Khi các diễn viên hai chiều tung hoành màn bạc

Khán giả Mỹ dễ chán. Cho nên Hollywood không đánh người Hồi giáo (Kingdom of Heaven) thì trốn người hành tinh (Wars of the World), không mang mặt nạ sắt huơ kiếm laser (Star Wars III) thì cởi áo dơi lên núi luyện võ (Batman Begins). Nhưng khán giả Mỹ vẫn dễ chán. Vì chưng Tom Cruise vẫn quá nhí nhảnh với cô bồ mới và bộ 6 tập chiến tranh các vì sao trải dài gần 3 thập kỉ cũng đã đến hồi kết thúc. Nên khán giả bắt đầu quay sang những minh tinh màn bạc có đời tư ít tai tiếng hơn mà phim thì cũng hấp dẫn không kém: nhân vật phim hoạt hình.

Khởi đầu là Sin City (Thành phố tội lỗi), khi Hollywood chỉ dám tô màu người thật một tí cho có không khí tranh truyện. Sin City dựa trên ba cuốn truyện tranh người lớn nổi tiếng Frank Miller, kể về cuộc sống của những tay giang hồ trong thành phố "tội lỗi", nơi bạo lực triền miên đẩy con người đến đường cùng. Một tay giang hồ (Mickey Rourke) lùng sục những ngõ ngách đen tối của Sin City để tìm cho ra kẻ giết người tình tóc vàng của y, một nhiếp ảnh gia (Clive Owen) vô tình giết chết một tay cớm biến chất phải tìm cách chạy thoát, một tay cảnh sát sắp về hưu (Bruce Willis) chịu tù vì một lỗi không hề của mình… Quay hoàn toàn bằng phim đen trắng và được xử lí thêm vào một số màu vàng, đỏ ở một số chi tiết (tóc, máu me…) ở một số phân đoạn, bộ phim được tút lại thành một chuỗi những hình ảnh siêu thực như truyện vẽ, các trường đoạn thì bị cắt khúc một cách rất ngẫu nhiên, với thoại rất sáo (để cho giống thể loại truyện tranh mình đang nhái) và những hình ảnh không dành cho con nít dưới 17 tuổi. Vậy mà khán giả Mỹ mê như điếu đổ. Ngay lúc chiếu rạp đã liên tục dẫn đầu về doanh thu và khi ra DVD thì vẫn tiếp tục bán đắt như tôm tươi. Chắc có lẽ khán giả chán nhìn các người hùng Hollywood dưới ánh sáng trần tục trong không gian 3 chiều rồi chăng.

Càng về cuối năm thì cơn sốt diễn viên ảo càng tăng, với một loạt 3 phim hoạt hình của Hollywood mà phim nào cũng không chỉ hốt bạc mà còn được báo giới ngợi khen hết lời. Corpse Bride (Cô dâu xác mục) ra mắt vào tháng 9, kể chuyện một anh chàng (giọng Johnny Depp) nhút nhát và sợ hôn nhân cuối cùng cũng tìm được tình yêu đích thực của mình. Câu chuyện thật buồn cười: Châu Âu thế kỉ 19, chàng ta lơn tơn cùng bạn đi cưới vợ ở làng bên, giữa đường thấy cành cây khô, rút nhẫn ra đeo vào, đọc đùa nguyên lời thề giao ước hôn nhân. Bùm!!! Một cái xác mục đội mồ sống dậy đòi… làm vợ anh chàng. Hoá ra cái cành cây khô ấy là…cánh tay của nường này. Cho chừa cái tội thề lộn xộn! Nhưng mọi chuyện còn phức tạp hơn thế nữa. Cô này là một hồn ma bị chết oan, và lại là người không dễ gì "bỏ chồng." Thế là anh chàng một phen Từ Thức gặp ma đi xuống tận địa ngục để vui vầy cùng nàng dâu/ma mới, bỏ cô vợ/người vò võ trông chồng. Nhưng tình yêu đích thực nằm ở đâu? Liệu chàng-hậu-đậu có trở lại được với nàng-chung-thuỷ ở dương gian không?

Wallace and Gromit: The Curse of the Were-Rabbit. (Đội đặc nhiệm chống thỏ) Wallace là một anh chàng, Gromit là một con chó, nhưng hai người làm thành một cặp ăn ý đến mức cả thành phố đều trông chờ vào công ty chống thú vật ăn hại Anti-Pesto của họ để đảm bảo cho cuộc thi Rau củ quả hàng năm được tiến hành như mong đợi. Nhưng trước ngày thi, một con quái vật… ăn chay xuất hiện và đe doạ sẽ phá tanh bành cả cuộc thi lẫn thành phố. Quý bà Tottington bèn đề nghị Wallace và Gromit ra tay giúp đỡ. Nhưng đồng thời, Victor Quartermaine, một kẻ theo đuổi quý bà Tottington, cũng quyết tâm tiêu diệt quái vật để trở thành người hùng của thành phố và của quý bà. Nhưng những chuyện Victor làm lại mang đến một tai hoạ còn khủng khiếp hơn cho cả thành phố và mọi người.

Chicken Little (Chuyện Xóm Gà) ra đời chỉ hai tháng sau đó, kể chuyện một anh chàng gà với trí tưởng tượng cao độ liên tục làm bầy đàn của chàng ta xém… cúm vì những trò dựng chuyện trời ơi đất hỡi của mình, ví dụ minh hoạ: trời sập! Nhưng sau thì, à hem, trời sập thiệt! Và anh ta phải tìm cách báo bí mật khủng khiếp này cho làng xóm biết, nhưng liệu có ai tin tưởng một kẻ nói dối thầy chạy như Chicken Little? Đây là lần đầu tiên Disney tách riêng với Pixar và làm riêng phim 3D cho mình kể từ sau một loạt những thất bại gần đây về mặt thương mại lẫn nghệ thuật. Nỗ lực này cũng đạt được một số sự ủng hộ nhất định khi mà các bậc cha mẹ vẫn còn tin tưởng vào thương hiệu Walt Disney và các bé thì vẫn cảm thấy thích thú với chuyện gà vịt nắm tay nhau nhảy nhót.

Nếu như Cô dâu xác mục và Đội đặc nhiệm chống thỏ đều là claymation, phim hoạt hình bằng đất sét và quay theo kiểu truyền thống, thì Chuyện xóm gà mạnh dạn bước sang lĩnh vực 3D, tất cả từ tạo hình, dựng cảnh đến quay phim đều thực hiện trên máy tính. Với hai phim đầu, những nhà làm phim hoạt hình đầu tiên vẽ phát thảo những nhân vật và cảnh trí, sau đó họ dùng đất sét nặn thành những nhân vật như mong muốn. Khi đã có tất cả những mô hình, họ bắt đầu dùng máy quay phim và kĩ thuật stop motion để quay từng khung hình một. Sau mỗi khung hình tĩnh như vậy, họ lại "chỉnh tay chỉnh chân" của nhân vật đất sét cho "nhúc nhích" một tí, rồi lại quay tiếp một khung hình tiếp. Tổng cộng 24 hình như vậy trong 1 giây và cứ cộng thêm bao nhiêu giây thường thấy trong một phim dài khoảng 90 phút, chúng ta sẽ thấy được số lượng khủng khiếp của bao nhiêu hình cần phải quay. Tuy lao lực khổ sở như vậy nhưng claymation vẫn là một trong những thể loại phim hoạt hình dễ thương nhất và được mọi người yêu thích nhất. Có lẽ vì khán giả thực sự trân trọng công sức mà các nhà làm phim đã đổ vào cho những mô hình nhắc nhớ người ta đến ngày thơ bé còn chơi nhà búp bê chăng? Và dĩ nhiên, diễn viên ảo thì cũng không thể làm khán giả phiền lòng vì những hành vi nhố nhăng của mình ngoài đời thật, còn các chương trình đồ hoạ thì cứ liên tục phát triển, còn gì sung sướng bằng…

12/05


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply