Lý Thái Dũng: “Tôi mắc nợ điện ảnh VN”

Gắn bó với nghề 19 năm, thuộc biên chế Hãng phim truyện VN, nhà quay phim Lý Thái Dũng không nhớ mình đã tham gia quay bao nhiêu phim tài liệu. Anh đặc biệt tự hào với Thung lũng hoang vắng được trao Quay phim xuất sắc tại LHP lần thứ 13; phim ngắn Cuốc xe đêm nhận giải thưởng LHP Cannes.

– Một nhà quay phim như anh phải chịu thiệt thòi gì?

– Tôi đưa ra con số chỉ để tham khảo thôi nhé: chi phí cho cả đoàn làm phim của ta hiện nay chỉ bằng một bữa ăn trưa của một đoàn làm phim trung bình ở Hollywood. Tôi 41 tuổi, chưa già nhưng không còn trẻ, vậy mà chưa được hưởng lương của một quay phim chính, có lẽ hết đời cũng chưa phấn đấu lên được quay phim chính bậc trung bình.

Nếu không có gì thay đổi, năm nay tôi sẽ được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý – NSƯT. Một quay phim tốt nghiệp đại học chính quy, 19 năm tuổi nghề, là giảng viên chuyên ngành quay phim của Đại học Sân khấu Điện ảnh, là một trong những quay phim trụ cột mà lương lại không phải lương quay phim chính, quả là một cơ chế lương khó hiểu.

Các quay phim đồng nghiệp của tôi cũng rơi vào tình trạng tương tự. Mức lương này với tôi bây giờ không quan trọng nữa, nhưng lớp trẻ nhìn vào sẽ tuyệt vọng. Nhận lời quay cho một chương trình nào đó trong 3 giờ thôi cũng kiếm được 500.000 đến 1 triệu đồng, trong khi lương ở hãng của tôi chỉ hơn 700.000 đồng/tháng.

– Điều đó khiến anh nghĩ gì về điện ảnh?

– Thực ra thì tôi chưa chán. Tôi vẫn hoàn thành nhiệm vụ mỗi năm quay một phim truyện. Và nếu cảm thấy điều mình nói ra còn có tác dụng thì tôi vẫn nói. Bản chất tôi là người lãng mạn, trong giờ phút xấu nhất vẫn tin tưởng và tiếp tục làm mới mình, được giải thưởng thì mừng còn không được cũng chẳng lấy gì làm buồn.

– Nhưng cả giải thưởng ở Liên hoan phim lẫn giải thưởng của Hội điện ảnh đều gây điều tiếng xì xào. Anh nghĩ sao?

– Mọi cuộc thi đều có vấn đề này, kia. Nhưng mà giống tâm lý của một người thầy, động viên trò nào đang nản chí, hạ điểm trò nào kiêu ngạo. Đó là một phương pháp sư phạm. Phải chăng ban giám khảo trùng với quan điểm ấy của tôi?

– Còn vấn đề tài năng của người làm phim thì sao?

– Tôi chỉ nói riêng về quay phim thôi nhé: 6 tháng trước Phạm Hoàng Nam, Nguyễn Đức Việt và tôi học một khoá tại Đại học Nam California (Mỹ). Trước khi dạy, họ có một buổi phỏng vấn xem trình độ chúng tôi đến đâu.

Ngay sau đó họ phải thay toàn bộ giáo trình, biến khoá này thành một tháng thực tập, tiếp cận luôn công nghệ mới. Nghĩa là tôi không phải xấu hổ về trình độ, nhưng tôi thua họ ở sự sáng tạo trong công nghệ hiện đại và đồng bộ ở mọi khâu.

Công nghệ điện ảnh ở ta không đồng bộ, thiếu thốn tiền và chắp vá mãi. Các bạn trẻ bây giờ vẫn ước mơ làm phim nhựa nhưng họ không dại gì xông vào vội, vì nhìn thế hệ chúng tôi mà rút kinh nghiệm, họ sẽ tiếp cận ngay công nghệ của thế giới: đó là kỹ thuật số. Tôi đánh giá cao những sinh viên tôi đang dạy và cả những người mới ra trường, tôi tin họ sẽ vượt xa tôi.

– Điều ấy chỉ ở hãng phim tư nhân mới nhanh nhạy, còn nhà nước thì sao?

– Tư nhân họ đầu tư đồng bộ và đi đúng hướng. Xem kỹ phim VN sẽ nhận ra những cảnh quay trong ôtô rất giả vì đó là ôtô đứng im, ở VN không có thiết bị quay cảnh 2 người vừa nói chuyện vừa lái xe.

Vừa rồi tôi quay 4 tập phim 39 độ yêu cho hãng tư nhân Nguyễn Phan Quang Bình. Khi quay ở Singapore, Bình đã rất chú trọng tới việc mua thiết bị để có thể quay được những cảnh khó khăn như gắn camera bên thành xe ôtô để quay khi xe chạy trên phố thật sự. Hãng phim tư nhân đã mua và đã làm được trong khi không hãng phim nào của nhà nước có thiết bị này.

Hiện tôi làm 200% sức của mình, phải làm cho các hãng tư nhân để kiếm sống nhưng cũng không thể bỏ phim nhà nước được, vì tôi biết ơn nền điện ảnh VN, nhờ đó mà mình trưởng thành, có được những thành công nhất định. Tôi coi đó là điều mình mắc nợ nên vẫn phải làm.

Ảnh: Cảnh trong phim Thung lũng hoang vắng.

(Theo Tiền Phong)

Nguồn: http://www.vnexpress.net/Vietnam/Van-hoa/Guong-mat-Nghe-sy/2005/04/3B9DD110/


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply