LHP Venice đậm sắc phương Đông

Một liên hoan phim mang đậm màu sắc phương Đông trên đất Ý, đó là những gì có thể hình dung về Liên hoan phim (LHP) quốc tế Venice lần thứ 62 sẽ diễn ra từ ngày 31-8 đến 10-9 tới.

Lần đầu tiên trong lịch sử của sự kiện điện ảnh có bề dầy lâu đời nhất thế giới này, cả hai bộ phim được chọn chiếu khai mạc và bế mạc đều đến từ Trung Quốc. Bộ phim Thất kiếm của đạo diễn Từ Khắc (chiếu khai mạc) với dàn diễn viên nổi tiếng như Chân Tử Đan, Lê Minh, Lục Nghị, Dương Thái Ni, Kim So Yeon, Tôn Hồng Lôi, Trương Tịnh Sơ… hứa hẹn sẽ mang lại cái nhìn mới cho khán giả phương Tây đang dần quen với những màn phi thân, bay lượn như chim và các trận giao đấu tràn ngập kỹ xảo trong các phim Ngoạ hổ tàng long, Anh hùng… Vốn là bậc thầy phim võ hiệp tại Hong Kong, được mệnh danh là “Steven Spielberg châu Á”, nhưng lần này, đạo diễn Từ Khắc đã hạn chế sử dụng kỹ xảo trong Thất kiếm để “kể” lại câu chuyện về 7 thanh kiếm báu một cách chân thực và đời thường nhất. Sau khi tạo cơn sốt tại Trung Quốc, việc có mặt tại Venice sẽ là cú hích để Thất kiếm tấn công vào thị trường châu Âu và Mỹ.

Nếu như Thất kiếm là thể loại võ hiệp vốn là sở trường của điện ảnh Trung Quốc thì Có lẽ yêu của đạo diễn Trần Khả Tân (chiếu bế mạc) với dàn diễn viên Trương Học Hữu, Châu Tấn, Kim Thành Vũ, Ji Jin Hee lại miêu tả một câu chuyện tình lãng mạn tại Bắc Kinh và Thượng Hải vào thập niên 30 bằng thể loại phim nhạc kịch, vốn là thế mạnh của điện ảnh phương Tây. Đích thân Marco Mueller – chủ tịch mới của LHP Venice đã đến Bắc Kinh để xem phim và gửi mời mời đến đạo diễn Trần Khả Tân.

Màu sắc phương Đông còn được thể hiện ở việc lần đầu tiên LHP Venice trao giải Thành tựu trọn đời cho một đạo diễn phim hoạt hình, lại là một gương mặt đến từ Nhật Bản: Hayao Miyazaki. Đạo diễn 64 tuổi này được xem là một bậc thầy về phim hoạt hình với giải Oscar năm 2002 cho Phim hoạt hình xuất sắc nhất và giải Gấu bạc tại LHP Berlin năm 2002 cho phim Spirited Away. Năm 2004, Howl’s Moving Castle, bộ phim hoạt hình mới nhất của ông cũng được trao giải Golden Osella cho Kỹ thuật xuất sắc tại LHP Venice.

Ngoài ra, LHP Venice năm nay cũng sẽ dành hai chương trình đặc biệt để giới thiệu Bí mật lịch sử điện ảnh Trung Quốc và Bí mật lịch sử điện ảnh Nhật Bản. Ba phim châu Á khác là Initial D của đạo diễn Lưu Vĩ Cường và Mạch Triệu Huy, Fina Fantasy VII: Advent Children của đạo diễn Nomura Tetsuya và Yokai Daisenso của đạo diễn Miike Takasi cũng được chọn trình chiếu không tranh giải.

Tuy nhiên, ở “sân đấu chính” là giải Sư tử vàng, màu sắc phương Đông phần nào bớt lấp lánh khi trong số 20 phim tranh giải chính thức chỉ có 2 bộ phim châu Á là Trường hận ca của đạo diễn Quan Cẩm Bằng và Nàng Gumja thân thiện (Sympathy for Lady Vengeance) của đạo diễn Park Chan Wook. Hai bộ phim này lại phải đối đầu với một loạt phim mới có mặt của các ngôi sao Hollywood như Proof của đạo diễn John Madden (Gwyneth Paltrow, Jake Gyllenhaal, Anthony Hopkins đóng vai chính), Romance & Cigarettes của đạo diễn John Turturro (James Gandolfini, Kate Winslet, Susan Sarandon đóng vai chính), Brokeback Mountain của đạo diễn Lý An (Jake Gyllenhaal, Heath Ledger đóng vai chính), The Brothers Grimm của đạo diễn Terry Gilliam (Matt Damon, Heath Ledger, Monica Bellucci đóng vai chính), Good Night, and Good Luck– bộ phim thứ hai do George Clooney vừa đạo diễn vừa đóng vai chính… Nhìn vào danh sách những phim tranh giải Sư tử vàng năm nay có thể thấy được sự lấn lướt của phim thương mại Hollywood tại Venice, vốn có truyền thống ưu ái phim nghệ thuật.

Tuy có vẻ “lép vế” về số lượng nhưng phim châu Á vẫn được đặt rất nhiều hi vọng, nói như lời ông Marco Muller là “Các nhà làm phim châu Á đã ngày càng chứng tỏ được sức mạnh của mình. Và điều quan trọng nhất năm nay là phải một lần nữa khẳng định được điều đó trước những đạo diễn tài năng đến từ Hollywood”.

Những năm gần đây, giải Sư tử vàng đã nhiều lần “chạy” về phương Đông khi được trao cho phim Hana-bi (Pháo hoa) của đạo diễn Nhật Bản Kitano Takeshi (1997), No One Less (Không thiếu một ai) của đạo diễn Trương Nghệ Mưu (1999), The Circle (Chu kì) của đạo diễn Iran Jafar Panahi (2000), Monsoon Wedding (Đám cười mùa mưa bão) của đạo diễn Ấn Độ Mira Nair (2001). Hai năm gần đây, giải Sư tử bạc Đạo diễn xuất sắc nhất cũng lọt về tay đạo diễn châu Á với Kitano Takeshi (2003) và Kim Ki Duk (2004).

Thế nên, hãy chờ xem liệu màu sắc phương Đông có toả sáng được trọn vẹn tại LHP Venice năm nay hay không…

Bài viết của CKĐ@MB


Posted

in

by

Comments

One response to “LHP Venice đậm sắc phương Đông”

  1. nemo Avatar
    nemo

    trùi “anh chụt return”

    dạo này anh chụt post bài wé chòi lun, đúng là…

Leave a Reply