Ngôn Ngữ Của Sự Im Lặng

Tặng Lục Tiểu Phụng

Cách nay trên dưới 2500 năm, tại cái nôi của sự minh triết – Ấn Độ – Đức Phật đã dạy các đệ tử : “Im lặng là vàng”. Để rồi sau đó 500 năm, nơi những ngọn đồi khô cằn xứ Judea, Jesus Christ cũng dạy các môn đồ của mình điều tương tự : “Im lặng là vàng, nó nói lên tất cả …”. Do đâu lại có một sự trùng hợp lớn lao đến như vậy ở hai bậc thánh nhân ? Có lẽ khó mà nói được vị nào là người giữ “bản quyền” câu nói thâm thúy này bởi như người ta vẫn nói, các tư tưởng lớn thường gặp nhau. Cứ cho là vậy.

Sự im lặng không đơn thuần là một trạng thái trong sinh hoạt hằng ngày của con người, đó còn có thể được coi như là một cách thức trao đổi thông tin, một ngôn ngữ. Nhưng phải công nhận một điều, đó là một ngôn ngữ uyên thâm và kỳ diệu nhất của con người. Sự im lặng không phải là ngôn ngữ của riêng một con người nào, hay của một nhóm cá nhân, một dân tộc nào; mà nó là ngôn ngữ chung của nhân loại và mọi người, mọi dân tộc trên trái đất này đều có thể sử dụng được mà không phải tốn tiền để đi học như học một ngoại ngữ nào đó :-D. Mặc dù vậy, không phải ai cũng biết rằng mình đang sở hữu một ngôn ngữ quí báu và cũng không phải ai cũng biết sử dụng ngôn ngữ của sự im lặng mà mình đang có.

LE SILENCE DE LA MER – Sự Im Lặng Của Biển – có lẽ là người thầy thiết thực đầu tiên và duy nhất dạy cho tui bài học sâu sắc về Ngôn Ngữ Của Sự Im Lặng. Đó là :

Ngôn ngữ của sự phản kháng

Sau khi Thế Chiến II bùng nổ, chẳng lâu sau nước Pháp rơi hẳn vào tay quân đội Quốc xã Đức (1941). Chính quyền bù nhìn Vichy ở miền Nam được thành lập, đứng đầu bởi nhân vật lắm tội nhiều công: Pétain. Quân kháng chiến đồng thời cũng âm thầm hoạt động khắp mọi nơi.

Trong cái bối cảnh đầy bất mãn, lo âu và khốn khó đó, câu chuyện bắt đầu tại ngôi nhà ông lão André đang sống cùng cô cháu gái Jeanne. Sự hiện diện của vị khách không mời: viên sĩ quan quốc xã Đức – Werner – vào một đêm tối đã làm cho không khí trong nhà trở nên nặng nề. Hai ông cháu gia chủ không có sự lựa chọn nào khác ngoài phục tùng sự chỉ định từ phía nhà cầm quyền và quân đội ngoại xâm đang đồn trú trong vùng. Hai ông cháu lão André đều là những người có lòng yêu nước sâu sắc, bất mãn trước chính quyền bù nhìn như bao người Pháp đương thời. Sự biểu lộ thái độ của họ trước các sự kiện xã hội có khác nhau do khoảng cách tuổi tác, nhưng hai ông cháu lại thống nhất trong phương cách biểu lộ sự phản kháng, chống đối đối với “vị khách không mời” trong nhà: Họ tuyệt đối không nói một lời với viên sĩ quan Werner. Mặc cho những lời chào, hỏi thăm của khách, họ tuyệt đối im lặng và tiếp tục làm việc của mình, coi như người thứ ba không hề hiện diện. Ông lão André thì cứ làm những việc thường nhật của mình, cô cháu gái Jeanne vẫn phụ giúp người ông và đi dạy đàn như mọi khi.

