Giải Cánh diều vàng 2006: Một tiền lệ tốt đã mở ra

TT – Cánh diều vàng 2006 đã khép lại với nhiều khen chê. Không giải thưởng nào có thể làm vừa lòng tất cả mọi người, bao giờ và ở đâu cũng thế, Cánh diều vàng lại càng thế.

Nhưng có một điểm hoàn toàn mới mà ban giám khảo Cánh diều vàng năm nay đã mang đến cho những người làm phim và khán giả VN: trao giải mà không tính đến “quốc tịch” phim.

Thời bao cấp, tất cả các phim mang tính “hợp tác” đều được ngầm hiểu là loại phim nặng tính giao lưu, đồng nghĩa với việc ít tính nghệ thuật và không thể bán vé. Đến khi có các nhà làm phim nước ngoài vào VN làm những bộ phim thật sự, vai trò của các nhà sản xuất phim VN chỉ là cung cấp dịch vụ. Các nghệ sĩ xuất hiện cũng chỉ với những vai phụ, những hình ảnh tạo cảm giác “hương xa, xứ lạ” cho khán giả phương Tây trong những Người tình, Đông Dương, Người Mỹ trầm lặng…

“Quốc tịch” phim khi ấy đương nhiên không có chút gì dính líu đến VN và khán giả cũng không hề có mảy may ý nghĩ mình đang xem phim Việt.

Tại LHP VN năm 2004, khi được hỏi tại sao không có một giải cho Mùa len trâu trong khi hầu hết các phim dự liên hoan đều cách nó một khoảng khá xa về chất lượng nghệ thuật, âm thanh, hình ảnh…, một thành viên ban giám khảo đã “rất áy náy” phát biểu: “Đúng ra Mùa len trâu phải đoạt Bông sen vàng, nhưng như thế thì không công bằng với các nghệ sĩ VN, một đằng là kinh phí hàng triệu USD, hậu kỳ làm ở Mỹ, ở châu Âu, một đằng làm trong những điều kiện kỹ thuật lạc hậu của những năm 1960, với số tiền khi ra hiện trường chỉ còn khoảng 40.000 USD. Không ai đem xe bọc thép ra đọ với xe trâu cả”.

Và thế là một “luật bất thành văn” ra đời: phim “có yếu tố ngoại” đừng bao giờ mơ đến giải thưởng trong nước!

Và như thế các bông sen, cánh diều cứ càng ngày càng vắng người tham gia, vì xu hướng hợp tác đã trở thành tất yếu trong một thế giới ngày càng mở. Hợp tác để giảm bớt gánh nặng vốn đầu tư, để chia sẻ rủi ro, để tận dụng thế mạnh của các bên, để nhân rộng thị trường, để các nhà làm phim trong nước có cơ hội học hỏi…

Các hãng phim tư nhân trong nước hợp tác với nhau, và với các hãng phim nước ngoài, nhất là khi Nhà nước đã tuyên bố xóa bỏ bao cấp trong điện ảnh. Nếu phải chọn giữa việc hợp tác với các đối tác giàu tiềm lực và kinh nghiệm nước ngoài để sản xuất được những bộ phim kéo khán giả đến đầy ắp rạp và những phim có giá trị nghệ thuật (như Hà Nội, Hà Nội Áo lụa Hà Đông), với việc giữ trọn vẹn quốc tịch Việt để dự tranh những bông sen, cánh diều, câu trả lời không cần nói ra thì ai cũng đã rõ.

Cho nên, dù muộn, vẫn thật đáng mừng khi hai bộ phim nhiều “yếu tố ngoại” cùng đoạt giải Cánh diều vàng năm nay. Nó mở ra một tiền lệ cho những phim tương tự tham gia các giải thưởng, các liên hoan phim VN trong tương lai.

VIỆT HOÀI

 http://www.tuoitre.com.vn/tianyon/Index.aspx?ArticleID=199938&ChannelID=57

 


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply