Một góc nhìn điện ảnh Việt Nam

Thử nhìn điện ảnh Trung Quốc, sẽ thấy không có biết bao nhiêu hãng phim , công ty điện ảnh, đài truyền hình đã phối hợp để thực hiện rất nhiều bộ phim về các triều đại và nhân vật lịch sử. Chỉ một vị vua Càn Long đã được khai thác ở nhiểu khía cạnh, nhiều phim khác nhau.

Trong khi đó, ở nước ta không hiểu những vĩ nhân có tầm vóc, cũng như dòng chảy của lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước đã trải qua nhiều giai đoạn đầy dấu ấn bi hùng, nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa đủ sức tái tạo lại bằng loại hình nghệ thuật thứ bảy. Chẳng lẽ ta phải nhờ : Hoàn Châu công chúa, Khang Hy vi hành, Thành Cát Tư Hãn….để “ôn lại” lịch sử nước nhà? Công chúng đang đòi hỏi nền điện ảnh nước nhà có nhiều bộ phim lịch sử có chất lượng , để thắp sáng lòng tự hào dân tộc, đề làm cái gạch nối cho thời đại ngày nay.

Vào thời kỳ mở cửa, nhiều hiện tượng xã hội cần được báo động, trong đó suy nghĩ , thái độ, lý tưởng sống của lớp thanh niên trí thức là một đề tài nóng bỏng của đời sống thực tại. Thế nhưng người xem không cảm nhận được sức nóng ấy qua những thước phim của chính chúng ta mà phải “mượn tạm” phim Hàn Quốc để “tự đánh thức” mình? Cũng bấy nhiêu về đề tài tình yêu, tuổi trẻ, sự lập thân nhưng với phim VN người xem phải cố gắng đến mức…chịu đựng đề xem cho trọn Không phải vợ người ta, Chuyện tình biển xa….Cũng là một bộ phim về đề tài thể thao nhưng từ Cú nhảy cuối cùng (HQ) đến Nữ võ sĩ (VN) là một khoảng cách vời vợi. Xem phim ta, nhất là thể loại phim truyền hình thường thấy sự gượng ép trong tính cách nhân vật, tình huống khiến người xem bị rơi vào cảm giác..gượng ngập giùm cho diễn viên thể hiện.

Đành rằng sự so sánh nào cũng khập khiễng, nhưng biết nghĩ sao vì khi ngồi trước màn hình, xem một phim hay, hấp dẫn của nước ngoài, tự nhiên cái tâm lý so sánh cứ nảy sinh ở khán giả màn ảnh nhỏ. Xem nhiều phim Việt Nam, có cảm giác nhiều vị tác giả, đạo diễn, biên tập hình như…đóng cửa ở nhà làm phim! Không it khán giả thắc mắc : Chúng tôi chỉ là người xem, không phải là người “trong nghề” mà còn phát hiện ra những lổi chính tả to đùng trong phim, sao những nhà chuyên môn lại….không thấy nhỉ? Chẳng hạn người Việt Nam trong đời sống xã hội hiện đại khi bước lên phim ảnh bỗng trở nên…chậm chạp, già nua và thụ động một cách khó hiểu! Hễ là thanh niên nông thôn thì hút điếu cày, chất phác đến độ…thô sơ, thanh niên thành thị thì đua đòi, thực dụng. Thiếu nữ nông thôn mà lên thành phố kiếm việc thì thế nào cũng bị lừa đảo, cưỡng hiếp. Hầu hết các vị giám đốc thì…tham nhũng, tha hoá….!! Đó là chưa nói đến những “nhân vật” chính….thông minh, giỏi giang một cách bất thường..”.

Cho dù chúng tôi luôn yêu nền điện ảnh nước nhà, nhưng yêu thế nào đây khi mà phim ta chưa đủ trình độ thuyết phục và tin cậy để níu giữ công chúng ngồi lại trước màn ảnh? Lịch phát sóng của hầu hết các đài truyền hình, từ trung ương xuống địa phương đều “ưu tiên” cho phim nước ngoài.

Theo Phụ Nữ


Posted

in

by

Comments

One response to “Một góc nhìn điện ảnh Việt Nam”

  1. bluedreams Avatar
    bluedreams

    Những vấn đề mà báo Phụ Nữ nêu trên là một chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi” của điện ảnh Việt Nam. Dẫu biết là thế nhưng vẫn không thay đổi được gì. Qua bài viết này tôi có cách nhìn như sau :

    Đầu tiên nói về vấn đề lịch sử. Thật đáng xấu hổ khi nói rằng bản thân thuộc lịch sử Trung Quốc hơn là Việt Nam. Nhớ lúc học ở Trung Quốc, thầy cô rồi mấy người bạn hỏi về lịch sử Việt Nam chỉ ậm ờ trả lời được một chút, còn nhắc đến lịch sử Trung Quốc thì nói vanh vách, khiến họ cũng rất ngạc nhiên. Có lẽ do kiến thức lịch sừ của bản thân còn “nông cạn”, học được bao nhiêu thì trả về hết cho thầy cô bấy nhiêu nhưng tại sao lại rành lịch sử Trung Quốc như vậy?? Những bộ phim về lịch sử của Trung Quốc khá hoành tráng, đa phần đều dựa theo đúng cốt truyện, lại thu hút người xem, coi như là vừa được thưởng thức một bộ phim hay lại hiểu thêm về lịch sử Trung Quốc. Cũng có thể nói lịch sử của Trung Quốc có chiều dài khá rộng, hơn nữa rất có tính thu hút, thử hỏi xem hầu hết dân Việt Nam ai cũng đọcTam quốc diễn nghĩa, Thủy hử…..truyện về lịch sử Việt Nam không phải là không có nhưng phim về lịch sử Việt Nam thì lại không mấy phổ biến, phim không có sức hút, không thuyết phục khán giả vậy thì làm sao lịch sử Việt Nam có thể đi sâu vào trong tâm trí lớp trẻ??

    Nói về nhân vật trong phim Việt Nam thật ra tôi cũng không hoàn toàn đồng tình cho lắm, vì đó cũng là một thực trạng thật của xã hội nhưng khi lên phim Việt Nam lại được xử lý không khéo, các nhân vật trở nên quá khoa trương, không thật. Còn nhân vật chính giỏi giang một cách bất thường thì đó là lẽ thường tình, phim nước nào mà chẳng có nói chi phim Việt Nam, nhân vật chính luôn được đạo diễn đề cao một cách quá đáng.

    Tuy nhiên cũng cần suy xét lại phim Việt Nam lúc nào mới có thể phát triển được đây?? Những phim Việt Nam phát hành ở nước ngoài dưới dạng DVD đa phần là của đạo diễn Trần Anh Hùng, còn của các đạo diễn khác?? Nếu Liên hoan phim Châu Á – Thái Bình Dương không tổ chức tại VN thì Đời cát có được đoạt giải không?? Nói vậy chẳng khác nào quá bi quan nhưng tôi thật sự có một suy nghĩ như vậy. Tôi vẫn mong ước một ngày nào đó phim trong nước được mọi người hoan nghênh nhiệt liệt, khán giả sẽ đến với phim Việt Nam nhiều hơn là phim Hàn Quốc hay Trung Quốc.

    Letting Go

Leave a Reply