Điều dư luận lo ngại là điều kiện thời gian quá gấp gáp, thế nhưng các nhà khoa học, nghệ sĩ và nhà sản xuất vẫn đang bất đồng về cái gọi là "tính chân thực lịch sử", trong khi sử liệu về triều Lý, về trang phục, bối cảnh… lại quá ít ỏi ?

 – Tôi không thể đồng ý với ý kiến "các nhà khoa học, nghệ sĩ và nhà sản xuất vẫn đang bất đồng". "Nhà khoa học" là ai vậy? "Nghệ sĩ" nào?  Ai "bất đồng" với nhà sản xuất, và về vấn đề gì ? Chúng tôi chưa có điều kiện để tổ chức một hội thảo về công tác triển khai phim, trong đó sẽ mời một số nhà nghiên cứu, các chuyên gia có uy tín toàn quốc trong nhiều lĩnh vực: văn hóa, lịch sử, kiến trúc, điêu khắc, âm nhạc, văn học dân gian… tham dự nhằm góp ý về công tác này một cách toàn diện, trong đó có công tác thiết kế và xây dựng bối cảnh và nhiều công tác chuyên môn khác.

Hiện nay, đoàn làm phim vẫn chưa được thành lập vì kịch bản phân cảnh và tổng dự toán còn đang hoàn tất. Còn các thành viên trong Ban chuẩn bị dự án phim Thái tổ Lý Công Uẩn vẫn đang tích cực hoàn thành các công việc cụ thể được phân công và đều hào hứng triển khai dưới sự lãnh đạo, điều hành của Ban giám đốc hãng.

* Hãng có thể lùi lại thời điểm hoàn thành để đảm bảo chất lượng phim hay sẽ thực hiện đúng tiến độ bằng mọi giá?

 – Hãng phim truyện VN chủ trương hoàn thành phim với chất lượng tốt nhất. Nếu phía Hà Nội đảm bảo được kinh phí thực hiện, và nếu chúng ta khởi quay bộ phim đúng tiến độ thì Thái tổ Lý Công Uẩn sẽ kịp ra mắt khán giả cả nước đúng đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.

* Ai sẽ là tổng đạo diễn phim Thái tổ Lý Công Uẩn, và vì sao hãng chưa công bố thông tin, thưa ông?

 – Hãng sẽ có quyết định thành lập đoàn làm phim và công bố vào thời điểm thích hợp. Hãng cũng đã dự kiến đạo diễn chính của phim. Ban chuẩn bị "Dự án phim Thái tổ Lý Công Uẩn" đang họp bàn các công tác chuẩn bị, trong đó có việc phân công đạo diễn và các thành phần chính của đoàn làm phim.

Y.N


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply