Chắc chắn rằng thời điểm hiện nay, một bộ phim nước ngoài có doanh thu 800 triệu tại Việt Nam cũng là một con số khiêm tốn, dù là phim Hàn Quốc hay Mỹ. Còn phim Việt Nam thì cao lắm cũng chỉ được 50 triệu, còn lại là lỗ đến mức không thể tưởng được: có phim chiếu trong vòng 3 ngày có 6 khách đi xem đành phải ngừng chiếu. Thế nhưng cách đây 10 năm, đã có một thời kỳ phim Việt Nam có doanh thu đến con số chóng mặt: trung bình một phim từ 400 triệu trở lên, phim đỉnh cao thu đến 1 tỉ và cũng nên nhớ rằng : vào thời giá lúc đó, mọi thứ không đắt đỏ như hiện nay …
Trước năm 1985, hầu hết phim ảnh do các hãng phim nhà nước làm, nhà nước cấp kinh phí và lên kế hoạch tài trợ sản xuất. Dù phim hay, dở thế nào cũng được các cơ quan phát hành phim mua cùng một giá. Sau đó 5 năm, từ 1985 đến 1990, các hãng phim lâm vào tình thế không còn tiền để làm phim vì cơ quan phát hành phim không thể thu hồi vốn. Thế là một nghệ sỹ trong ngành nảy ra ý định nhảy vào làm phim tư nhân liên kết nhà nước: hãng phim lo máy móc, nhân sự và trình duyệt, còn kinh phí của tư nhân. Những bộ phim theo kịp thị hiếu khán giả ra đời bắt đúng tâm lý người xem đã đem lại doanh thu cao. Vào thời điểm đó, những bộ phim võ dài kỳ của HK đang ăn khách, lại thêm nghệ sỹ nọ chuyên lò võ nên lập tức bắt tay vào sản xuất phim võ hiệp dã sử nhãn hiệu VN với 2 bộ phim nhựa Thăng Long Đệ Nhất Kiếm và Lửa Cháy Thành Đại La. Doanh thu của phim là 400 triệu đồng, đạt một con số kỷ lục mà điện ảnh VN hôm nay cũng còn nằm mơ không thấy.
Thế là các hãng phim nhà nước nhận thức ra được lối thoát, hàng loạt tư nhân nhảy vào thị trường sản xuất phim và hốt bạc không kể xiết. Bộ phim video dài hai tập Phạm Công – Cúc Hoa đã lấy không biết bao tiền bạc và nước mắt của khán giả, đồng thời đưa Lý Hùng và Diễm Hương lên hàng ngôi sao của điện ảnh Việt Nam. Doanh thu phim này trên toàn quốc là 800 triệu đồng! Kéo theo sau đó, hàng loạt phim đề tài võ hiệp kỳ tình ra mắt như Kỳ tích Bà đen, Bà chúa cuối cùng, Ân oán nợ đời v.v… Thế nhưng khán giả bắt đầu chán ngấy kiểu phim này, một phần đề tài nhàm chán, phần khác trình độ làm phim VN so với phim bộ HK còn thua kém xa mà băng bộ HK lúc đó tràn ngập. Sau một thời gian ăn nên làm ra, các hãng phim lại cụt vốn vì thua lỗ…
Suốt thời gian đến giữa năm 1991, các hãng phim hầu như bế tắc dù cố thay đổi thể loại, đề tài phim và ra mắt vài phim xem cũng được như: Chiến trường chia nửa vầng trăng , Người Rừng, Kiếp phù du … Tuy thế những phim này không phải dạng giải trí thương mại nên khó mà thu hút được số lượng khán giả. Đến tháng 5 năm 1991, một bộ phim tình cảm ra đời làm thay đổi xu hướng làm phim lúc bấy giờ vì sự thành công của nó không chỉ trên phương diện tiền bạc mà cả nghệ thuật, một bộ phim cho đến nay vẫn được đánh giá là một trong những phim đề tài học sinh – sinh viên dễ thương và chân thật nhất…Phim thành công rực rỡ với doanh thu 500 triệu, xem như một khám phá mới và đưa tên tuổi của hai diễn viên nam nữ chính cùng đạo diễn lên hàng vơ-đét… Bộ phim đã cứu lấy nền điện ảnh Việt Nam lúc đó chính là Vị Đắng Tình Yêu, đem đến cho Lê Mộng Hoàng – đạo diễn, một tên tuổi nhất định. Không thể không nhắc tới hai ngôi sao của bộ phim là Lê Công Tuấn Anh và Thuỷ Tiên. Thế nhưng đạo diễn Lê Mộng Hoàng đã gặp số bạc, ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ ….
Các nhà làm phim nhận ra rằng làm những phim đề tài tình cảm thanh thiếu niên, sinh viên và cuộc sống đương đại chính là lối thoát. Bộ phim “Ngọc trong đá” là câu chuyện về những thanh niên xung phong đem lại thành công không ngờ với 800 triệu đồng doanh thu, lăng xê một trong những gương mặt diễn viên sáng giá của điện ảnh VN :Việt Trinh … Kỷ lục doanh thu vẫn chưa dừng ở đó mà lên đến đỉnh điểm với một bộ phim hình sự “Lệnh truy Nã” với diễn viên Lê Tuấn Anh – nổi bật trong vai Thái Salem . Qua bộ phim này, anh “dính” luôn với những vai phản diện. Cũng từ đây, một thế hệ diễn viên trẻ Việt Nam, dù ngày nay chúng ta nói gì đi nữa thì vẫn chưa có một lớp diễn viên trẻ khác có thể thay thế được vị trí của họ trong lòng công chúng như : Việt Trinh, Lý Hùng, Diễm Hương, Thuỷ Tiên, Lê Tuấn Anh, Lê Công Tuấn Anh. Sau bộ phim Lệnh truy nã làng Cascadeur VN bắt đầu được tin tưởng và liên tục được mời cộng tác trong các phim hành động …
Sau thời kỳ này là những phim “đi đầu” của kiểu phim mì ăn liền kém phẩm chất mà bán chạy: Tình người kiếp rắn, Ngã Ba Lòng. Tuy thế, khán giả càng lúc càng khó chịu với những kiểu phim chụp giựt câu khách rẻ tiền thiếu chất lượng này !
Điện ảnh Việt Nam đi xuống bắt đầu từ đây …
(Tổng hợp từ nhiều nguồn)
Leave a Reply
You must be logged in to post a comment.