TTCN – Đó là chuyện nghiêm túc 100%, có điều không phải là Kìm – chàng mục đồng trong bộ phim nổi đình đám Mùa len trâu của đạo diễn Việt kiều Nguyễn Võ Nghiêm Minh – mà là diễn viên Lê Thế Lữ – người đóng vai Kìm, đang có mặt tại Hà Nội để vào vai một trí thức Hà thành mắc bệnh tâm thần phân liệt thể nhẹ, dân gian hay gọi là mộng du.
Khoảng cách quá xa giữa hai vai diễn khiến không ít người tò mò và hơi có phần… ái ngại cho Lữ. Trong một quán cà phê vỉa hè Hà Nội, Lữ ngồi khá trầm lặng, lẫn vào đám đông, ăn mặc đơn giản nhưng hiện đại và hơi có vẻ căng thẳng.
Anh giải thích: đang chờ quay những cảnh cuối cùng, công việc khá vất vả, và không quen nói chuyện với báo chí, nhất là về công việc đang làm.
* Đến bây giờ Lữ đã quên được mình là Kìm – cậu thiếu niên nhà quê đi chăn trâu thuê trong Mùa len trâu chưa?
– Thú thật là chưa. Mùa len trâu đã thấm vào tôi từ lâu, trước khi đóng phim tôi đã đọc truyện của nhà văn Sơn Nam và rất yêu thích. Đến khi đóng phim, được làm việc với đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh, được anh hướng dẫn phong cách diễn xuất tối giản, chân thật, được sống ở vùng bưng biền mênh mông, được tiếp xúc với nhà văn Sơn Nam và những người dân địa phương nên càng mê. Tôi công nhận là mình đã bị ảnh hưởng của Mùa len trâu.
* Vai mới của anh, kỹ sư Long trong bộ phim Thiên thần bé nhỏ của đạo diễn Phạm Lộc là một phim trái ngược gần như tuyệt đối với vai Kìm, vậy anh làm thế nào để khắc phục sự ảnh hưởng ấy trong diễn xuất?
– Đạo diễn Phạm Lộc đã mời tôi có nghĩa là ông ấy tin tưởng ở khả năng “biến hóa” của tôi. Tuy nhiên, trong lúc quay cũng có đôi lần đạo diễn không vừa lòng và nói: “Lại thấp thoáng bóng thằng Kìm rồi”. Tôi vẫn khẳng định là “Không”.
Tôi đã nghiên cứu rất kỹ kịch bản trước khi nhận lời ra Hà Nội và tôi có 4-5 tháng để suy nghĩ về kịch bản cũng như nghiền ngẫm vai diễn của mình. Tôi cũng là một người được đào tạo bài bản và là một sinh viên nghiêm túc để chuẩn bị cho tương lai là một diễn viên chuyên nghiệp (Lữ đang làm bài tập tốt nghiệp khóa diễn viên của Trường cao đẳng Sân khấu – điện ảnh TP.HCM). Tôi nghĩ là tôi không lặp lại mình. Bây giờ, sau mỗi cảnh quay đạo diễn đều kêu: “Tốt, tốt”. Đó mới chính là điều tôi lo ngại.
* Tại sao?
– Tôi không tin sự thành công lại đến dễ dàng thế. Tôi không an tâm. Tôi thích sự khó khăn trên trường quay để rồi đạt hiệu quả tôt lúc xem phim hơn.
* Từ chỗ thể hiện một cậu bé nhà quê, mù chữ 100%, vụt thay đổi để thành một trí thức Hà thành, lại còn u uất đến mức bị mộng du, Lữ nghĩ rằng chỉ cần nghiên cứu kỹ kịch bản cộng với khả năng diễn xuất là đủ sao? Còn vốn sống, vốn kiến thức? Còn cái mà người ta hay thích đề cao mặc dù chả ai nhìn hay nắm bắt được nó cụ thể thế nào: chất “Hà Nội thanh lịch” ấy?
– Tôi nghĩ là tôi đủ sức. Ở ngoài đời tôi ăn mặc cũng không “quê” lắm đúng không? Tôi là một thanh niên hiện đại mà, theo đúng nghĩa bình thường nhất của từ này: thích mặc đẹp, thích nghe nhạc Tây, am hiểu về Internet, mặc dù không ghiền chat chit trên mạng như nhiều cô cậu mới lớn – tôi chỉ vào mạng đọc báo, lấy thông tin gửi thư rồi ra ngay.
Cũng xin bật mí là tôi đã góp vốn với một người bạn để mở một cơ sở kinh doanh Internet từ vài năm nay. Đây cũng là cách mà tôi xác định để kiếm đồng tiền sạch và để nuôi nghề, vì ai cũng biết catsê của diễn viên mình “bèo” đến mức nào, nam diễn viên lại không thể làm thêm bằng nghề người mẫu hay… đi hát được. Còn về cách thể hiện nhân vật người đàn ông mộng du, tôi thấy anh ta… giống tôi – lạnh và thẳng thắn. Vì vậy, tôi không thấy có sự xa cách nào quá đáng. Chính Kìm trong Mùa len trâu mới là tính cách trái ngược với tôi.
* Trong Thiên thần bé nhỏ có nhiều cảnh Long lên cơn mộng du đi lang thang qua các lan can, các sân thượng của những ngôi nhà cao tầng cũ kỹ xập xệ ở Hà Nội, anh có phải tự làm “cascadeur” cho mình không? Có cảnh nào nguy hiểm đến độ sau này viết hồi ký được không?
– Tiếc là không. Chúng tôi quay những cảnh đó trên sân thượng của một chung cư cũ ở khu tập thể Thanh Nhàn. Có nguy hiểm đôi chút nhưng có bảo hiểm. Gờ sân thượng rất mảnh, đi trên đó rất khó nên những người làm thiết kế đã ốp thêm vào đó một miếng gỗ và sơn lại cho giống màu bêtông. Dày 20cm thì diễn viên đi tốt rồi, chúng tôi được rèn luyện hình thể suốt bốn năm học mà.
* Lại nói chuyện hình thể. Một đạo diễn nổi tiếng đã kêu trời lên là diễn viên nam bây giờ… béo quá! Theo như ông ấy thì diễn viên nam của ta chỉ có thể vào những vai xôi thịt hay tham nhũng thôi, chứ chính nhân quân tử thì không được. Lữ có thấy “tự ái” khi nghe vậy không?
– Có nói tôi đâu mà tôi tự ái. Tôi cao 1,74m và luôn khống chế cân nặng mỗi tuần. Tôi không quá chăm chút nhưng cũng ý thức là không được phép mập lên nếu muốn theo nghề lâu dài.
Ảnh: Từ một thiếu niên nhà quê Nam bộ trong Mùa len trâu (ảnh nhỏ), Lê Thế Lữ vào vai một trí thức Hà thành trong Thiên thần bé nhỏ.
THU HÀ
Nguồn: http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=90167&ChannelID=10
Leave a Reply
You must be logged in to post a comment.