Ngọa hổ tàng long – Cổ tích về sự Tự do

Tôi vốn lớn lên trong cổ tích. Khi bé mẹ tôi hay kể đủ thứ truyện cổ tích. Những ngày cuối tuần bố tôi hay đưa đến các nhà sách tìm truyện cổ tích mặc dù ngày ấy chỉ thích ngắm các thứ sắc màu. Đến bây giờ thỉnh thoảng cũng nhảm xạo vài truyện cổ tích tán dóc chơi.

Có lẽ đó là lí do tôi thích phim ảnh, nhất là những bộ phim không quá thật. Tôi gọi chúng là cổ tích không chỉ dành cho con nít. Bất cứ câu chuyện cổ tích nào cũng mang theo một ước mơ. Phim ảnh cũng vậy. Chúng chứa đựng những ước mơ không chỉ của con nít.

.

Ngọa Hổ Tàng Long chứa đựng một cổ tích, một ước mơ về sự tự do. Tự do không chỉ đơn thuần trong những bước bay nhảy phi thân khắp cuối đất cùng trời.

Tự do cả trong suy nghĩ.

Tự do cả về lễ nghi phong kiến.

Tự do trong sự yêu thương.

Tự do trên con đường bản thân mỗi người đã chọn lựa.

.

Cái DuYêN của Lí Mộ Bạch với Dương Tú Liên là cái DuYêN ngàn vàng. Cái DuYêN bén gót mà vẫn không thể giải bày. Đó là sự kiềm tỏa của lễ nghi. Vì sợ có lỗi với một người có hôn ước đã quá cố mà phải dằn lòng.

Đó là quá khứ. Quá khứ chỉ hình thành hiện tại. Quá khứ không thể quyết định hiện tại. Tú Liên bị những quá khứ ảm muội suy nghĩ. Một ước mơ về sự tự do thoát khỏi quá khứ. Quá khứ cần phải để lại phía sau còn cuộc sống thì cứ diễn ra phía trước. Một ước mơ về sự tự do để vững tin và vững bước.

Cái DuYêN đưa đẩy Lí Mộ Bạch đến cuối cùng của sự đau khổ trong những ngày khổ luyện. Đó là khi thời gian và không gian nhạt nhòa hẳn. Đó là khi ngộ ra rằng “ngoài thanh kiếm ra, ta chẳng còn thứ gì.” Chi bằng quyết định gác kiếm rời khỏi giang hồ, ngao du sơn thủy với Tú Liên đến cuối đời. Một ước mơ về sự tự do trong tâm tưởng.

Cảnh đẹp nhất và cảm động nhất là khi Lí Mộ Bạch cầm chặt tay Tú Liên, sưởi ấm nơi gương mặt của mình.

– Chờ ta.

Không cần câu nói đó. Tú Liên đã chờ Lí Mộ Bạch cả một đời.

Vì câu nói đó. Tú Liên chờ Lí Mộ Bạch cả một đời.

– Ta thà làm một con ma quanh quẩn bên nàng còn hơn lên thiên đường mà không có nàng.

Sự chờ đợi đó là xứng đáng. Họ yêu nhau. Họ tự do.

.

Ngọc Kiều Long cho rằng Giang hồ là nơi tự do. Giang hồ cũng có luật lệ của giang hồ. Nếu giang hồ tự do thật thì Lí Mộ Bạch đã có thể dứt hẳn được thế giới ấy. Cuộc sống là giang hồ. Giang hồ là cuộc sống. Vì giang hồ mà Lí Mộ Bạch tặng kiếm. Vì giang hồ mà bị mất kiếm. Vì giang hồ mà tìm lại được kiếm. Vì giang hồ mà cứu người. Vì giang hồ mà người chết thay mình. Vì giang hồ mà chết trả nợ người. Đó là ước mơ tự do thoát khỏi chốn giang hồ.

Tú Liên đã đạt lấy ước mơ ấy thay cho Lí Mộ Bạch. Đó là khi Tú Liên cầm chặt Lục Mệnh trong tay, chém đến cổ Ngọc Kiều Long. Thanh kiếm cần phải trả lại cho chủ. Giống như trái tim trong sáng nhất của Ngọc Kiều Long cần phải trở về. Trái tim không nhuốm màu đen tối dù cùng đã Bích Nhãn Hồ Ly luyện kiếm đến 10 năm trời.

Thoát khỏi giang hồ là khi thoát khỏi cuộc sống. Thoát khỏi cuộc sống là khi rũ bỏ được quá khứ. Rũ bỏ được quá khứ là khi quên đi mọi hận thù. Đó là giây phút nhẹ nhàng nhất của Tú Liên. Chỉ có bản thân Tú Liên và linh hồn Lí Mộ Bạch ở xung quanh mình.

