Hà Nội trong nuối tiếc

TT – Bộ phim Hà Nội, Hà Nội – một sản phẩm của hợp tác Việt Nam – Trung Quốc (Hãng phim Hội Nhà văn VN, Hãng phim Dân tộc Vân Nam, với kịch bản, đạo diễn cũng nửa Việt nửa Trung) công chiếu tại TP.HCM từ 7-12 ở cụm rạp Fafilm Cinema, Diamond, Megastar.

Bộ phim bắt đầu với cuộc hành trình qua quan ải của Tô  Tô (Can Đình Đình đóng) từ Vân Nam sang Việt Nam để đi tìm chứng tích từ mối tình ngày xưa của bà Sử (bà của Tô Tô) với ông Sơn người Việt. Bộ phim cũng là hành trình để vượt qua mớ bòng bong hiểu lầm do bất đồng ngôn ngữ giữa Tô Tô với người Việt, đặc biệt với Dân (Minh Tiệp đóng), để rồi sau đó hóa thành tình yêu giữa đôi nam thanh nữ tú này.

Bộ phim kết thúc với việc hồi phục tiệm thuốc Trung y mang tên "Vô Hương Đường", chứng tích của hơn 40 năm về trước, nơi đây bà Sử hành nghề lương y tại Hà Nội và quen biết với ông Sơn (sau đó vì chiến tranh bà Sử trở về Trung Quốc).

Bộ phim có chủ đề nghiêm túc, nhưng phần lớn thời lượng lại khắc họa rất nhiều vào những tình huống hài. Hài do hiểu lầm được lặp đi lặp lại ở mức "lạm phát". Ban đầu sự hiểu lầm gây nên tiếng cười còn có duyên bất ngờ, về sau thì nhạt duyên.

Khán giả, trong buổi chiếu ra mắt báo giới chiều 6-12 tại Fafilm, đã được nhiều phen bật cười còn vì một số lý do khác như khi xem cảnh nàng Tô Tô trong một đêm âm u, bơ vơ, ai đó ngồi trong khán phòng bảo sắp mưa thì y như rằng sau đó trên phim trời đổ mưa. Khi Tô Tô và Dân lạc nhau, nàng đang thất thểu đi bộ đến một khúc quanh, ai đó ngồi xem bảo họ sắp gặp nhau đấy, y như rằng Dân xuất hiện. Hoặc cảnh bà Sử và ông Sơn thời trẻ, người đứng mép này kẻ đứng gần mép kia của khung hình, chỉ cách nhau vài bước, để biểu diễn sự chia ly – khán giả cười. Mà không cười sao được, diễn như thế xem ra hợp với sân khấu, hợp với sự đóng kịch.

Phim được dẫn dắt bởi lời thoại. Nhưng xem ra tác giả Cao Húc Phàm, người Trung Quốc, quen với cấu trúc viết kịch bản phim truyền hình, chưa hề viết kịch bản phim điện ảnh trước khi bắt tay vào phim nhựa Hà Nội, Hà Nội nên tâm lý nhân vật mang tính chất "giao lưu" hơn là chiều sâu.

Chuỗi hình ảnh được dụng công nhiều nhất, có thể nói chất điện ảnh hiếm hoi trong phim rơi vào phần kết. Bà Sử, tuy ở bên Trung Quốc, nhưng vẫn hiện diện tại VN theo một cách riêng rất đặc biệt. Bà Sử quyết tâm khôi phục tiệm thuốc Trung y với những bài thuốc chữa bệnh cứu người. Thông qua điện thoại, bà bảo cô cháu gái Tô Tô lúc này có mặt tại Hà Nội yêu cầu cánh người Việt thực hiện theo từng động tác bốc thuốc, cân thuốc. Một câu nói điện thoại từ bên Trung Quốc, bên này mọi người làm theo, nhịp nhàng như múa, câu nói điện thoại kế tiếp, mọi người lại múa tiếp, cứ thế. Một bên chỉ dẫn từ xa, một bên thực hành. Màn vũ đạo hình ảnh như thế thuộc loại "đẹp mắt".

Nhưng như thế có được xem là đủ cho một bộ phim đã đoạt giải Bông sen vàng của Liên hoan phim VN (lần thứ 15)?!

Thông tin từ Trung tâm Chiếu phim quốc gia Hà Nội, dự kiến trung tâm sẽ tổ chức một tuần chiếu các phim đoạt giải tại Liên hoan phim VN lần thứ 15, vào dịp Noel và Tết dương lịch sắp tới. Vào dịp này, Hà Nội, Hà Nội sẽ tiếp tục ra mắt khán giả Hà thành dù trước đó phim cũng chiếu ra mắt vài buổi tại đây nhưng chỉ dành cho dân trong nghề.

Phim Hà Nội, Hà Nội được sản xuất vào tháng 11-2006, với kinh phí thực hiện khoảng 6 tỉ đồng VN, phía VN do Bùi Tuấn Dũng đạo diễn, phía Trung Quốc có đạo diễn Lý Vỹ và phó đạo diễn  Trương Tinh. Hà Nội, Hà Nội vừa bất ngờ đoạt giải Bông sen vàng dành cho thể loại phim truyện nhựa tại LHP VN lần 15 vừa tổ chức tại Nam Định. Phim cũng đã giành giải biên kịch xuất sắc tại liên hoan, điều đáng nói là ngoài biên kịch người Trung Quốc Cao Húc Phàm thì đồng biên kịch là ông Lê Ngọc Minh – phó ban tổ chức liên hoan phim, cục phó Cục Điện ảnh VN. Trước đó phim cũng đoạt giải Cánh diều vàng 2006. 

Đoạt nhiều giải nhưng Hà Nội, Hà Nội có để lại dấu ấn trong lòng khán giả VN như Bông sen bạc Mùa len trâu hay Áo lụa Hà Đông thì vẫn còn là dấu chấm lửng…  

 (H.Nam)

ANH THƯ

Theo Tuổi Trẻ 


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply