Gặp đạo diễn Đặng Nhật Minh sau chuyến trở về từ Mỹ

Trong cuộc bình chọn top 10 bộ phim hay nhất thế giới trên trang web Senses of cinema, nhà phê bình điện ảnh Rudiger Tomczak đã bình chọn “Thương nhớ đồng quê” – đạo diễn Đặng Nhật Minh – đứng cùng những tên tuổi lớn như John Ford, Alfred Hitchcock, Jean Renoir…

Cảm giác của ông thế nào khi sang Mỹ vào 15/10-15/11 để giới thiệu 3 bộ phim”Bao giờ cho đến tháng 10″, “Mùa ổi”, và “Thương nhớ đồng quê”, dù chỉ trong phạm vi các trường đại học?

Trừ phim Mùa ổi là phim mới được giới thiệu lần đầu, còn Bao giờ cho đến tháng 10 đã được chiếu ở Mỹ cách đây gần 20 năm, và đưa vào giáo trình tiếng Việt ở một số đại học ở Mỹ. Thương nhớ đồng quê cũng được giới thiệu ở hệ thống trường đại học.

Các lần trước, tôi sang Mỹ chỉ trong thời gian ngắn, riêng lần này dài ngày hơn và giới thiệu phim có hệ thống. Trong suốt một tháng, tôi di chuyển liên tục đến 11 trường đại học trên khắp nước Mỹ là Irvine, Berkeley, Yale, Maryland, Washington, Seattle, UCLC, Columbia, Hamilton và Massachusetts. Có trường chiếu cả ba phim, có trường chiếu một hoặc hai phim hoặc trích đoạn các phim, sau đó trao đổi với sinh viên về những suy nghĩ của mình khi làm các phim đó, trả lời câu hỏi về văn hóa, về con người, về lịch sử, xã hội VN trong quá khứ và hôm nay.

Vậy với ông, điện ảnh là phương tiện tìm hiểu và trao đổi về văn hóa, xã hội hay chỉ là cuộc ra mắt có tính chất giới thiệu phim của đạo diễn?

Đây là việc mà các trường đại học ở Mỹ thường hay làm. Trước đây họ cũng đã mời nhiều đạo diễn của các nước sang trao đổi và giao lưu với sinh viên. Các trường của Mỹ coi điện ảnh như một phương tiện để sinh viên của họ có thể tìm hiểu thêm về văn hóa, đời sống xã hội của các nước, đặc biệt đối với sinh viên khoa xã hội nhân văn.

Trong những ngày tôi ở đây, Mỹ đang ở giai đoạn bầu cử tổng thống nên hai chữ VN được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Các sinh viên có dịp liên hệ cuộc chiến tranh Iraq với cuộc chiến VN trước đây. Tôi đã gặp khá nhiều sinh viên có sự hiểu biết sâu sắc về VN. Ở một số khoa châu Á hay VN học, chủ đề chiến tranh VN được nghiên cứu rất kỹ, thậm chí ở một số trường còn trở thành môn học riêng.

Sinh viên Mỹ gốc Việt, những người Việt thế hệ thứ hai… hiểu biết về thông điệp trong các bộ phim của ông như thế nào?

Trong các sinh viên tôi tiếp xúc, có nhiều em theo gia đình sang Mỹ từ khi còn nhỏ tuổi và đang là sinh viên năm cuối… đa số các em đều nói được tiếng Việt, hiểu biết về văn hóa VN, có mối liên hệ tinh thần với quê hương gốc của mình nên đón nhận những bộ phim của tôi một cách dễ dàng, không có gì trở ngại.

Ông nhận xét gì về sinh viên Mỹ?

