Đường tới hỏa ngục

Bài viết KHÔNG hoàn toàn kết lộ kết cục của bộ phim

Có 5 lí do chính tôi xem Road to perdition ngay khi nó mới ra ngoài rạp. Thứ nhất, phim được báo chí ca ngợi rầm rộ kiểu “One of the best films of 2002”. Thứ 2, tôi mê phim quang cảnh u ám, bí ẩn, dark. Thứ 3, phim dàn dựng bởi đạo diễn Sam Mendes, người cho ra đời bộ phim tôi yêu thích – American Beauty. Thứ 4, phim có dàn diễn viên chuyên nghiệp Tom Hanks, Paul Newman, Jude Law… Thứ 5, ngắm Jude Law trên màn ảnh rộng

Kết quả: mặc dù hình ảnh đẹp, diễn viên tốt, nhạc hay, nội dung bộ phim có cái gì đó yếu kém, nếu không muốn nói là hơi ngớ ngẩn, không được hay như tôi trông đợi ( có lẽ expectation của tôi quá cao chăng ? )

Mở đầu bộ phim là hình ảnh cậu bé Michael Sullivan Jr ( Tyler Hoechlin ) đứng trên bãi biển, sóng vỗ rì rầm, giọng cậu trầm trầm kể về cuộc chạy trốn cùng cha ( Tom Hanks ) trong suốt 6 tháng trời. Michael Sullivan là một người đàn ông gia đình, bề ngoài nghiêm nghị, lạnh lùng nhưng rất yêu vợ con. Michael làm việc hết mình cho John Rooney ( Paul Newman ) và luôn coi John là ân nhân của mình vì ông đã cưu mang Michael khi gặp khó khăn. Peter và Michael – 2 đứa con của Michael thì quấn quít John như ông cháu vậy. Nhưng rồi tai họa ập xuống khi Michael trong 1 lần tò mò đã chứng kiến bố mình xả súng, thanh toán người băng đảng khác và bí mật Michael là 1 tên giết người chuyên nghiệp đã bị phanh phui. Đồng bọn của Michael mặc dù đã bắt cậu bé con phải im miệng nhưng thâm tâm vẫn lo sợ nên cuối cùng Connor – con của John – quyết định đã diệt phải diệt tận gốc. Thời cơ đến khi trong 1 lần Michael đi vắng, như 1 tên thú khát máu, hắn tự tiện xả súng vào vợ và đứa con nhỏ của Michael vui đùa trong phòng tắm. Đối với John, đây là cú sốc tinh thần cực độ, ông điên tiết đánh chửi Connor nhưng đau đớn nhận ra mình ở thế tiến thoái lưỡng nan: con ruột đã lỡ giết người nhà của đứa con nuôi rồi, bây giờ có không giết nó thì nó có tha thứ cho mình không? Nó có thể trả thù lắm chứ? Mà giết thì lại không nỡ. Xem mới thấy người bị dằn vặt khổ sở nhất là John chứ không phải ai khác. Cuối cùng ông đành tặc lưỡi chấp thuận cho Connor thuê một tên giết mướn để thủ tiêu Michael cùng đứa con lớn. Harlen Maguire ( Jude Law ), 1 tên giết người chuyên nghiệp có niềm đam mê bệnh hoạn cháy bỏng: chụp hình người chết! Đôi mắt hắn rạo rực những tia đê mê khi nhìn ngắm 1 xác chết trước mặt. Đôi khi hắn giết 1 người sống thoi thóp chỉ để có 1 bức hình đẹp. Căn nhà hắn treo đầy hình người chết ở tư thế phong phú khác nhau. Ngay cả bộ dạng của hắn cũng thật đáng sợ: khuôn mặt trắng bệch, nhợt nhạt, môi thâm tím, đôi mắt lạnh lùng và hàm răng vàng khè khi cười thì kin kít như chuột ( hic, Jude đóng vai đểu đạt quá ). Nhưng chính từ khi cuộc truy đuổi của Harlen với Michael bắt đầu thì bộ phim bắt đầu lộ sự yếu kém trong kịch bản. Thứ nhất, chúng ta không được rõ Michael Sullivan hướng định đi đâu vì chiếc xe chỉ lao phăm phăm về phía trước, đến cuối phim thì dừng chân ở một căn nhà gần bãi biển ( cha này giàu dữ, có hẳn nhà dự trữ ? ). Thứ nhì, Michael cướp nhà băng thật dễ dàng như dạo chơi vậy, điều đặc biệt là không thấy cảnh sát hay tay chân những tên chủ mất tiền truy đuổi ông mà chỉ có duy nhất Harlen theo lùng ráo riết. Thứ ba, tên Harlen cũng thần tình theo đuổi được Michael đến cùng mặc dù mất dấu nhiều lần.