Hình thức đấu tranh phi bạo động mang hơi hướm Gandhi rõ ràng có tác dụng hữu hiệu. Thậm chí nó còn có phần quá khích khi cô cháu Jeanne cương quyết với ông mình sẽ chẳng bao giờ đàn khi vị khách đáng ghét kia còn ở trong nhà chỉ với lý do : tất cả các nhà soạn nhạc đều là người Đức . Về phần người sĩ quan, rõ ràng Werner nhận ra ngay sự thừa thãi của mình cũng như sự bất mãn của gia chủ. Do đó, mỗi tối trở về, người sĩ quan tội nghiệp cũng phải “học” im lặng trong cử chỉ, nói năng, anh biết mình nên nói gì, khi nào và bao nhiêu là đủ (dù thế nào cũng là thừa thãi).

Ngôn ngữ của sự tôn trọng

Mặc dù im lặng, nhưng không có nghĩa hai ông cháu tỏ ra khiếm nhã trước những lời của Werner. Họ vẫn lắng nghe viên sĩ quan nhưng với một thái độ tỏ vẻ hờ hững, chiếu lệ, dù vậy cũng không mất đi sự nhã nhặn của những người chủ nhà đối với khách.

Lòng tự trọng của những con người mất nước nghĩ cũng lạ, có người gào thét, chưởi bới quân xâm lược; có người lại chê bai đồng bào mình và khen ngoại quốc, có người âm thầm mưu tính …. Lòng tự trọng của cô gái trẻ Jeanne trước lời đề nghị giúp đỡ của viên sĩ quan đang trú ngụ nơi nhà mình có lẽ là chi tiết thú vị nhất trong phim khi cô lẳng lặng bước tới cửa xe mà Werner đang mở sẵn và rồi bước đi tiếp , để lại phía sau anh chàng sĩ quan với gương mặt ngạc nhiên , đầy cảm phục vì lời đề nghị giúp đỡ của mình đã bị từ chối một cách rất khéo léo và cương quyết.

Tự trọng đối với bản thân và tôn trọng đối với người khác. Không có những cái nhìn xoi mói, không có những hành động quá đáng ở vai trò một vị khách đầy uy quyền, Werner đã để hai người bạn thân thiết của mình ngủ trong nhà kho với cái lạnh của tiết trời lúc trở đông mặc dù anh hoàn toàn có quyền đề nghị chủ nhà nhường chỗ cho bạn mình. Tôn trọng người để gìn giữ cho người những giá trị cao cả mà họ có, dù phải gạt bỏ, dồn nén những cảm xúc của bản thân: Đôi tay khẽ vuốt mái tóc người con gái nhưng kịp dừng lại đúng lúc không phải vì Werner quá rụt rè và lễ độ, nhưng để cho trọn vẹn những gì mình trân trọng và yêu quí nơi Jeanne.

Rồi từ tôn trọng người đến kính trọng những gì thuộc về người, kính trọng những con người có lòng ái quốc, tự trọng; kính trọng những giá trị văn hóa của một dân tộc bại trận và bị lệ thuộc; kính trọng một người ông đáng quí và một cô gái trẻ nhưng luôn im lặng; kính trọng những gì thuộc về nơi mình đang cư ngụ ….Nhưng cũng không phải vì quá kính trọng đến nỗi quên đi những giá trị cao quí đích thực của dân tộc mình.

Về phần ông lão André và cô cháu Jeanne, họ tự trọng bằng cách không trao đổi với Werner nhưng họ cũng tôn trọng người khách không mời kia mặc cho những “màn độc thoại dài lê thê của anh ta” .

Ngôn ngữ của sự quan tâm, chia sẻ

Ở đời có nhiều kẻ vô tâm đến phát sợ, nhưng cũng không thiếu những người có thừa sự quan tâm đến người xung quanh. Quan tâm thực sự đến khó khăn của người khác mặc dù biết rằng điều đó chỉ làm tăng thêm sự khó chịu, và có lúc còn mang lại những điều khó xử cho bản thân. Quan tâm đến những gì không can hệ tới mình từ những kẻ xa lạ. Để rồi chia sẻ những suy tư, khốn khó của người. Có lạ không một “bàn tay quốc x㔠với chữ von cao quí (đọc âm f ) trước cái họ lại quì xuống cỏ cầm những con cá tanh tưởi bỏ vào giỏ một người mất nước? Có “quê độ” không một sĩ quan mà xe đang bon bon ngon trớn lại dừng lại đề nghị cho quá giang một cô gái quê mùa để rồi bị từ chối một cách thẳng thừng? Quan tâm để rồi giúp đỡ người trong những phút ngặt nghèo nhất mà không hề bận tâm đến danh dự bản thân, phân trần. Quan tâm đến những gì thuộc về người, những thói quen, những hy sinh của người khác vì sự có mặt của mình ….

