Một bức tranh về thù địch,phân biệt, thảm sát ,can đảm và tình người

Những ai đã từng xem Hotel Rwanda đều khó có thể có cái nhìn khách quan ,người ta có thể chỉ nhìn phiến diện về một phía, thông cảm,đau xót cho người Tutsi,và căm ghét cho tội ác của người Hutu; người ta sẽ tự hỏi : tại sao người Hutu quá khích lại ghét người Tutsi ? phải chăng người Tutsi cao lớn hơn,phải chăng người Tutsi nho nhã hơn, người Tutsi giàu có hơn? người Tutsi được học cao hơn và có quyền lực hơn ? tất cả đều có thể là câu trả lời . Những mâu thuẫn vẫn âm ỉ như ngọn lửa và chỉ đợi một ngọn gió là cháy bùng lên không kiểm soát ; khi Rwanda trở thành một nước độc lập,tách ra khỏi sự kiểm soát của nước Bỉ,dân số Hutu chiếm tỉ lệ trội hơn và nắm giữ quyền lực , người Tutsi thành thiểu số và từ đây mâu thuẫn ngày càng trở nên khó kiểm soát

Paul Rusesabagina ,quản lí của khách sạn Mille Collines , có cuộc sống ” tương đối” an lành bên người vợ Tatiana và các con của anh; tương đối an lành vì anh phải sống ở nơi mà xung đột,mâu thuẫn,chết chóc xảy ra hàng ngày, anh cố gắng làm ngơ,tạm bằng lòng với công việc của mình để được yên ổn, nhưng cho dù lý trí của anh bảo làm ngơ thì lương tâm của anh lại không thể ; anh càng cảm thấy đau lòng hơn khi người láng giềng Victor, một người làm vườn Tutsi, bị chính quyền Hutu đánh đập và bắt đi với lý do anh thuộc một người trong phe đảng Tutsi nổi loạn ; khi người ta đã không ưa hay căm ghét người nào đó,người ta sẽ tìm mọi lý do để bài trừ và Victor là một ví dụ

Hình như các đạo diễn thường thích dùng sấm chớp hay những cơn bão nhỏ để làm điềm báo cho những điều không hay có thể xảy ra, và đạo diễn Terry George cũng không ngoại lệ , ông kết hợp âm thanh , hình ảnh điện cắt , và những tiếng sấm chớp khi Paul ngồi nói chuyện với em vợ của mình tại khách sạn Mille Collines như là dấu hiệu của điềm xấu : Cuộc mâu thuẫn đã lên đỉnh điểm khi lãnh đạo của người Hutu bị phe đối lập ám sát, tất cả những cuộc bắt bớ diễn ra, những ai là Tutsi đều bị nghi ngờ là nổi loạn , nhà của họ bị đốt cháy trụi, họ không có chỗ nương thân, tất cả họ đều kéo về khách sạn Mille Collines để tránh nạn, và bắt đầu từ đây, tính cách của Paul càng được lộ rõ hơn ; anh bình tĩnh giải quyết các vấn đề ,tính cách an phận ở đầu phim khác xa hình ảnh của anh ,bình tĩnh,lý trí khi dùng tiền để thuyết phục tên cảnh sát người Hutu không giết vợ ,các con của anh và những người láng giềng Tutsi , anh dũng cảm chấp nhận ở lại khi mà mình có cơ hội rời khỏi Mille Collines để ở lại với những người Tutsi ,anh can đảm ngả giá với Bizimungu để hắn chấp nhận bảo vệ tất cả người Tutsi thoát khỏi ranh giới của Hutu quá khích
Hotel Rwanda không chỉ phản ánh mâu thuẫn của hai sắc tộc mà còn nói nhiều điều hơn thế nữa , tôi đã cảm thấy vui cùng Paul như thế nào khi anh thấy tổ chức bảo vệ của người da trắng kéo đến,anh hi vọng họ sẽ mang theo những người Tutsi , nhưng niềm vui đó của anh đúng là có cánh, chỉ kéo dài chưa đầy một phút thì nó đã bay mất , thật mỉa mai, người ta đến Rwanda chỉ để bảo vệ đồng loại cùng một màu da với người ta, người ta bỏ lại anh và những người Tutsi vô tội chỉ vì anh và người Tutsi không phải là da trắng , câu nói của đại tá Oliver càng làm nổi bật được sự phân biệt màu da: “Paul, they think you’re dirt, you’re not even a nigger, you are an African”. Người ta chỉ dùng từ nigger khi miệt thị người da đen, và khi Paul thậm chí cũng chưa được xếp loại vào “nigger”,thật mỉa mai Paul, anh còn bị xếp hạng thấp hơn cả “nigger ” vì anh là người Châu Phi.