Trong bộ phim Michael con nói rằng: ” Mọi người hỏi tôi rằng Michael Sullivan có phải người đàn ông tốt. Tôi luôn đưa ra câu trả lời duy nhất: ông là cha tôi”. Đây chính là câu nói nhấn mạnh cho tagline của bộ phim : “Every father is a hero to his son” ( mọi người cha là anh hùng trong mắt đứa con ). Mặc dù bộ phim không xoay quanh đến tính chất anh hùng hay gian ác mà chỉ cho ta thấy tình cảnh đẩy con người đến hành động đẫm máu, tôi đôi lúc không có cảm tình mấy với nhân vật Michael. Có thể hiểu được ông đau khổ khi vợ và con mới chết nhưng không vì thế mà ông có thể giết 1 kẻ đưa thư của Connor 1 cách vô cớ đến vậy. Oán nợ chồng chất, khi đối mặt nhau trong tầng hầm tồi tàn, John đã bật kêu: ” Căn phòng này chỉ có kẻ giết người mà thôi. Mở mắt ra đi, Michael. Đây là cuộc sống chúng ta đã chọn lựa. Và có 1 điều chắc chắn: không ai trong chúng ta sẽ lên thiên đường.” ( k0 biết thiên đường có tồn tại hay không nữa ? ). Vũng bùn nhơ không thể nào rửa sạch được, Michael chỉ có niềm hi vọng duy nhất vào đứa con trai. “Cha không gần gũi với con có lẽ vì con quá giống cha” – Michael không muốn đứa con lại sa vào vòng luẩn quẩn của tội ác, có lẽ mình ông đã chứng kiến đủ cay đắng và đau khổ của công việc ngoài vòng pháp luật.

“Road to perdition” gợi nhớ đến thời kì hoàng kim của phim noir những năm 40. Mặc dù không được quay ở phông màu đen trắng nhưng ánh sáng luôn được sử dụng rất ít và gam màu xám ảm đạm luôn bao trùm cả bộ phim, khiến người xem luôn có cảm giác nặng nề. Đặc biệt, máy quay luôn cho nhân vật Michael Sullivan ở góc khuất, bóng cửa thanh sắt phản lên ông gây 2 ấn tượng mạnh: nhân vật Michael luẩn quất tội ác và một tương lai mờ mịt đang chờ đón ông.

Tom Hanks đã gột bỏ vẻ tốt bụng, ngờ nghệch trong các vai thường thấy của anh trước đây mà thay vào đó là một người đàn ông lạnh lùng, đôi lúc khiến người ta ghê sợ nhưng vẫn có trái tim biết yêu thương. Paul Newman rất đạt với vai ông trùm băng đảng xã hội đen ra lệnh giết người không chút run sợ lại rất có tình đối với đứa con nuôi, sự chiến đấu giữa lí trí và tình cảm thật khó khăn. Bản chất xấu xa, bệnh hoạn, khát máu của Harlen Maguire đã được Jude Law tài tình lột tả hết trong khi diễn viên nhí Tyler Hoechlin đối lập với khuôn mặt trong sáng đảm đương khá tốt vai diễn của mình.



Nếu nhìn trên phương diện nội dung bộ phim thì không có gì quá xuất sắc, một số lỗ hổng khó có thể bù lấp được. Nhưng nếu xét một cách tổng thể các yếu tố khác của một bộ phim như máy quay, trang phục, diễn viên, âm nhạc thì đều đạt chất lượng đỉnh cao. Dù sao với tình trạng eo hẹp các bộ phim xã hội đen trong thời gian gần đây thì Road to perdition đáng được hoan nghênh như một sản phẩm khác lạ và liều lĩnh của Sam Mendes.

Điểm 7/10


Posted

in

by

Comments

2 responses to “Đường tới hỏa ngục”

  1. rubycup Avatar
    rubycup

    phản bác tiếp bài ở trên nè, thứ 6, mục đích của messenger khi đến gặp Micheal là để đưa tiền của John Rooney và khuyên rằng anh nên bỏ đi, chứ đừng nhớ tới chuyện đó nữa, Micheal phải giết messenger vì muốn cho John Rooney biết rằng mình sẽ k bao giờ bỏ qua nỗi hận thù này. Thứ 7, Connor Rooney giết cả gia đình Micheal là vì hắn ghen tị với tình yêu thương mà cha hắn dành cho Micheal, chứ k chỉ đơn thuần là vì Micheal con đã nhìn thấy sự việc xảy ra ở nhà kho. Bạn draculina viết bài ở trên mà bị lỗ hổng nhiều quá, chứng tỏ bạn coi phim k kĩ, yêu cầu admin của MB đưa bài bạn xuống, vì có thể làm nhiều người chưa xem phim hiểu nhầm bộ phim.

  2. tomhanks Avatar
    tomhanks

    Hic! Thực tình cái review này cũng xưa lắm rùi nhưng tui không thể không phản bác lại vì cái lời nhẫn xét chối không nhai được của cha này! Thứ nhất mục đích 2 cha con Mikesullivan đó là đến nhà bà bàc của Michael, thứ 2 là tất cả những ngân hàng mà Mike cướp là của nhà Rooney, vì thế sẽ chỉ có nhà Rooney truy đuổi theo lệnh John mà thôi! Thứ 3 là ngôi nhà trên biển chính là nhà bác của Michael! Thứ tư là tên thợ ảnh bệnh hoạn biết điểm đến của 2 cha con vì hắn đã nghe được cuộc điện thoại của bà bác với cha con Michael, và thứ năm ở vụ đụng độ khi Mike đến giết tên chủ tài khoản, hắn cũng biết là chắc chắn vì lúc đó tiền trong nghân hàng đã được chuyển hết tới chỗ tên chủ tài khoản theo lời mấy tay giám đốc ngân hàng. Mục đích là để dụ Michael đến đó và tên thợ ảnh có nhiệm vụ là kill!

    Film không hề vô lý chút nào mà rất hợp lý! draculina đọc kỹ, xem lại rồi mới nhận xét nghen!

Leave a Reply