Là sự chia sẻ sự bất lực của Werner khi Jeanne biết rằng anh không đủ thẩm quyền để cứu đứa con nhỏ của người hàng xóm khỏi cảnh mồ côi cha mẹ. Là sự quan tâm đến người sống xa nhà trong lễ Giáng sinh, quan tâm đến những tiện nghi sinh hoạt của người lạ trong nhà mình. Là sự từ bỏ tiệc Giáng sinh với đồng bào và người ông của mình để giành sự đặc biệt, thiêng liêng của đêm Noel cho con người sống xa gia đình.

Ngôn ngữ của sự đồng cảm

Đó là cái nhìn đầy cảm thông nơi hai con người và họ nhận ra khoảng cách của người trong xe và người đứng sau hàng rào của trại lính không chỉ là khuôn viên doanh trại, mà là những nghĩa vụ, những ranh giới không thể vượt qua được. Werner hiểu rằng Jeanne đã phải bỏ đi tất cả sĩ diện cá nhân để đến bản doanh SS ( viết tắt của từ “Schutzstaffel” ) chỉ để cứu đứa trẻ khỏi cảnh mồ côi sau vụ ám sát của quân kháng chiến mà cha mẹ nó có tham gia.

Đó là sự rung động theo từng nốt nhạc thanh thoát và dịu dàng nơi cô gái trẻ Jeanne khi cô ngồi bên lò sưởi lắng nghe Werner đàn đoạn prelude cho cung rê thứ của J.S Bach trong đêm Giáng sinh – bài mà cô đàn vào đêm Werner đến nhà ông cháu lão André. Và rồi khi bài nhạc kết thúc, cô cảm nhận những ranh giới, rào cản giữa hai người đã biến mất, chỉ còn cô và Werner.

Đó là bước đi chậm dần, chậm dần và dừng hẳng trước cửa phòng Jeanne của Werner. Người sĩ quan có biết không sau cánh cửa gỗ đó, Jeanne nép mình, lắng nghe từng bức chân của Werner? và rồi cũng như khi bàn tay Werner khẽ chạm vào mái tóc của Jeanne, anh lại bước đi.

Ngôn ngữ của tình yêu thương

Jeanne yêu quê hương, đất nước Pháp của mình, điều đó không bàn cãi; cô cũng biết quanh vùng, lực lượng kháng chiến hoạt động dữ dội; song làm sao cô có thể cứu một con người dù là xa lạ thoát chết trong một âm mưu ám sát mà cô có dịp mục kích lúc nữa đêm. Cô không thể phản bội đồng bào mình, không thể báo cho ông mình được và càng không thể gõ cửa phòng viên sĩ quan Quốc xã. Có lẽ đêm đó là đêm dài nhất trong cuộc đời của Jeanne. Và rồi, khi bình minh xuất hiện, hai người đàn ông một già một trẻ ngạc nhiên lắng nghe tiếng dương cầm vang lên từ dưới nhà. Ông lão André ngạc nhiên không hiểu vì sao cô cháu cương nghị của mình lại hủy bỏ nguyên tắc mà cô đã nói trước đây. Viên sĩ quan Werner càng không ngờ vào buổi sớm mai lại được nghe tiếng đàn của Jeanne mà từ khi đến đây, anh không còn nghe nó nữa và anh không thể không dừng lại để lắng nghe cô đàn. Bài concerto cho piano của Bach được chơi với nhiệp điệu dồn dập, mạnh mẽ; ánh mắt vừa sợ hãi vừa giận dữ của Jeanne khi cô nhìn Werner; anh mơ hồ nhận ra một thông điệp nào đó mà cô gái gởi đến anh. Và rồi một tiếng nổ vang rền ngay trước sân lúc sáng sớm đã giết chết hai người sĩ quan bạn của Werner và người tài xế quốc xã….

Đó là gương mặt đầy lo âu với đôi mắt long lanh nước mắt của Jeanne khi Werner báo cho hai ông cháu hay mình sẽ đến chiến trường Liên Xô – nơi người Đức sẽ đón nhận sự hãi hùng dành cho mình trong mùa đông Nga như trong các tác phẩm của E.M Remarque đã nói. Cũng như lúc đến, Werner bất ngờ từ biệt ra đi ngay trong đêm. Và rồi, vượt qua mọi ranh giới vô nghĩa, phi lý và trừu tượng, Jeanne bỏ lại người ông trong nhà, ràn rụa nước mắt, cô chạy ra sân để chỉ nói với người mình thương yêu một câu duy nhất “Vĩnh biệt”. Werner bước ra khỏi xe, lặng im đón nhận lời từ biệt của Jeanne như một kỷ vật trước khi bước vào bóng đêm của chiến tranh….

Không ồn ào như âm nhạc của Wagner , không quá sang trọng, quí phái như nhạc của Beethoven, âm nhạc của Bach thật gần gũi, mượt mà, dịu dàng và sâu lắng, không quá lời khi nói rằng nó đã mang lại sự trọn vẹn cho Le silence de la mer. Và như anh chàng sĩ quan Quốc xã Werner đã nói: “…Biển chỉ thực sự im lặng khi chúng ta biết lắng nghe” (lại một câu nói mang tính triết lý đặc trưng của người Đức), ngôn ngữ của sự im lặng quả thực có một quyền năng rất lớn lao nhưng cũng đòi hỏi ở mỗi người sự lắng nghe. Im lặng không có nghĩa là không nói gì, nhưng thật ra là nói lên tất cả. Tôi lại nghe đâu đây câu hát thân thuộc “…People talking without speaking; people hearing without listening …”


Posted

in

by

Comments

7 responses to “Ngôn Ngữ Của Sự Im Lặng”

  1. never_let_go Avatar
    never_let_go

    coá những bài viết hay thế này cho diễn đàng thì tuyệt thiệt….nhưng nếu thêm phần hình ảnh để miêu tả sinh động hơn thì cấp độ ” tuyệt” sẽ nâng lên hehe…đôi khi chẳng cần nói..chỉ cần làm thôi bạn nhỉ?

  2. nuocmattrecon Avatar
    nuocmattrecon

    đọc bài viết này để thấy rằng trên đời o phải ai cũng xấu xa cả

  3. joorlean Avatar
    joorlean

    Tại sao lại không có poster ở đây vậy ta?!

    [http://www.commeaucinema.com/news.p…]

  4. ndthanh Avatar
    ndthanh

    Oh hôm trước mới thấy hình đây mà ta!

  5. younggun1894 Avatar
    younggun1894

    Bài của bạn rất hay ! Nhưng lần sau bạn có thể trình bày cho trau truốt hơn nhé , thêm hình ảnh vào se hấp dẫm hơn ! ( Như bạn thien_thach_lua nói ấy ! ) Chắc chắn sẽ hay hơn rất nhiều ! Chúc bạn luôn vui vẻ và mạnh khỏe để có nhiều bài viet hay hơn nữa !!!!

    Tôi rất yêu thích mấy film lịch sử ,chiến tranh nhưng trong MB chưa tìm được ai đồng cảm cả !

  6. thien_thach_lua36 Avatar
    thien_thach_lua36

    Nhưng không thấy file hình . –> vì thế nên bài viết quá dài và đọc hơi nhức mắt! . Được cái hay lắm!

  7. littledevil Avatar
    littledevil

    Bạn viết hay lắm, hãy tiếp tục cống hiến cho diễn dàn nhé.

Leave a Reply