Đó là sự tự do.

.

Mãnh liệt khao khát tự do nhất là Ngọc Kiều Long bởi cuộc sống của một tiểu thư quý tộc và tù túng.

Luyện kiếm là ước mơ tự do. Luyện được khinh công bay nhảy khắp nơi là ước mơ tự do. Tôi đã bị ấn tượng và mê mẩn những cảnh quay bay lượn trên không. Đó không chỉ là sự rượt đuổi.

Đó là sự tung hoành ngang dọc khắp chân trời.

Đó là sự bay lượn không hạn chế, bay lên những mái nhà cao nhất, vượt qua những ngọn núi cao nhất, lướt qua những ngọn cây cao nhất, chạm đến những cụm mây cao nhất.

Đó là sự hòa lẫn vào thiên nhiên, sống cùng gió cát sa mạc, cùng cành cây ngọn cỏ trong rừng trúc.

Đó không chỉ là một cuộc đọ sức.

Đó là những bước nhảy uyển chuyển của hai con người cùng khao khát tự do.

Kiều Long sống thật nhất là khi đánh nhau với La Tiểu Hổ để lấy lại chiếc lược.

– Vì một chiếc lược mà nàng đánh ta như vậy ư?

– Vì nó là của ta.

Là ương ngạnh. Là bướng bỉnh. Ẩn tất cả đằng sau là mơ ước được tự do sống như chính mình.

Tình yêu giữa một tiểu thư quý tộc với một tên thổ phỉ là mơ ước tự do. Kiều Long giải phóng mình khỏi luật lệ và nghi lễ.

– La Tiểu Hổ, huynh còn nhớ câu chuyện về lời ước của chàng thanh niên không?

Câu chuyện kể về một ngọn núi thiêng. Nếu người nào nhảy từ trên núi xuống, mơ ước của họ sẽ thành sự thật. Có một thanh niên đang khổ sở vì bệnh tình của cha mẹ. Anh đã lên ngọn núi ấy và nhảy. Anh ta không chết, cũng không bị thương. Và tất nhiên cha mẹ của anh ta đã khỏi bệnh.

– Có!

– Vậy huynh ước gì?

– Ước gì cả ta và nàng đều trở về sa mạc, sống bên nhau trọn đời.

Bộ phim kết thúc bằng một bước nhảy của Kiều Long. Nàng sẽ không chết, cũng không bị thương. Còn điều ước của La Tiểu Hổ thì đã thành sự thật.

.

Cả 120 phút phim tuôn tràn hai chữ tự do. Cổ tích về sự tự do. Ước mơ đạt được sự tự do. Tự do để sống thật với chính mình. Tự do để sống trọn vẹn với tình yêu. Tự do để sống cuộc sống vo ve tròn.

Và tôi thích Ngọa Hổ Tàng Long vì hai chữ tự do ấy.


Posted

in

by

Comments

5 responses to “Ngọa hổ tàng long – Cổ tích về sự Tự do”

  1. nbtsa Avatar
    nbtsa

    Một đống fim võ hiệp sau này thiệt không bằng nổi NHTL! Nhớ mãi cảm giác ngất ngây khi xem mấy nhân vật nhúng mình bật cao bay lượn… 🙂

    Vera: Quá tệ, coi fim ko để ý gì nha! 😀

    dlehcm: Băn khoăn gì nữa bạn, chết chắc, có điều chết đẹp 😛

  2. cuongphampr79 Avatar
    cuongphampr79

    xem phim thích hơn đọc truyện Ngọa hổ tàng long nhiều. Truyện lê thê, tính cách nhân vật thì nhạt nhòa. Cái giỏi của Lý An là chuyển thể truyện lên phim gọn, sắc, hấp dẫn

  3. dlehcm Avatar
    dlehcm

    Thật ra theo sách kể truyện phim Ngọa Hổ Tàng Long, La Tiểu Hổ ước được trở về sa mạc cùng Ngọc Kiều Long nhưng lời ước của Ngọc Kiều Long thì cô ấy ko nói ra, chỉ nhảy xuống núi. Dù sao, đó cũng là một kết thúc mở gây băn khoăn về số phận của Ngọc Kiều Long

  4. ursa Avatar
    ursa

    Cảnh đó đẹp 😡

  5. ara Avatar
    ara

    Cảnh cuối xem cứ thắc mắc không biết vì sao Kiều Long phải nhảy xuống… vào xem mới nhớ lại câu chuyện mà Tiểu Hổ kể lúc ở sa mạc 😀

     

    Xem mới thấy tài năng của Lý An vẫn hơn những đạo diễn TQ cùng thời với ông một bậc.

Leave a Reply