Tôi đã thực sự xúc động khi những sơ,những cha cố người da trắng cùng với các em bé Tutsi lần lướt kéo về Mille Collines khi họ cứ đinh ninh nghĩ rằng tất cả họ sẽ thoát khỏi nguy hiểm, trời mưa tầm tã, thật buồn, cái cảnh tất cả người Tutsi đứng trong khách sạn nhìn theo thất vọng,cái cảnh những người da trắng nhìn qua làn kính của chiếc xe chở họ rời khỏi Kigali với tâm trạng bồi hồi, cảm giác xin lỗi ,nhục nhã. Thật buồn cười ,cái mà những người tị nạn của khách sạn Mille Collines cần bây giờ là sức mạnh,là quyền lực để giúp họ thoát khỏi sự nguy hiểm, chết chóc, chứ không phải là cảm giác quyến luyến ,hối lỗi của những người da trắng.

Sự thờ ơ của người Châu Âu không chỉ thể hiện ở đó, Jack, nhà quay phim người Mỹ, đã quay được những cảnh thảm sát của người Hutu quá khích đối với Tutsi, Paul đã thật ngây thơ khi nghĩ rằng với cuộn phim của Jack, thì người Châu Âu sẽ thông cảm và lên tiếng,nhưng Jack lại ý thức được phản ứng của những nguời Châu Âu : ” tôi nghĩ khi họ xem những cảnh quay này, họ sẽ nói , Ôi, chúa ôi, điều đó thật kinh khủng và họ lại quay ra tiếp tục bữa ăn tối. ” Câu nói của Jack làm tôi liên tưởng đến trường hợp của những người Nhật vô tội sống trên đất Mỹ bị đưa vào trại tập trung sau khi Trân Châu Cảng bị tấn công ,nhiều người Châu Âu,và người Mỹ sau này đã tự hỏi : tại sao những người Nhật lại không làm gì để phản đối ? Nếu họ làm hết những chuyện điên rồ thì liệu họ sẽ nhận được sự giúp đỡ không? hay họ chỉ nhân được sự thông cảm, oh ,thật bất công và rồi sau đó là im lặng ,cũng giống như trường hợp của người Tutsi sẽ nhận được sự cảm thông, oh,thật dã man, và chỉ có như vậy thôi .

Đối với tôi,cảnh quay nhớ nhất của phim là lúc Paul từ chỗ George Rutaganda lấy thức ăn , trên đường trở về trời tờ mờ sáng, xe không chạy được, anh bước ra khỏi xe và cảnh tượng đập vào mắt anh thật kinh hãi , hàng trăm người Tutsi nằm chết la liệt trên đường, thật ra đã xem nhiều cảnh,những cảnh quay như thế này cũng đều dễ thường thấy trong cách phim về đề tài thảm sát, nhưng đối với tôi, mỗi lần xem vẫn không thể nào có cảm giác bình thường . Trong phim, tuy Paul là nhân vật chính nhưng người để lại cho tôi nhiều ấn tượng nhất lại là hai người phụ nữ . Một là Tatiana, mặc dù rất sợ hãi, cô vẫn luôn luôn an ủi và động viên Paul làm những điều đúng, Sophie Okonedo diễn rất đạt, nét biểu hiện trên khuôn mặt của cô lúc cô sợ, lúc cô khóc, lúc cô tức giận , tất cả giống như thật ,tôi xem cô diễn mà như không diễn, tôi thật sự lấy làm tiếc cho Okonedo mặc dù cô được đề cử giải Oscar cho vai diễn xuất sắc nhưng cô lại vuột mất giải thưởng danh giá đó. Nhân vật thứ hai là Madame Archer, nhân viên của hội chữ thập đỏ, giọng nói mang đậm tiếng địa phương người Anh của cô, tình cảm của cô dành cho những em nhỏ Tutsi ở trại trẻ mồ côi, cô không bỏ đi giống như những người da trắng khác, lúc cô khóc khi chứng kiến những đứa trẻ bị giết mà cô thì không làm gì được, một vai diễn nhỏ nhưng vẫn làm tôi nhớ hoài khuôn mặt của Madame Archer

Tuy nhận được 3 đề cử cho giải Oscar, Terry George và đoàn làm phim của ông vẫn về tay không,tuy nhiên đối với tôi, đây vẫn là một phim đáng xem, tất nhiên là chỉ đối với tôi, còn đối với các bạn, tôi xin dành lại sự lựa chọn cho riêng mỗi người.


Posted

in

by

Comments

3 responses to “Một bức tranh về thù địch,phân biệt, thảm sát ,can đảm và tình người”

  1. pet Avatar
    pet

    Khi xem phim này, tôi nhớ tới Cánh đồng chết làm về Cambodia. Có một điều kinh khủng đó là một câu chuyện có thật. Liên hợp quốc đã cố gắng một cách vô vọng hay đúng ra họ chẳng làm gì cả. Chiến tranh sắc tộc là hậu quả tất yếu của những nước nghèo đói lạc hậu và thiếu hiểu biết. Suýt nữa Tây Nguyên đã xảy ra như vậy. Bộ phim có sức mạnh trọng việc cảch báo mối nguy hiểm của sự tranh giành quyền lực giữa các sắc tộc mà bất cứ nước nghèo, lạc hậu nào cũng cần phải biết …

  2. nuocmattrecon Avatar
    nuocmattrecon

    đọc bài viết đủ thấy đây là 1 phim đáng xem rồi!

  3. faye Avatar
    faye

    Một bài viết hay dành cho 1 phim xứng đáng như thế

Leave a Reply