Các trường đại học ở Mỹ là những thành phố đại học với khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, yên tĩnh đầy đủ tiện nghi. Sống trong môi trường đó, con người chỉ biết có học. Hỏi chuyện một số sinh viên của ta từ trong nước sang học, các em cho biết sinh viên Mỹ rất độc lập trong suy nghĩ, biết tôn trọng ý kiến của người khác và thích làm những công việc từ thiện hoặc công ích. Dân chủ trong đời sống đại học là một nét đặc trưng. Nhiều phong trào phản đối chiến tranh VN trước đây và nay là chiến tranh Iraq đều xuất phát từ các trường đại học, cũng là kết quả của tinh thần dân chủ đó.

Người ta nói các trường đại học Mỹ là lương tri của giới trí thức Mỹ không phải là không có lý. Một số bộ phim của tôi các sinh viên đã xem trước đây rồi, thậm chí có những sinh viên VN ở Mỹ xem Bao giờ cho đến tháng 10 đến 7-8 lần. Nói chung, những phim tôi mang sang giới thiệu lần này các sinh viên đều hiểu và thậm chí hiểu một cách rất sâu sắc. Nhiều giáo sư nói với tôi rằng họ rất muốn giới thiệu những bộ phim VN cho sinh viên nhưng không biết kiếm ở đâu. Họ rất muốn có một tuyển tập DVD các phim hay và tiêu biểu của điện ảnh VN. Tôi mong các nhà quản lý điện ảnh của ta quan tâm đến chuyện làm DVD này vì chen chân vào hệ thống các rạp chiếu phim ở Mỹ đối với VN là rất khó.

Hiện chỉ có vài bộ phim của VN có đĩa DVD như Đất phương Nam, Thương nhớ đồng quê, Gánh xiếc rong, và sắp có Bao giờ cho đến tháng 10, nhưng lại do một người nước ngoài (ông Jerry Herman – chủ rạp phim kinh điển Hà Nội Cinémathèque) vì yêu thích và tâm huyết với điện ảnh VN tự bỏ tiền ra làm mà thôi.

Những suy nghĩ nào của khán giả Mỹ khiến ông giật mình, thậm chí nằm ngoài suy nghĩ của ông?

Ấn tượng và làm tôi xúc động nhất trong chuyến đi này là buổi gặp gỡ với nhà văn cựu chiến binh Mỹ Wayner Karlin, người rất tâm huyết với văn hóa VN và là đồng tác giả của rất nhiều tác phẩm văn học VN chuyển ngữ ra tiếng Anh để giới thiệu tại Mỹ.

Trong buổi giới thiệu phim Bao giờ cho đến tháng 10 và giao lưu với sinh viên Đại học Maryland, ông nhắc đến một chi tiết trong phim làm tôi giật mình vì dù phim chiếu suốt 20 năm nay mà chưa ai nhận ra. Đó là đoạn phim kể cậu bé Tuấn đi bộ lên huyện đánh điện cho bố về thì gặp xe của anh bộ đội cùng đơn vị với bố cậu bé. Khi anh bộ đội biết sự thật câu chuyện và nói thật với đứa bé rằng bố của cậu đã chết, Tuấn có vẻ không tin. Anh bộ đội trả lời: “Chú là bộ đội. Chú chỉ biết nói sự thật”. Cậu bé Tuấn bất ngờ hỏi lại: “Thế tại sao chú còn sống?”.

Wayne Karlin đã xem bộ phim này rất nhiều lần, ông kể lần nào xem đến đoạn đó ông cũng nổi gai hết người vì nó ám ảnh ông khủng khiếp. Wayne nói vì ông là người trong cuộc nên mới có cảm giác đó. Nó thôi thúc ông phải có trách nhiệm với những đồng đội đã chết bằng cách nói lên sự thật về cuộc chiến ở VN.

Nhiều năm qua, Wayne Karlin đã thực hiện điều này với tư cách là một cựu chiến binh chống chiến tranh của Mỹ ở VN và với tư cách là một nhà văn hóa trên góc độ văn hóa với những tình cảm nồng ấm dành cho ông.

Theo Sinh Viên


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply