Hình thức trình bày kịch bản điện ảnh (phần I)

HÌNH THỨC TRÌNH BÀY KỊCH BẢN

Tình trạng hiện nay

Tình hình gần như phổ biến hiện nay ở đất nước chúng ta là các tác giả kịch bản điện ảnh thường chỉ chú ý tới cốt truyện, dù phần nào có nghĩ tới bộ phim trong tương lai, nhưng vẫn ít quan tâm tớiviệc thể hiện bộ phim ấy trên giấy. Vì thế nên có một số kịch bản chứa đựng nội dung hay nhưng lại không gây được ấn tượng mong muốn đối với người đọc.

Chuyện thường xảy như thế bởi vì nhiều người nghĩ rằng kịch bản điện ảnh là một thể loại văn học đặc biệt, có giá trị riêng so với các thể loại văn học khác, và nhiệm vụ của tác giả kịch bản là cung cấp một câu chuyện, còn câu chuyện đó được đưa lên màn ảnh như thế nào là công việc của đạo diễn.

Đúng ra, kịch bản điện ảnh được viết ra là để phục vụ cho việc làm phim, mà ngôn ngữ chính của phim là hình ảnh và âm thanh. Những gì không phải là hình ảnh và âm thanh thì không nên có trong kịch bản điện ảnh.

Nếu được như thế thì tránh được tình trạng các đạo diễn trước khi làm phim phải viết kịch bản lại từ đầu, lược bỏ rất nhiều ngôn từ thừa thãi không giúp ích gì cho việc kể chuyện bằng hình ảnh và âm thanh, vốn là ngôn ngữ đặc trưng của điện ảnh

SỰ CẦN THIẾT CỦA NHỮNG KỊCH BẢN ĐIỆN ẢNH CHUẨN MỰC

Tác giả là người nghĩ ra cốt truyện, vận dụng hết tâm hồn và trí tuệ để viết thành một kịch bản điện ảnh.

Người đọc có thể là người gần nhất của tác giả: bạn thân, người trong gia đình, hoặc một người cố vấn biết nghề, trước khi đưa đi “chào hàng“ở một hãng phim. Dù rất quan tâm đến tác giả và tác phẩm, người đọc cũng không thể nào cảm nhận y như tác giả, không thể có tâm trạng giống như tác giả lúc sáng tác.

Khi viết , tác giả xây dựng một cốt truyện đầy tâm huyết, tập trung ý tưởng và sự nhạy cảm đến từng chi tiết. Còn người đọc thì có thể lướt qua một mạch, không chú ý nhiều đến một đoạn đặc biệt nào đó mà tác giả cho rằng rất quan trọng. Cũng có thể người đọc lại bị thu hút bởi một chi tiết không quan trọng mà tác giả đã vô tình làm cho nổi lên.

Bởi thế, người viết kịch bản nên thận trọng, đặc biệt chú ý đến cách soạn thảo và trình bày tác phẩm sao cho người đọc dễ nắm bắt, có thể đồng cảm với mình.

Dĩ nhiên là một câu chuyện dở, dù có được trình bày thế nào đi chăng nữa, cũng vẫn chỉ là một câu chuyện dở. Nhưng chắc rằng một câu chuyện hay sẽ không được chú ý mấy, nếu cách trình bày quá đại khái.

Muốn đạt được hiệu quả, tác giả cần phải chú ý viết một cách rõ ràng và chính xác, giúp người đọc có được tâm trạng gần giống mình, hiểu được cốt truyện mình kể ra như mình nghĩ, tức là phải soạn thảo và trình bày kịch bản một cách chuẩn mực, sao cho người đọc dự đoán được xúc cảm và ấn tượng qua những hình ảnh cùng âm thanh trong bộ phim tương lai .


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply