“Kịch bản tôi viết có những cảnh sexy…”

Dự kiến trung tuần tháng 12, “Thời xa vắng” – bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Lê Lựu – ra mắt khán giả. Cùng với “Mùa len trâu”, đây là hai phim tạo dư luận mới mẻ tại LHP VN lần thứ 14. Đạo diễn Hồ Quang Minh đã có cuộc trò chuyện với phóng viên.

– Anh cảm thấy sao khi “Thời xa vắng” không đoạt giải gì ở LHP VN lần thứ 14?

– Tất nhiên đã dự thi LHP thì ai cũng hy vọng tí ti, nhưng trường hợp của tôi hơi đặc biệt: đạo diễn Việt kiều, phim có tài trợ của nước ngoài… nên trước đó tôi đã có dè chừng về tiêu chí rồi. Thông thường, cuộc chơi nào cũng có luật của nó, trách nhiệm của tôi là cố gắng làm một phim thật hoàn chỉnh, thế thôi.

– Trong mắt anh, Nguyễn Thị Huyền sau khi đăng quang Hoa hậu thế nào?

– Ban tổ chức LHP có đặt vé cho Huyền tham dự với tư cách là diễn viên chính của một bộ phim tranh giải, lúc đó Huyền còn đang thi Hoa hậu. Đăng quang rồi cô ấy rất bận với những công việc giao lưu, làm từ thiện,… sợ không kịp đến Buôn Mê Thuột nên đã trả lại vé máy bay.

Tôi bảo Huyền: Môi trường điện ảnh của ta thiếu hào quang, nên nghề diễn viên điện ảnh chưa được coi trọng và đánh giá đúng mức. Thành Hoa hậu là quan trọng, danh hiệu này sẽ theo cháu suốt đời, nhưng khả năng diễn xuất của cháu thì ít ai có thể phủ nhận được và đã được khẳng định khi cháu được mời tham gia vào một bộ phim nhựa. Dù gì LHP cũng là một sinh hoạt văn hoá đỉnh cao cấp quốc gia, nếu quá bận thì chỉ cần đến LHP một ngày cùng bác thôi cũng được, bác sẽ bỏ tiền mua vé cho cháu đi. Nhưng điều làm tôi rất mến Huyền là cách cư xử, Huyền bảo: “Tại con chưa hiểu thấu vấn đề nên trả lại vé. Bác để con tự mua vé đến LHP”.

– Nghe nói phim có những cảnh rất sexy, nhưng xem thì chẳng thấy đâu?

– Kịch bản tôi viết có cảnh sexy, được miêu tả chi tiết và kịch bản đã được duyệt, lên phim không quay những cảnh này. Không phải vì tôi không thích hay không dám có những cảnh ấy, mà cái tôi đã nghiên cứu kỹ chính là về mặt xúc cảm, chuyện tế nhị này có một sức mạnh đặc biệt có thể làm đảo lộn một số tiêu chí của khán giả khi cảm thụ. Hơn nữa, định vị bức tranh Thời xa vắng không thấy có chỗ cho cảnh xác thịt nên không quay, chứ không phải bị cắt.

– Tuyết ở trong phim không xấu và cũng không vô duyên như trong tiểu thuyết, phải chăng đó là chủ ý của anh để đẩy bi kịch “không thể yêu nổi vợ” của Sài lên cao?

– Ngay trong tiểu thuyết tôi nhớ Sài cũng có ý nói Tuyết không xấu, nếu không lấy Sài hẳn cũng nhiều trai làng theo đuổi. Tôi tôn trọng cách nhìn của anh Sài, Tuyết xấu là do cách nhìn của Sài thôi, bởi vậy tôi tách Tuyết khỏi cái nhìn chủ quan ấy. Thực ra, trong phim tôi đứng theo góc nhìn của người phụ nữ nhiều hơn của nam giới, và sức nặng cũng đặt nhiều lên Tuyết, Hương hơn là nhân vật nam.

– U tối, ám ảnh là cảm giác về bi kịch thân phận con người của Giang Minh Sài trên phim. Hình như anh làm có nét hướng theo “Phải sống” của Trương Nghệ Mưu?

– Nếu ước mơ làm phim nghệ thuật thì nghệ thuật đương nhiên phải đánh vào tâm tư thầm kín của một số người nào đó, và nó chỉ có một đối tượng hưởng thụ nhất định thôi. Cũng như khán giả của Phải sống không thể đại chúng như Anh hùng được. Nếu có ai bị ám ảnh khi xem Thời xa vắng thì đó là điều không làm tôi bất ngờ. Nói như vậy nhưng tôi không chống phim giải trí đâu nhé, đang có 1-2 đề án mà tôi rất muốn làm theo kiểu phim giải trí.

– Anh có hướng cho “Thời xa vắng” đến LHP quốc tế nào không?

– Các phim khác của tôi đều được phổ biến ở nước ngoài trước, nhưng Thời xa vắng thì ưu tiên chiếu ở VN. LHP quốc tế hiện giờ tôi và Hãng phim Giải phóng hướng tới là LHP Berlin (vào khoảng tháng 2/2005), đó là mong muốn, còn được chọn vào một chương trình chính thức hay không thì phải chờ đợi, sau đó mới tính đến các LHP khác.

(Theo Tiền Phong)


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply